14:15 20/08/2021

Singapore thí điểm "làn xanh" đi lại cho người đã tiêm vaccine từ Đức và Brunei

Trang Linh

Tại cuộc họp báo ngày 19/8, chính phủ Singapore thông báo sẽ thí điểm “làn xanh” đi lại an toàn miễn cách ly dành cho người đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ từ Đức và Brunei, đồng thời nới lỏng một số quy định cho người từ Hồng Kông và Macau...

Hơn 70% dân số Singapore đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ - Ảnh: AFP/Getty Images
Hơn 70% dân số Singapore đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ - Ảnh: AFP/Getty Images

Đây là động thái lớn đầu tiên nhằm nới lỏng các hạn chế phòng dịch mà Singapore đã áp dụng kể từ khi đại dịch bùng phát khi mà nước này hiện là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao nhất thế giới.

ĐỘNG THÁI ĐÁNH DẤU SỰ THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN VỚI COVID-19

Theo chương trình này, từ ngày 8/9, người từ Đức và Brunei có thể nhập cảnh vào Singapore mà không phải cách ly hay bị kiểm soát hành trình với điều kiện họ đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19. Họ cũng không bị hạn chế ở một số mục đích nhập cảnh nhất định hay phải có người bảo trợ.

Bên cạnh đó, từ ngày 21/8, Sinagore cũng sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế với công dân Singapore từ Hồng Kông và Macau và nới lỏng thêm cho tất cả người nhập cảnh đến từ hai thành phố này từ ngày 26/8. Theo đó, Hồng Kông và Macau gia nhập Danh mục I, hiện gồm hầu hết các tỉnh của Trung Quốc đại lục, New Zealand và Đài Loan, được phép nhập cảnh vào Singapore với ít hạn chế nhất.

Theo các quan chức chính phủ Singapore, dù nước này sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh với người từ Hồng Kông, nhưng hai trung tâm tài chính này sẽ không triển khai kế hoạch “bong bóng du lịch” đã đề ra trước đó sau 2 lần bị hoãn. 

Hiện tại, chiến lược chống dịch của Hồng Kông và Singapore khác nhau. Trong khi Hồng Kông vẫn theo đuổi chiến lược “không Covid” với mục tiêu xóa sổ hoàn toàn dịch bệnh, Singapore đi theo hướng mở cửa trở lại với tỷ lệ tiêm vaccine cao. Hiện hơn 70% dân số Singapore đã được tiêm vaccine đầy đủ và dự kiến cán mốc 80% trong tháng 9.

Singapore chọn Đức và Brunei để thí điểm làn xanh đi lại cho người đã tiêm vaccine bởi số ca nhiễm Covid-19 tại cả hai nước này đều ở mức được kiểm soát được. Ở chiều ngược lại, trong khi Brunei hiện vẫn hạn chế du khách nước ngoài, Đức cho phép du khách Singapore nhập cảnh với các biện pháp hạn chế tối thiểu. 

“Như đã nói, chúng đang thận trọng thực hiện từng bước. Với mỗi bước, chúng tôi sẽ theo dõi dữ liệu, xem xét các bằng chứng và đảm bảo rằng hệ thống bệnh viện của chúng tôi có thể ứng phó với tình trạng số ca lây nhiễm trước khi thực hiện bước tiếp theo”, ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính kiêm đồng Chủ tịch lực lượng đặc biệt phòng chống Covid-19 của Singapore, nhấn mạnh tại họp báo. 

Singapore là quốc gia đầu tiên trong số các nước theo đuổi chiến lược “không Covid” thay đổi cách tiếp cận từ ngăn chặn nghiêm ngặt sang sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù việc mở cửa trở lại sẽ như giải tỏa cho người dân và doanh nghiệp, nhưng những bước đi đầu tiên sẽ vẫn hạn chế, do đó quá trình này có thể sẽ diễn ra chậm hơn kỳ vọng của nhiều người. 

HÌNH MẪU "SỐNG CHUNG VỚI COVID" CHO CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG?

Hãng hàng không Singapore Airlines trước đó bày tỏ sự hoan nghênh với quyết định này của chính phủ, gọi đây là “bước đi quan trọng để mở cửa trở lại một cách an toàn trung tâm hàng không Singapore nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao”. Hãng này có kế hoạch thực hiện các chuyến bay trong “làn xanh” từ Frankfurt và Munich tới Singapore từ ngày 7/9. 

Elise Becker, Phó chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn hàng không Lufthansa, cũng khẳng định hãng “rất vui mừng” khi Singapore nới lỏng hạn chế với Đức.

Singapore đang từng bước triển khai kế hoạch "sống chung với Covid" - Ảnh: Straits Times.
Singapore đang từng bước triển khai kế hoạch "sống chung với Covid" - Ảnh: Straits Times.

“Việc này không chỉ giúp mọi người đoàn tụ an toàn với gia đình, bạn bè và người thân của mình mà còn như một hình mẫu cho các quốc gia châu Á Thái Bình Dương khác làm theo”, bà Becker nhận định. 

Với “làn xanh” này, những người nhập cảnh ngắn hạn từ Đức và Brunei sẽ không được phép nhập cảnh nếu chưa tiêm đầy đủ vaccine. Bên cạnh đó, “làn xanh” cũng không áp dụng với trẻ em chưa đủ tuổi tiêm vaccine, kể cả khi bố mẹ của trẻ đã được tiêm. 

Singapore đang tính tiến hành tiêm mũi nhắc lại cho một số nhóm dân số đã tiêm đầy đủ vaccine trước đó, đặc biệt là những người bị suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng. Singapore cũng dự kiến bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022, sau khi có đầy đủ các nghiên cứu về sự an toàn và hiệu quả của vaccine với nhóm tuổi này.

Singapore hiện có 4 danh mục với các hạn chế nhập cảnh khác nhau. Sau Danh mục I kể trên, Danh mục II gồm có Australia, Canada, Hàn Quốc và tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, theo đó người nhập cảnh chỉ phải cách ly 7 ngày. Nhóm này cũng bao gồm người nhập cảnh từ Đức và Brunei không đủ điều kiện nhập cảnh theo “làn xanh”. 

Danh mục III, cho phép người nhập cảnh cách ly tại nhà trong 14 ngày, gồm Áo, Bỉ, Đan Mạch, Italy, Nhật Bản, Luxembourg, Na Uy và Thụy Sỹ. Tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ còn lại thuộc Danh mục IV, phải cách ly 14 ngày tại các khách sạn được chỉ định sau khi nhập cảnh. 

Ngoài chương trình thí điểm "làn xanh", chính phủ Singapore cũng cho biết sẽ nới lỏng quy định làm việc tại nhà, cho phép 50% nhân viên của các doanh nghiệp trở lại văn phòng. Nước này cũng nâng giới hạn số người tại các địa điểm trong nhà như trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, đồng thời dừng yêu cầu đo thân nhiệt tại các địa điểm công cộng - biện pháp được áp dụng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. 

Tuy nhiên, theo dữ liệu do Bloomberg thu thập, dù đã nới lỏng, Singapore vẫn có các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn so với hầu hết các kinh đô tài chính ở phương Tây. 

“Chúng ta đừng ảo tưởng phía trước là con đường dễ dàng", Bộ trưởng Tài chính Wong nhấn mạnh tại họp báo và nhắc lại rằng chính phủ Singapore có thể tạm dừng hoặc rút lại việc nới lỏng hạn chế nếu số ca lây nhiễm gây áp lực cho hệ thống y tế. "Con đường để trở thành một quốc gia sống chung với Covid sẽ rất dài và khó khăn. Kể cả đạt tỷ lệ tiêm vaccine rất cao, chúng ta cũng không đạt được miễn dịch cộng đồng khi không chặn được các đợt bùng phát".