11:19 18/08/2021

New Zealand tái phong tỏa vì bùng dịch, Singapore tính mở lại biên giới

Trang Linh

New Zealand vừa phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên trong gần 6 tháng, trong khi đó, Singapore "tự tin" mở cửa trở lại nhờ tỷ lệ tiêm vaccine trên 70%...

New Zealand áp dụng phong tỏa toàn quốc trong ít nhất 3 ngày - Ảnh: AP
New Zealand áp dụng phong tỏa toàn quốc trong ít nhất 3 ngày - Ảnh: AP

Theo thông báo của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, quốc gia này sẽ bắt đầu áp dụng phong tỏa toàn quốc từ 23h59 ngày 17/8 sau khi phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên trong gần 6 tháng. Nước này dự kiến áp dụng phong tỏa trong ít nhất 3 ngày. Theo đó, tất cả trường học và cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ phải đóng cửa. Người dân chỉ có thể ra khỏi nhà để đi siêu thị, tập thể dục một mình hoặc tới cơ sở y tế. 

Theo tờ SCMP, trước khi chính phủ tuyên bố phong tỏa toàn quốc, các siêu thị trên khắp New Zealand rơi vào tình trạng quá tải với nhiều người xếp hàng dài bên ngoài. Thậm chí còn có tình trạng đánh nhau để tranh giành mua thực phẩm. 

Người mua sắm xếp hàng dài trước một siêu thị ở thành phố Auckland, New Zealand ngày 17/8 - Ảnh: AP
Người mua sắm xếp hàng dài trước một siêu thị ở thành phố Auckland, New Zealand ngày 17/8 - Ảnh: AP

Thủ tướng Ardern cho biết cơ quan chức năng của nước này đang tiến hành phân tích trình tự gen của virus SARS-CoV-2 tìm thấy ở ca nhiễm mới ghi nhận ở thành phố Auckland. Đến thời điểm hiện tại, chưa thấy có mối liên hệ nào của ca nhiễm này với các trường hợp nhập cảnh. 

“Đây là tình huống không ai mong muốn. Trước đây việc hành động sớm và quyết liệt đã mang lại hiệu quả cho chung ta. Chúng tôi biết rằng biến thể Delta nguy hiểm hơn, nhưng những biện pháp chúng ta áp dụng năm ngoái có thể mang lại hiệu quả”, bà Ardern nói về quyết định tái phong tỏa toàn quốc ngày 17/8.

Lần gần nhất New Zealand ghi nhận một ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là vào ngày 28/2. Từ đó đến nay, tất cả ca nhiễm phát hiện tại nước này đều là các trường hợp nhập cảnh. 

New Zealand, với dân số khoảng 5 triệu người, ghi nhận tổng cộng 2.926 ca nhiễm Covid-19 và 26 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Nước này được xem là một trong những điển hình thành công trong kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, tốc độ tiêm vaccine tại nước này diễn ra tương đối chậm. Tính tới ngày 10/8, mới chỉ có khoảng 18% dân số nước này được tiêm vaccine đầy đủ, theo dữ liệu từ Our World in Data.

Trong khi đó, ở bên kia Ấn Độ Dương, Singapore đang cân nhắc triển khai chương trình thí điểm cho phép khách nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ nhập cảnh với lịch trình được kiểm soát chặt chẽ. Quốc gia đông Nam Á với hơn 70% dân số đã tiêm vaccine đầy đủ đang hướng tới mở cửa biên giới trong thời gian tới. 

“Chúng tôi tiếp tục quan sát các quốc gia như Mỹ, Anh và Australia và tìm hiểu khả năng mở cửa trở lại”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết ngày 17/8. 

Ông Gan cho biết việc mở cửa rộng rãi hơn phụ thuộc vào việc chính phủ các quốc gia khác trên thế giới kiểm soát dịch bệnh ra sao. 

“Chúng tôi xác định rằng số ca nhiễm Covid-19 sẽ còn tiếp tục tăng cho tới khi cả thế giới được an toàn. Chúng tôi cũng biết rằng vaccine, dù rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng, kém hiệu quả hơn trong việc phòng ngừa lây lan dịch bệnh”, ông Gan cho biết. 

Singapore dự kiến nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch, bao gồm việc cho phép nhập cảnh miễn cách ly trong tháng 9 tới - thời điểm nước này dự kiến đạt mục tiêu 80% dân số đa tiêm vaccine đầy đủ. 

Tại châu Á, chính phủ Nhật ngày 17/8 cũng thông báo sẽ mở rộng áp dụng tình trạng khẩn cấp với 7 khu vực mới trong bối cảnh nước này đối mặt làn sóng lây nhiễm kỷ lục một tuần trước thềm Thế vận hội người khuyết tật. Theo đó, các nhà hàng, quán bar bị cấm bán rượu và phải đóng cửa trước 8h tối. Hiện thành phố Tokyo và 5 khu vực khác đã ban bố tình trạng khẩn cấp tới ngày 31/8. 

“Làn sóng dịch bệnh đang lây lan khắp Nhật Bản với quy mô chưa từng thấy. Số ca nhiễm với các triệu chứng nghiêm trọng tăng lên mỗi ngày”, Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng ứng phó Covid-19 của Nhật, cho biết. 

Ngoài các biện pháp hạn chế với nhà hàng, quán bar, chính phủ Nhật cũng yêu cầu các trung tâm thương mại và cửa hàng bách hóa lớn giới hạn số lượng khách. 

Nhật Bản đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 kỷ lục trước thềm Thế vận hội người khuyết tật - Ảnh: AP
Nhật Bản đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 kỷ lục trước thềm Thế vận hội người khuyết tật - Ảnh: AP

Kể từ khi dịch bùng phát, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm và tử vong ít hơn so với các quốc gia phát triển khác dù không phải phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng tại nước này diễn ra muộn và chậm hơn so với các nước phát triển khác. Đến nay, mới chỉ có khoảng 37% dân số nước này được tiêm vaccine đầy đủ, trong khi tỷ lệ này tại Anh và Mỹ lần lượt là trên 60% và 50%.

Những ngày gần đây, Nhật ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trên 20.000 ca mỗi ngày. Làn sóng dịch bệnh bắt đầu trước khi Thế vận hội 2020 khởi tranh hồi tháng trước và tiếp diễn suốt thời gian diễn ra sự kiện thể thao này.