Sếp doanh nghiệp Mỹ đang bán tháo cổ phiếu như thời năm 2007
Tháng 8 đang trên đà trở thành tháng thứ 5 trong năm 2019 chứng kiến giá trị cổ phiếu bán ra của lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ vượt ngưỡng 10 tỷ USD
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người quan ngại về sự bền vững của thị trường giá lên (bull market) dài nhất trong lịch sử Mỹ, giám đốc của các doanh nghiệp Mỹ đang bán cổ phiếu như thời năm 2007, CNN cho biết.
Theo dữ liệu của hãng TrimTabs Investment Research, giám đốc của các doanh nghiệp Mỹ trung bình bán ra 600 triệu USD cổ phiếu mỗi ngày trong tháng 8.
Tháng 8 đang trên đà trở thành tháng thứ 5 trong năm nay chứng kiến giá trị cổ phiếu bán ra của lãnh đạo các doanh nghiệp vượt ngưỡng 10 tỷ USD. Hiện tượng này từng xảy ra hai lần vào năm 2006 và 2007, thời điểm trước khi xảy ra thị trường giá xuống (bear market) gần đây nhất và trước khủng hoảng kinh tế, TrimTabs cho biết.
Các nhà đầu tư thường xem hoạt động giao dịch cổ phiếu của các giám đốc doanh nghiệp và cổ đông lớn là dấu hiệu của niềm tin. Kể cả khi thị trường chứng khoán hiện có quy mô lớn hơn nhiều so với vào năm 2007, ngưỡng 10 tỷ USD vẫn có ý nghĩa lớn. Làn sóng bán cổ phiếu của các sếp doanh nghiệp cho thấy quan ngại về những thách thức trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế.
"Điều này cho thấy họ thiếu niềm tin", Winston Chua, nhà phân tích của TrimTabs, cho biết. "Khi các sếp doanh nghiệp bán cổ phiếu, đây là dấu hiệu cho thấy họ tin rằng giá cổ phiếu đang ở mức cao và đây là thời điểm tốt để rút khỏi thị trường".
Nỗi lo suy thoái đã gây ra nhiều bất ổn trên thị trường chứng khoán trong năm qua, với tháng 12 tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái. Dù chỉ số S&P 500 vẫn tăng 14% từ đầu năm, thị trường sụt mạnh trong tháng 8 do chiến tranh thương mại leo thang. Dow Jones mất 623 điểm, tương đương 2,4%, trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước và phục hồi nhẹ trong phiên ngày thứ Hai.
Hoạt động bán cổ phiếu của giám đốc cấp cao của doanh nghiệp thường được xem là dấu hiệu đáng ngại về một công ty, bởi họ là những người có thể nhận định tốt hơn về cổ phiếu công ty so với các nhà đầu tư bình thường. Theo quan điểm này, nếu thấy giá cổ phiếu có thể còn tăng nữa, họ sẽ không bán ra.
Tuy nhiên, ông Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, nhấn mạnh rằng giao dịch bán cổ phiếu của lãnh đạo công ty không phải lúc nào cũng là một thước đo hữu ích. Ông cho rằng thay vì cho thấy sự thiếu niềm tin, việc bán ra có thể đơn giản là để bù đắp cho tiền thưởng thấp hơn trong năm.
"Hầu hết các giám đốc được trả lương theo lợi nhuận của công ty. Nếu họ dự đoán tiền thưởng có thể thấp đi, họ sẽ bán cổ phiếu để bù đắp", Colas nói. "Đây là dấu hiệu cho thấy họ biết rằng công ty sẽ có một năm khó khăn".
Một số giám đốc có thể bán cổ phiếu để đa dạng hoá danh mục đầu tư hoặc rút tiền về để trả thuế. Để tránh vi phạm quy định giao dịch nội gián hoặc khiến cổ đông lo lắng, một số giám đốc lên lịch định kỳ để bán cổ phiếu.
Tuy vậy, báo cáo của TrimTabs cho thấy rõ ràng các giám đốc doanh nghiệp đang bán ra nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ thị trường giá lên - bắt đầu vào tháng 3/2009.
Chỉ riêng trong tuần trước, các giám đốc cấp cao của Salesforce, Slack, Chipotle, Visa và Home Depot đều bán cổ phiếu, theo trang theo dõi giao dịch bán cổ phiếu OpenInsider.
Trong khi đó, hoạt động mua lại cổ phiếu của các công ty có xu hướng giảm. Theo TrimTabs, trong mùa báo cáo lợi nhuận, các công ty Mỹ công bố mua lại khoảng 2 tỷ USD cổ phiếu mỗi ngày, mức thấp nhất trong 2 năm.
Còn theo S&P Dow Jones Indices, các vụ mua lại cổ phiếu được hoàn tất bởi công ty trong nhóm S&P 500 giảm 13% trong quý 2 xuống còn 165,7 tỷ USD. Tuy vậy, hoạt động mua lại cổ phiếu vẫn ở trên mức của năm 2017, năm cuối cùng trước khi luật thuế sửa đổi của Tổng thống Mỹ Donald Trump được áp dụng, mang lại khoản hời lớn cho các doanh nghiệp.