Sẽ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu không báo cáo chống lãng phí
14/34 bộ, ngành, 17/63 địa phương và 13/23 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa có báo cáo
"Ngay ngày hôm nay sẽ trình Thủ tướng văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chưa có báo cáo và chưa có chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vào cuối phiên thảo luận sáng 12/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Chính phủ.
Khác với các phiên thảo luận cùng nội dung này, vấn đề được bàn thảo sôi nổi không phải các con số điển hình về tiết kiệm hay lãng phí, mà về tính thực chất của báo cáo Chính phủ, khi mà có đến 14/34 bộ, ngành, 17/63 địa phương và 13/23 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa có báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp.
Tương tự, Chính phủ thì dù muộn nhưng cũng có ban hành chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, còn 16/34 bộ, cơ quan Trung ương, 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi chương trình cho Bộ Tài chính.
"Số nơi chưa báo cáo lớn đến như thế thì số liệu của báo cáo Chính phủ có thực không, có phản ánh đúng bản chất của kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2017 hay không?", Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tỏ ra ngạc nhiên khi mà việc báo cáo về nội dung nói trên đã được Quốc hội cho lùi từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm sau mà vẫn còn nhiều nơi không thực hiện.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng băn khoăn khi mà phụ lục báo cáo Chính phủ cho biết bên cạnh nhiều nơi chưa gửi báo cáo thì không ít báo cáo, trong đó có cả báo cáo của Văn phòng Chính phủ không có số liệu về tiết kiệm, chống lãng phí. Vậy thì những báo cáo này có số liệu gì?
Bà Hải cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa đầy đủ, cần bổ sung, làm lại và gửi lại cho Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Việc nhiều cơ quan chưa báo cáo như vậy, theo Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý chứng tỏ nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa ăn sâu.
Điều khiến ông Tuý băn khoăn là tình hình thì như thế nhưng báo cáo của Chính phủ lại chưa thấy chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm.
Tiếp thu ý kiến của Thường vụ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ hoàn chỉnh báo cáo trước khi trình Quốc hội.
"Ngay ngày hôm nay chúng tôi sẽ trình Thủ tướng văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chưa có báo cáo và chưa có chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức phê bình các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa có báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Ông Hiển cũng lưu ý cả cơ quan xây dựng báo cáo và có quan thẩm tra điều chỉnh lại số liệu cho sát đúng của năm 2017, không dùng số liệu của 2016 cho báo cáo này.
Ông cũng yêu cầu làm rõ địa chỉ về trách nhiệm, xử lý nghiêm túc những nơi chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cần công bố công khai các hiện tượng lãng phí để dư luận lên án và cũng cần biểu dương những hành động tích cực trong thực hành tiết kiệm, Phó chủ tịch Hiển lưu ý.
Trước đó, tại báo cáo thẩm tra, uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật, báo cáo Quốc hội kết quả xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.