Số bệnh nhân trái tuyến tăng nhẹ sau thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế
Sau hơn 10 ngày thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, số bệnh nhân trái tuyến ngoại tỉnh ở một số địa phương có tăng nhẹ
Từ ngày 1/1/2021, người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Trao đổi với báo chí ngày 14/1, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), thông tin, đến nay sau hơn 10 ngày thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, một số địa phương có sự gia tăng nhẹ với bệnh nhân trái tuyến ngoại tỉnh.
Tại Tp.HCM, số lượng bệnh nhân từ miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ đến khám tăng hơn so với 10 ngày trước đó. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, để có đánh giá chính xác việc thực hiện chính sách này thuận lợi thế nào, khó khăn ra sao thì các cơ quan chức năng phải tiếp tục theo dõi.
"Thông thường phải so sánh 1 tháng, 1 kì thì mới biết chắc chắn được việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cụ thể ra sao", ông Phúc cho biết.
Cũng theo ông Phúc, việc thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh tạo thuận lợi cho người bệnh, đặc biệt những người có thẻ bảo hiểm y tế đi công tác xa, thẻ đăng kí ở một nơi, hay những người ở khu vực lân cận thành phố lớn.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, hiện nay, mạng lưới cơ sở y tế tại các tỉnh, thành phố đều có hệ thống cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, nên người dân có thẻ bảo hiểm y tế có thể yên tâm đến khám, điều trị tại cơ sở y tế gần nhà, trong trường hợp thực sự cần thiết mới chuyển lên tuyến tỉnh.
"Qua theo dõi cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh gần Hà Nội cũng rất tốt, ví dụ bệnh viện Phú Thọ, Bắc Ninh. Bệnh nhân không nhất thiết phải vượt lên tuyến tỉnh, khi vượt lên bệnh viện tuyến tỉnh chưa chắc được hưởng bảo hiểm y tế nếu không được chỉ định vào điều trị nội trú", ông Phúc lưu ý.
Bên cạnh đó, việc chỉ định điều trị nội trú còn phụ thuộc tình trạng bệnh lý của người bệnh cũng như vào bệnh viện đó còn đủ giường bệnh nhận nội trú và còn phải xem xét khi đưa vào có quá nhẹ hay không.
"Qua theo dõi hệ thống, kể cả chưa thông tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhẹ không cần thiết vẫn điều trị nội trú và đã có cảnh báo về vấn đề này", ông Phúc thông tin.
Cũng theo ông Phúc, với cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh vướng vấn đề nhân lực, cơ sở vật chất, thực chất, quyết định của Bộ Y tế cũng có ràng buộc là bệnh viện phải đủ điều kiện nhân lực như 1,1 nhân viên y tế/gường bệnh hay 5m2/giường bệnh.
"Chúng tôi cùng Bộ Y tế đang phối hợp xây dựng thông tư hướng dẫn tiêu chí chỉ định điều chỉnh nội trú. Chính sách thông tuyến đảm bảo cho người bệnh thuận lợi, nhưng cũng tạo áp lực cho cơ sở khám chữa bệnh và Quỹ Bảo hiểm y tế", ông Phúc nói và nhấn mạnh trong năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Bảo hiểm xã hội các tỉnh cùng ngành Y tế sẽ có giám sát chặt chẽ thực hiện thông tuyến tỉnh này.
Trước đó, liên quan đến nội dung thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế trên cả nước từ ngày 1/1/2021, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn về việc thống kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Theo đó, từ ngày 1/1/2021, người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.