Sếp doanh nghiệp ồ ạt “thoát hàng” khi cổ phiếu đạt đỉnh lịch sử, nhộp nhịp nhất nhóm hưởng lợi đầu tư công
Trong khi nhà đầu tư cá nhân tập trung gom mạnh cổ phiếu nhóm được đánh giá là hưởng lợi đầu tư công thì lãnh đạo doanh nghiệp, người nhà và cổ đông lớn ồ ạt thoát hàng...
Như VnEconomy đưa tin, trong những ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021, lãnh đạo và người nhà các doanh nghiệp mua bán nhộn nhịp, chủ yếu là bán ra chốt lời. Động thái này vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu tiên của năm 2022. khi Vn-Index lập đỉnh mới.
Sóng đang cao kỷ lục chưa từng có ở cổ phiếu FCN của Công ty CP Fecon nhờ được đánh giá hưởng lợi nhờ đầu tư công khi Quốc hội chính thức bàn về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng trong đó có đến gần 114.000 tỷ đồng dành cho kết cấu hạ tầng. Tính hơn một tháng trở lại đây, thị giá FCN tăng gấp 2 lần từ vùng giá 17.000 đồng chốt phiên giao dịch sáng 10/1/2022 kịch trần ở vùng 34.450 đồng/cổ phiếu. Nhân dịp này, lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt bán ra cổ phiếu chốt lời.
Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Bảo Phó TGĐ Thường trực vừa đăng ký bán ra 10.100 cổ phiếu FCN trong thời gian từ ngày 13/1 - 11/2/2022 thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Tạm tính theo giá phiên hôm nay, ông Bảo có thể thu về 347 triệu đồng. Ông Trần Công Tráng Thành viên Ban Kiểm soát cũng vừa đăng ký bán ra 3.000 cổ phiếu thời gian thực hiện từ ngày 11/2 đến ngày 9/2/2022. Trước đó, ông Tráng đã hoàn tất bán ra 5.700 cổ phiếu FCN. Tổng số cổ phiếu ông Tráng thực hiện qua hai lần bán là 8.700 cổ phiếu.
Bà Hà Thị Tâm, em gái ông Hà Thế Phương, Phó Chủ tịch HĐQT cũng vừa hoàn tất bán ra toàn bộ 1.800 cổ phiếu FCN trong thời gian từ ngày 16/12 đến 5/1/2022. Hàng loạt lãnh đạo khác của FCN cũng thoát hành thành công khi cổ phiếu ở vùng đỉnh lịch sử như ông Phạm Việt Khoa Chủ tịch HĐQT đã bán ra 1,47 triệu cổ phiếu FCN; Ông Nguyễn Văn Thanh Tổng giám đốc bán ra 40.000 cổ phiếu FCN.
Một doanh nghiệp bất động sản cũng ghi nhận tình trạng nhộn nhịp bán ra chốt lời khi cổ phiếu ở vùng đỉnh, đặc biệt thông tin đấu giá đất Thủ Thiêm và gói kích thích 350.000 tỷ đồng dẫn lối cho cổ phiếu bất động sản vào sóng mới.
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Quang Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) vừa đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu NLG nhằm mục đích cấu trúc tài chính cá nhân. Phương thức thực hiện thông qua khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 13/1 đến 11/2/2022. Sau khi bán, ông Quang sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,13% xuống còn 11,61%. Tạm tính theo giá phiên 10/1, ông Quang có thể sẽ thu về 128 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, anh trai ruột của ông Quang cũng đăng ký bán ra 5.000 cổ phiếu trên tổng số 15.078 cổ phiếu mà vị này đang sở hữu. Thời gian thực hiện từ ngày 10/1 đến 8/2.
Bà Lâm Ngọc Minh, vợ ông Cao Tấn Thạch - Thành viên HĐQT cũng vừa đăng ký bán ra 14.000 cổ phiếu NLG thời gian từ ngày 5/1-3/2/2022 thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn. Ước tính bà Minh có thể thu về 896 triệu đồng sau khi chốt lời NLG. Trong thời gian này, em dâu ông Cao Tấn Thạch là bà Trần Thương Đoan Thục đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,057% xuống còn 0,32%. Ước tính bà Thục có thể thu về 6,4 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Huy, Giám đốc NLG cũng vừa đăng ký bán ra 125.000 cổ phiếu NLG trong thời gian từ 7/1 đến 5/2. Giá trị giao dịch ước tính 8 tỷ đồng.
Trái ngược với xu thế nhà đầu tư cá nhân gom ròng gần 600 tỷ cổ phiếu CII - Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Tp.HCM (CII), cổ đông ngoại VIAC (No.1) Limited Partnership (Singapore) tiếp tục đăng ký bán ra 5,5 triệu cổ phiếu CII trong thời gian 10-08/02/2022 với mục đích đầu tư. Sau giao dịch, VIAC dự kiến giảm số lượng cổ phiếu CII nắm giữ từ gần 11,69 triệu đơn vị xuống còn 6,19 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 4,89% xuống còn 2,59%. Trong vòng một tháng qua, cổ phiếu CII đã tăng 2,5 lần với nhiều phiên kịch trần. Chốt phiên giao dịch hôm nay CII neo ở giá 60.500 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, cổ đông ngoại có thể sẽ thu về 332 tỷ đồng.
Trước đó ngày 4/1, VIAC cũng hoàn tất bán 5,5 triệu cổ phiếu CII, giảm tỷ lệ sở hữu từ 7.2% xuống 4.89%, chính thức không còn là cổ đông lớn của CII.
Cũng nhân dịp giá cổ phiếu lập đỉnh, HĐQT CII vừa thông qua Nghị quyết bán toàn bộ hơn 44,3 triệu cổ phiếu quỹ để phục vụ nhu cầu tài chính của công ty. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, hơn 44,3 triệu cổ phiếu quỹ này có giá trị gần 1.028 tỷ đồng, tương ứng với mức giá bình quân hơn 23.170 đồng/cổ phiếu. Trong trường hợp bán thành công, CII có thể thu về 2.680 tỷ đồng, lãi 1.652 tỷ đồng so với thời điểm mua vào.
Giao dịch ấn tượng của lãnh đạo khi chốt lời cổ phiếu đúng vùng đỉnh lịch sử diễn ra tương tự tại Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ - TTB. Để giải quyết nhu cầu cá nhân, ông Phùng Văn Thái, Tổng Giám đốc TTB vừa đăng ký bán sạch gần 6,2 triệu cổ phiếu TTB trong thời gian 14/01-11/02/2022. Sau khi bán, ông Thái giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,01% xuống còn 0%. Với mức giá 12.800 đồng/cổ phiếu đầu phiên sáng 10/01, ước tính ông Thái có thể thu về hơn 79 tỷ đồng nếu thoái thành công vốn tại TTB. Trước đó từ ngày 18/12/2020 - 08/01/2021, ông Thái đã bán ra 2,68 triệu cổ phiếu TTB để giảm sở hữu từ 17,22% về còn 12, 01% vốn tại TTB.
Mới đây, TTB vừa bị xử phạt hành chính số tiền 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn. TTB đã tổ chức phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 193.5 tỷ đồng lên 387 tỷ đồng trong ngày 05/06/2021. Tuy nhiên, Công ty lại không công bố đúng thời hạn báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được. Ngoài ra, TTB cũng không công bố đúng hạn BCTC bán niên năm 2019 và báo cáo về thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết ngày 01/12/2020.
Tại Công ty CP Sợi Thế Kỷ, bà Đinh Ngọc Hoa, Thành viên Ban kiểm soát cũng vừa đăng ký bán ra 5.000 cổ phiếu STK trên tổng số 5.008 cổ phiếu bà Hoa đang sở hữu thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 12/1 đến 10/2/2022. Giá cổ phiếu STK đang chịu áp lực điều chỉnh khá lớn dẫu vậy kết thúc phiên giao dịch chiều nay STK đứng ở vùng 56.300 đồng/cổ phiếu, tăng 56% so với 6 tháng trước. Tạm tính theo giá này, bà Hoa có thể thu về gần 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (YEG) dự kiến bán gần 3,7 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian 10-30/01/2022, giảm tỷ lệ sở hữu từ 24,72% xuống còn 12,9%. Nếu chiếu theo giá 23.650 đồng/cổ phiếu vào đầu phiên 10/01, ước tính thương vụ có giá trị khoảng 88 tỷ đồng. Trước đó Tổng Giám đốc Đào Phúc Trí đã thoái gần 1,2 triệu cổ phiếu YEG, hạ sở hữu xuống còn 1.1%. Giao dịch của ông Đào Phúc Trí diễn ra ngày 27/12/2021 theo phương thức thỏa thuận. Chiếu theo giá chốt phiên, ước tính thương vụ có giá trị khoảng 27 tỷ đồng.
Động thái bán cổ phiếu của các lãnh đạo cấp cao diễn ra trong bối cảnh thị giá YEG có đà tăng tích cực trong thời gian gần đây. Từ mức dưới 17.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 12/2021, YEG đã tăng gấp rưỡi lên 23.650 đồng/cổ phiếu tính đến phiên 10/01/2022. Năm 2021, YEG là 1 trong 10 mã giảm giá nhiều nhất gây tổn thất không hề nhỏ cho nhà đầu tư.