09:47 29/10/2014

“Sẽ thu hút vốn tư nhân vào dự án Long Thành”

Yến Thanh

Vốn đầu tư cho dự án sân bay Long Thành là nội dung được quan tâm nhất trong các tranh luận gần đây

Mô hình sân bay Long Thành.<br>
Mô hình sân bay Long Thành.<br>
Hôm nay (29/10), báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành được Bộ Giao thông Vận tải trình ra Quốc hội. Để bạn đọc có thông tin đầy đủ về dự án đang gây nhiều tranh cãi này, VnEconomy xin trích đăng những nội dung cơ bản nhất trong báo cáo.

“Lựa chọn tối ưu”

Báo cáo khẳng định Long Thành là địa điểm lựa chọn tối ưu cho việc xây dựng một cảng hàng không quốc tế tại phía Nam.

Theo quy hoạch, đây sẽ là cảng hàng không quốc tế quan trọng nhất của khu vực phía Nam, là cảng hàng không quốc tế lớn nhất toàn quốc và là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn ICAO, với tổng công suất từ 80 - 100 triệu khách/năm.

Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương (Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009) và phê duyệt quy hoạch tổng thể (Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 14/06/2011), theo đó cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là cơ sở để hình thành mạng lưới giao thông khu vực phía Nam, mang lại nhiều lợi ích khi mạng lưới giao thông khu vực, liên vùng tiếp cận sân bay đã được hình thành và đang tiến tới hoàn thiện, làm cơ sở cho các ngành công-nông nghiệp, dịch vụ phát triển.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tới việc kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tế đã chứng minh, các cảng hàng không lớn trên thế giới nằm cách trung tâm thành phố từ 15 đến 60 km, thời gian tiếp cận tối đa khoảng 40 - 50 phút. 

Việc đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo báo cáo, là để đảm bảo năng lực vận tải khi Tân Sơn Nhất quá tải. Trong năm 2013, lượng hành khách thông qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt hơn 20 triệu khách/năm (tăng 14,2% so với năm 2012) và phục vụ cho 140 nghìn lượt cất hạ cánh. Hiện nay bình quân mỗi ngày có gần 420 lượt chuyến cất hạ cánh thông qua.

Đến năm 2025, dự báo sản lượng hàng năm đạt 40,411 triệu hành khách; 817 ngàn tấn hàng hóa; 297.083 lượt cất hạ cánh. Đến năm 2030, dự báo sản lượng hàng năm đạt 53.409 triệu hành khách; 1.080 ngàn tấn hàng hóa; 392.040 lượt cất hạ cánh.
 
Tuy nhiên, theo báo cáo, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay đã khai thác hết công suất nhà ga hành khách hiện hữu. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang tiến hành cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách quốc tế và trong nước để nâng công suất lên 25 triệu hành khách/năm, đáp ứng lượng hành khách dự báo sẽ đạt được vào năm 2016-2017. 

Ngay cả trong trường hợp chuyển giao đất quốc phòng (sân golf hiện nay) để mở rộng Tân Sơn Nhất thì việc xây dựng thêm một đường cất hạ cánh, một nhà ga công suất 20 triệu hành khách ước khoảng 9,1 tỷ USD, phải giải phóng thêm 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu); chưa kể chi phí và số lượng dân phải giải toả để làm thêm một đường giao thông tiếp cận, ảnh hưởng đến cấu trúc giao thông của thành phố. 

Ngoài ra, việc mở sân bay Tân Sơn Nhất cũng không đáp ứng được chiến lược phát triển một cảng hàng không quốc tế lớn với công suất 100 triệu hành khách/năm. 

Việc mở rộng căn cứ không quân Biên Hòa cũng được xem là không khả thi, vì căn cứ này bị hạn chế bởi sân bay này nằm gọn trong thành phố Biên Hòa, được bao bọc bởi khu dân cư và hiện là khu vực bị nhiễm chất độc dioxin cao nhất Việt Nam, nên chi phí tẩy độc và giải phóng mặt bằng cũng gây lãng phí về thời gian và làm tăng cao chi phí đầu tư dự án, dự kiến khoảng 7,5 tỷ USD.

Báo cáo cho biết, Long Thành hiện nay có thể kết nối dễ dàng với mạng lưới đường bộ, đường sắt đã và đang được hoàn thiện. Với diện tích quy hoạch là 5.000 ha, đây sẽ là khu vực dành cho phát triển công nghiệp hàng không, sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp khác nhau đến đầu tư và bên cạnh sân bay đã được tỉnh Đồng Nai quy hoạch, thành phố sân bay với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và đô thị dịch vụ kết hợp với sân bay sẽ tạo được nhiều việc làm, thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. 

Vốn đầu tư ra sao?

Vốn đầu tư cho dự án sân bay Long Thành là nội dung được quan tâm nhất trong các tranh luận gần đây, trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang tăng cao.

Theo báo cáo đầu tư, dự kiến nguồn vốn phát triển dự án sẽ bao gồm vốn doanh nghiệp, vốn ngân sách Nhà nước/ODA. Đặc biệt, với vốn doanh nghiệp, báo cáo cho biết có những công trình sẽ được chuyển giao cho thành phần tư nhân đầu tư, phát triển và khai thác (hình thức BOT) do giả định sẽ có lợi nhuận.

Trong trường hợp đầu tư dự án với quy mô lớn thì hình thức thực hiện đầu tư theo nhóm dự án và gói thầu là hình thức phù hợp nhất. Vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư, khuyến kích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 dự kiến từ 2016 đến 2025, trong đó phân kỳ đầu tư thành giai đoạn 1a và 1b. Trong giai đoạn 1a, các công việc chính là lập và thông qua báo cáo đầu tư xây dựng công trình, chuẩn bị đầu tư, thu xếp tài chính, bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp chuẩn bị mặt bằng, thiết kế, khởi công và đưa vào khai thác.

Đối với giai đoạn 1b, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện trong khi thực hiện đầu tư giai đoạn 1a và dự kiến hoàn tất đưa giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác năm 2025.

Dự kiến khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 164.589 tỷ đồng, tương đương khoảng 7,837 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1a khoảng 118.910,3 tỷ đồng, tương đương 5,662 tỷ USD theo tỷ giá quy đổi 1USD = 21.000 đồng.

Trong giai đoạn 1a, khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, đường trục vào sân bay); hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, các trụ sở cơ quan Nhà nước (hải quan, công an, cảng vụ….):  sử dụng vốn Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay… với giá trị dự kiến 57.857,7 tỷ đồng (khoảng 2,755 tỷ USD USD).

Các hạng mục gồm nhà ga hành khách, sân đậu ôtô, nhà ga hàng hóa, khu sửa chữa bảo trì máy bay, trụ sở cơ quan quản lý khai thác cảng, văn phòng các hãng hàng không, hệ thống cấp nhiên liệu tàu bay, chế biến suất ăn và các công trình thương mại khác sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách như vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) với giá trị dự kiến 61.052,6 tỷ đồng (tương đương 2,907 tỷ USD).

Về giải pháp huy động vốn, đối với vốn ODA, nguồn vốn này được huy động từ sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, hoặc từ chính phủ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc thông qua các cơ quan thực hiện ODA như JICA,…

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ liên quan xúc tiến vận động nguồn vốn ODA cho dự án.  

Đối với các hạng mục sử dụng nguồn vốn PPP, ngày 29/04/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 631/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, trong danh mục này có dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nội dung thông tin chi tiết của dự án. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào dự án.

Báo cáo cho biết, hiện đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT… như tập đoàn ADP của Pháp đã đề nghị cụ thể đầu tư trực tiếp 500 triệu USD và huy động 1 tỷ USD từ ngân hàng, các tập đoàn Samsung, công ty CHK Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn của Nhật Bản… 

Một mặt, Bộ Giao thông Vận tải cho hay sẽ cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, bao gồm các thành phần kinh tế, tham gia dự án. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ ưu tiên tích lũy vốn đối ứng cho dự án.

Đối với một số hạng mục sẽ do các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, các hãng hàng không khác cũng như các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư.