08:22 10/06/2023

Siết chặt quản lý nhưng "mở đường" cho phép cơ sở bảo dưỡng kiểm định xe ô tô

Anh Tú

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết Nghị định 30 ra đời nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào hoạt động kiểm định. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn một số nội dung và phân cấp rõ ràng để nâng cao chất lượng công tác kiểm định...

Các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Ngày 8/6 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (Nghị định số 30).

Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá ​Nghị định số 30 được cho là một trong những giải pháp cải cách hoạt động của hệ thống đăng kiểm nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới.

SIẾT CHẶT NHIỀU QUY ĐỊNH, PHÂN CẤP RÕ RÀNG

Theo đó, Nghị định được ban hành với mục đích vừa siết chặt một số quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm định. Đồng thời, cũng điều chỉnh một số quy định để huy động tối đa nguồn lực phục vụ kiểm định xe cơ giới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, các nội dung bổ sung, sửa đổi chính của Nghị định số 30 quy định chặt chẽ hơn một số nội dung nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng công tác kiểm định.

"Quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép cho các đơn vị đăng kiểm, theo đó việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch của địa phương; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện trên địa bàn; phù hợp kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định và không gây cản trở, ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn", Cục Đăng kiểm Việt Nam phân tích.

 

Đồng thời, "Nghị định số 30 cũng phân cấp rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc cấp phép, quản lý các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên", Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh.

Trong đó, sở giao thông vận tải thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn. Còn Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện công tác quản lý nghiệp vụ chuyên ngành và chịu trách nhiệm thực hiện cấp chứng chỉ đăng kiểm viên trên phạm vi cả nước.

Nghị định cũng quy định rõ hơn về công tác thanh tra, kiểm tra, theo đó các sở giao thông vận tải chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tại địa phương. Còn Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước.

"Quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về cơ cấu tổ chức, nhân lực của đơn vị đăng kiểm; làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ…; tăng chế tài xử lý vi phạm đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên để tăng tính răn đe", Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, tăng trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm nếu để xảy ra sai phạm.

CƠ SỞ BẢO DƯỠNG Ô TÔ ĐƯỢC THAM GIA HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH

Song song với đó, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Nghị định số 30 cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào hoạt động kiểm định.

Theo đó, Nghị định 30 bãi bỏ nhiều quy định tại Điều 4 Nghị định 139 về nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

 

Cụ thể, "nghị định sửa đổi quy định để các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới", Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.

Quy định trước đây nêu rõ tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Đồng thời, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới không nắm giữ cổ phần hoặc góp vốn trên 10% của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Như vậy, với việc bãi bỏ quy định nêu trên, cơ sở bảo dưỡng ô tô được tham gia kiểm định xe ô tô khi đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại nghị định này.

Đồng thời, nghị định cho phép các lực lượng công an, quân đội được tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định xe cơ giới dân sự trong trường hợp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Cùng với đó, "điều chỉnh số lượng nhân sự tối thiểu trong mỗi dây chuyền để giảm áp lực thiếu hụt nhân sự đăng kiểm viên hiện nay đồng thời khuyến khích các đơn vị đăng kiểm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác kiểm định", Cục Đăng kiểm Việt Nam lưu ý.

Ngoài ra, điều chỉnh giảm thời gian thực tập nghiệp vụ đối với các trường hợp đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhằm nhanh chóng thu hút được nguồn lực phục vụ hoạt động của các đơn vị đăng kiểm.

Nghị định cũng bãi bỏ quy định khống chế số lượng xe kiểm định trong ngày của đơn vị đăng kiểm nhằm phát huy sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các đơn vị đăng kiểm trong cải tiến công việc, nâng cao năng suất lao động.

Ngoài những nội dung chính trên, Nghị định số 30 còn bổ sung, sửa đổi một số nội dung khác để phù hợp hơn với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế về kiểm định xe cơ giới. Nghị định cũng có điều khoản chuyển tiếp phù hợp (tới trước 01/01/2026) để việc phân cấp tới các sở giao thông vận tải địa phương đảm bảo tính khả thi khi thưc hiện.