07:58 27/12/2021

Lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt "thoát hàng" trong những ngày giao dịch cuối năm 2021

An Nhiên

Trong những ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021, lãnh đạo và người nhà các doanh nghiệp mua bán nhộn nhịp, chủ yếu là động thái bán ra chốt lời..

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hoạt động mua bán nội bộ sôi động nhất trong tuần qua phải nhắc đến tại Công ty CP Fecon (FCN). Trên thị trường, giá cổ phiếu FCN tăng 2,2 lần kể từ thời điểm cuối tháng 9 chốt phiên giao dịch 25/12 ở mức 29.500 đồng/cổ phiếu, đây cũng là vùng giá đỉnh lịch sử. Tranh thủ thời gian này, lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt đăng ký bán ra cổ phiếu chốt lời.

Cụ thể, ông Trần Trọng Thắng, Phó chủ tịch HĐQT FCN vừa đăng ký bán ra 200 nghìn cổ phiếu thông qua khớp lệnh hoặc thoả thuận, thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 29/12 đến 27/1. Tạm tính theo vùng giá hiện tại, ông Thắng có thể thu về 5,9 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trước đó, ông Thắng đã đăng ký mua vào 500 nghìn cổ phiếu FCN từ ngày 24/11 đến ngày 23/12 tuy nhiên không thực hiện do giá thị trường không đạt kỳ vọng. Và sau khi đăng ký mua không được, ông Thắng quay ra đăng ký bán.

Trong cùng thời gian này, ông Phùng Tiến Trung, Thành viên HĐQT FCN cũng đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân, ước tính ông Trung có thể thu về gần 3 tỷ đồng từ việc bán ra cổ phiếu FCN đúng vùng đỉnh lịch sử. Bà Nguyễn Thị Nghiên, Giám đốc Tài chính cũng đăng ký bán toàn bộ 10.151 cổ phiếu FCN. Trong ngày 22/12, ông Nguyễn Song Thanh, Thành viên HĐQT cũng đã bán ra 30.000 cổ phiếu FCN thông qua phương thức khớp lệnh.

Lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt "thoát hàng" trong những ngày giao dịch cuối năm 2021 - Ảnh 1

Tại Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử - viễn thông (ELC), bà Nguyễn Thị Minh Hạnh vợ ông Nguyễn Mạnh Hải - Thành viên HĐQT hoàn tất bán 5.500 cổ phiếu trong ngày 24/12. Giá cổ phiếu ELC sau thời gian leo đỉnh hiện đang đi ngang ở vùng giá 27.800 đồng/cổ phiếu. Ước tính theo giá này, bà Hạnh đã thu về khoảng 153 triệu đồng.

Tại Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt (TVS), bà Bùi Thị Kim Oanh Thành viên HĐQT vừa đăng ký bán 150 nghìn cổ phiếu giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,25% xuống còn 1,1%. Thời gian thực hiện từ 28/12 - 26/1/2022, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Cổ phiếu TVS đã tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp, trong vòng một tháng, thị giá TVS tăng gấp 2 lần, từ 31.000 đồng/cổ phiếu lên 67.000 đồng, đây cũng là vùng giá đỉnh của TVS. Tạm tính theo mức giá 67.000 đồng, bà Oanh có thể sẽ thu về khoảng 10 tỷ đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt "thoát hàng" trong những ngày giao dịch cuối năm 2021 - Ảnh 2

Tại Nhà Từ Liêm, ông Nguyễn Hồng Khiêm Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ đăng ký bán ra toàn bộ 1,03 triệu cổ phiếu NTL trong thời gian từ ngày 20/12 đến 18/1/2022. Tạm tính theo giá hiện tại 41.950 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Khiêm có thể thu về 43 tỷ đồng. Ông Lê Minh Tuân, Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ cũng đăng ký bán ra 1 triệu cổ phiếu giảm tỷ lệ sở hữu từ 5% xuống còn 4,18%. Ước tính, ông Tuân có thể thu về khoảng 41,9 tỷ đồng.

Hoạt động bán cổ phiếu cũng rầm rộ tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Bà Tống Thị Kiều Hoa, em dâu của ông Nguyễn Đức Thuỵ Phó Chủ tịch LPB đã hoàn tất bán ra toàn bộ 28.300 cổ phiếu giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0%. Giao dịch được hoàn tất trong ngày 21/12. Bà Hoa dự tính đã thu về khoảng hơn nửa tỷ đồng sau giao dịch trên. Mặc dù đã đăng ký bán 1,8 triệu cổ phiếu LPB song em trai ông Thuỵ là ông Nguyễn Xuân Thuỷ cũng không hoàn tất việc bán với lý do chưa sắp xếp được thời gian giao dịch.

Tại CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG), Tổng Giám đốc Đào Phúc Trí vừa đăng ký bán ra 1,15 triệu cổ phiếu từ ngày 27-29/12/2021. Động thái của vị lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh thị giá YEG liên tục tăng trần các phiên gần đây. Tuy nhiên ngay sau khi xuất hiện thông tin bán, cổ phiếu YEG lau sàn giảm gần 7% trong phiên cuối tuần, chốt phiên thị giá ở vùng 22.150 đồng/cổ phiếu. Nếu chiếu theo giá trên, ước tính thương vụ có giá trị khoảng 22,48 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, vị lãnh đạo sẽ hạ sở hữu xuống còn 344,296 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,1%. Các giao dịch dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 27-29/12/2021 theo phương thức thỏa thuận.

Lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt "thoát hàng" trong những ngày giao dịch cuối năm 2021 - Ảnh 3

Diễn biến cổ phiếu thép đã gây thất vọng với cổ đông trong suốt gần 3 tháng qua. Tại Thép Pomina (POM), thị giá đã điều chỉnh giảm 28%. Ông Nguyễn Bạch Trường Chinh - cháu Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Khánh của POM đăng ký bán 2,4 triệu cổ phiếu POM từ ngày 27/12/2021-24/01/2022. Chiếu theo giá 14.500 đồng chốt phiên 24/12/2021, ước tính thương vụ có giá trị khoảng 35 tỷ đồng. Trong đợt giao dịch gần nhất từ ngày 22/11-21/12/2021, ông Nguyễn Bạch Trường Chinh đã bán gần 1,3 triệu cp POM trong tổng số 2 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, hạ sở hữu xuống còn 2.4 triệu cổ phiếu (0.86%)

Giá trị giao dịch lớn nhất phải nhắc đến tại Công ty CP Rạng Đông Holding (RDP). Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT RDB đăng ký bán 6,2 triệu cổ phiếu RDP. Chốt phiên giao dịch 24/12, RDP ở vùng giá 12.900 đồng/cổ phiếu, tạm tính theo giá này, ông Lam có thể thu về gần 80 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hoạt động mua vào cổ phiếu diễn ra èo uột hơn với những giao dịch hầu như không đáng kể.

Thống kê từ FiinGroup cho thấy, cổ đông nội bộ, tổ chức liên quan, lãnh đạo và người liên quan bán ròng 15.500 tỷ đồng trong 11 tháng vừa qua và sôi động nhất trong những tháng cuối năm. Ước tính trong tháng 12, nhóm này tiếp tục bán ròng 1.002 tỷ đồng. Bán ròng tập trung ở nhóm thực phẩm đồ uống, xây dựng vật liệu và tài nguyên cơ bản, hoá chất, ngân hàng, công nghệ thông tin. Ngược lại, nhóm này mua ròng ở nhóm Dầu khí, Hàng dịch vụ và Công nghiệp, truyền thông, dịch vụ tài chính, bất động sản, bán lẻ...