14:19 24/02/2023

Thủ tướng: Giải quyết dứt điểm việc thiếu thuốc, không để người bệnh phải mua ngoài

Phúc Minh

Làm việc với ngành y tế, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành cần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài"…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023. Ảnh - VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023. Ảnh - VGP.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 diễn ra vào sáng ngày 24/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành là phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.

Đồng thời, phải tiếp cận phát triển ngành y tế một cách tổng thể, toàn diện, bao gồm: y tế công lập và y tế tư nhân, không phân biệt công lập hay ngoài công lập, y học hiện đại và y học dân tộc, cả chuyên môn và dược liệu, cả con người và cơ sở vật chất; đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động mọi nguồn lực phát triển ngành y tế nhanh, bền vững, hiện đại, tiên tiến, hội nhập.

ĐẶT SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI DÂN LÊN TRÊN HẾT

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng lưu ý một số nội dung cần thực hiện với ngành. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xây dựng, sửa đổi các luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...

"Phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, con người, cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí để tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ yên tâm làm việc, tránh tâm lý sợ sai, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực thi. Trong bối cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành cần tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản, ứng phó dịch bệnh. Tiếp tục triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, có giải pháp bảo đảm duy trì hiệu lực của vaccine. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp...

Song song đó, cần thực hiện hiệu quả kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học, các khu vực tập trung đông người, mùa lễ hội…; nghiên cứu xây dựng trạm y tế tại các khu công nghiệp.

KHÔNG ĐỂ TÁI DIỄN TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH PHẢI MUA THUỐC NGOÀI

Đối với vấn đề tự chủ của các bệnh viện, Thủ tướng yêu cầu triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để hoàn thiện các quy định về mô hình tự chủ. Đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trên cơ sở tìm điểm cân bằng để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, bệnh viện và người dân, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - VGP. 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - VGP. 

Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là các dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa cơ sở 2… Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao năng lực y tế từ nguồn tăng thu và cho phép cơ sở y tế công lập được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, vay thương mại.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thủ tướng cũng lưu ý ngành triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh việc triển khai Sổ y bạ điện tử kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Công an khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết các thủ tục y tế, khám chữa bệnh cho người dân.

Nhiệm vụ nữa là đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh của Việt Nam. Nâng cao năng lực tự chủ về nguyên liệu, các loại thuốc chữa bệnh trong nước có chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu. Phát triển, xây dựng thương hiệu đối với một số lĩnh vực y học hiện đại và y học cổ truyền mà Việt Nam có thế mạnh. Đẩy mạnh phát triển du lịch chữa bệnh.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài". Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch; nhất là khắc phục tâm lý "sợ sai", "làm ít sai ít", "không làm, không sai" đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng miền...

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, ngành y tế cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, từ đó giảm gánh nặng cho công tác y tế; để người dân thấu hiểu, chia sẻ và đóng góp hoàn thiện chính sách y tế...