09:51 05/09/2007

Sẽ thu hẹp đối tượng cho vay bằng ngoại tệ

Theo Vụ Chính sách Tiền tệ, sắp tới, ngân hàng chủ trương sẽ chỉ cho vay phục vụ xuất nhập khẩu và trả nợ nước ngoài trước hạn

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, sắp tới, ngân hàng chủ trương sẽ chỉ cho vay phục vụ xuất nhập khẩu và trả nợ nước ngoài trước hạn.

Liên tục trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã đề cập đến một số giải pháp liên quan đến hoạt động ngoại hối. Đáng chú ý là Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã đề nghị các tổ chức tín dụng góp ý kiến vào dự thảo quyết định của Thống đốc về cho vay bằng ngoại tệ đối với khách hàng.
Theo dự thảo này, các đối tượng cho vay bằng ngoại tệ sẽ bị thu hẹp so với hiện nay.

Dư nợ tăng cao, ngân hàng thiếu hụt ngoại tệ

Tám tháng đầu năm nay, tình hình hoạt động ngoại hối diễn ra sôi động khác những năm trước. Dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng cao hơn nhiều so mức tăng tương ứng cùng kỳ 2 năm trước. Các địa phương Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, và Cần Thơ có mức tăng từ 20% đến gần 111% so với cuối năm 2006.

Điều đáng lo ngại là các tổ chức tín dụng đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn ngoại tệ. Huy động vốn bằng ngoại tệ trong thời gian tương ứng thấp hơn tăng tín dụng ngoại tệ khiến chênh lệch số dư vốn huy động và cho vay ngoại tệ ngày càng bị thu hẹp (số chênh lệch này của khối ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội chỉ còn 13,2%).

Mở rộng tín dụng trong bối cảnh tỉ giá VND/USD mấy tháng gần đây có xu hướng tăng với biên độ khá cao làm tăng nguy cơ rủi ro tỉ giá, rủi ro lãi suất đối với tổ chức tín dụng và khách hàng trong diễn biến khó lường của tỉ giá và lãi suất trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện dấu hiệu rủi ro cao về kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay vốn ngoại tệ (vốn ngoại tệ của các ngân hàng ở Hà Nội chủ yếu là tiền gửi từ 12 tháng trở xuống, nhưng dư nợ cho vay kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lại chiếm đến 38,2%/tổng dư nợ cho vay ngoại tệ).

Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do đối tượng cho vay bằng ngoại tệ quy định tại Quyết định 966/2003/QĐ - NHNN ngày 22/8/2003 là khá rộng.

Ngoài những đối tượng vay có liên quan đến xuất nhập khẩu, Quyết định 966 còn cho phép cho vay các dự án đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nhu cầu vay vốn ngắn hạn mà khách hàng vay không có nguồn thu ngoại tệ. Chính hai đối tượng vay này khi lãi suất vay bằng ngoại tệ lợi hơn vay bằng VND đã làm tăng nhu cầu vay ngoại tệ lên rất lớn.

Sẽ thu hẹp đối tượng cho vay

Theo Vụ Chính sách Tiền tệ, sắp tới, ngân hàng chủ trương sẽ chỉ cho vay phục vụ xuất nhập khẩu và trả nợ nước ngoài trước hạn. Quyết định này nhằm phù hợp chủ trương hạn chế tình trạng USD hoá, nới lỏng từng bước các giao dịch vốn với nước ngoài và không ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Các nhu cầu vốn sắp tới tổ chức tín dụng được xem xét quyết định cho vay chỉ bao gồm 3 nhu cầu: Thanh toán cho nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu mà khách hàng vay có đủ nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu để đảm bảo trả nợ vay và vốn lãi vay; để trả nợ nước ngoài trước hạn, nếu khoản vay có đủ điều kiện.

Như vậy, các nhu cầu vốn chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu; cho vay với người đi lao động ở nước ngoài; thực hiện các dự án đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nhu cầu vay vốn ngắn hạn không có nguồn thu ngoại tệ sẽ không được phép vay vốn bằng ngoại tệ nữa.

Đặc biệt nếu như ở Quyết định 966 còn tồn tại cơ chế xin - cho đối với các nhu cầu vốn nằm ngoài quy định phải xin phép thống đốc, thì nay tại dự thảo quyết định mới không còn trường hợp ngoại lệ này.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở Tp.HCM cho biết sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung nhu cầu vay để chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu. Vì khi có chứng từ xuất khẩu có nghĩa là khách hàng đã xuất khẩu rồi. Nếu không cho vay mà các ngân hàng phải mua bộ chứng từ xuất khẩu thì ở Việt Nam hình thức này là khá rủi ro.

Dư nợ cho vay bằng ngoại tệ sẽ giảm

Dự kiến quyết định thu hẹp đối tượng cho vay bằng ngoại tệ nếu ban hành sẽ làm giảm áp lực vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng. Mặc dù không công bố mức khống chế như đối với cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán nhưng rõ ràng là việc thu hẹp các đối tượng cho vay bằng ngoại tệ cũng đồng nghĩa với việc sẽ giảm dư nợ cho vay bằng ngoại tệ.

Các nhu cầu vay ngoại tệ ngoài 3 đối tượng quy định trên sẽ không được phép bằng ngoại tệ nữa và khi đáo hạn nếu có nhu cầu sẽ không được tiếp tục vay bằng ngoại tệ mà phải chuyển sang vay VND.

* Lãi suất huy động USD phổ biến cao nhất hiện nay tương ứng với không kỳ hạn và các kỳ hạn 3,6,12 tháng là 1,6%/năm và 4,9%/năm - 5,1%/năm - 5,5%/năm.

Lãi suất cho vay USD phổ biến cao nhất hiện nay tương ứng với ngắn hạn và trung, dài hạn là: 6,0%/năm - 6,7%/năm - 7,8%/năm.