17:17 23/02/2022

Số ca nhiễm mới giảm 90% so với đỉnh, Mỹ lên kế hoạch sống chung lâu dài với Covid-19

An Huy

Giới chức Mỹ đang tỏ ra lạc quan, dù còn thận trọng, khi nước này có vẻ như đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng lây nhiễm Covid-19 chưa từng có tiền lệ do biến chủng Omicron gây ra...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Số ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ hiện đã giảm 90% so với mức kỷ lục thiết lập cách đây 5 tuần.

Trong bối cảnh làn sóng Omicron lắng xuống, lãnh đạo các bang của Mỹ đang cho thấy những nỗ lực củng cố tinh thần sau cuộc khủng hoảng đã kéo dài suốt hơn 2 năm qua. Giới chức bắt đầu vạch ra kế hoạch để xem Sars-CoV2 là một rủi ro luôn hiện hữu nhưng có thể kiểm soát.

LÀN SÓNG OMICRON “NHƯ MỘT TRẬN LŨ QUÉT”

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins được trang CNBC trích dẫn, Mỹ có khoảng 84.000 ca nhiễm mới mỗi ngày tính bình quân trong 7 ngày gần nhất, từ mức hơn 800.000 ca mỗi ngày trong tuần tính đến ngày 15/1. Sự sụt giảm của số ca nhiễm được ghi nhận trên toàn quốc, với số ca nhiễm mới hàng ngày giảm ít nhất 40% tại tất cả các khu vực trong 2 tuần trở lại đây.

Số ca nhập viện cũng giảm mạnh. Trong tuần tính đến ngày 21/2, mỗi ngày có bình quân khoảng 66.000 bệnh nhận Covid-19 ở Mỹ phải nằm viện điều trị, giảm từ mức đỉnh 159.000 bệnh nhân vào hôm 20/1 – theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh nước này.

Số ca tử vong do Covid-19 vẫn còn ở mức cao, nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm. Số ca tử vong bình quân mỗi ngày đạt mức cao nhất trong vòng 1 năm qua vào hôm 1/2, với gần 2.600 ca mỗi ngày, hiện đã giảm dưới 2.000 ca mỗi ngày.

“Chúng ta chưa đến được nơi cần đến, nhưng cảm thấy lực quan về sự sụt giảm nhanh của số ca nhiễm mới và số ca nhập viện trên toàn quốc”, điều phối viên của Nhà Trắng về chống Covid-19, ông Jeff Zients, phát biểu tại một cuộc họp báo vào tuần trước.

Biến chủng Omicron khiến số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng với tốc độ chóng mặt hơn bất kỳ một làn sóng nào trước đó. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đã nhảy vọt từ dưới 100.000 ca trước Lễ Tạ ơn lên đỉnh 802.000 ca vào giữa tháng 1 trước khi giảm với tốc độ nhanh không kém. “Làn sóng này thực sự quá nhanh quá mạnh, giống như một trận lũ quét vậy”, nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo thuộc Đại học Johns Hopkins nhận định.

Tình hình ở Mỹ đang đi đúng hướng, nhưng bà Nuzzo cảnh báo rằng biến chủng phụ BA.2 của Omicron có thể làm chậm quá trình phục hồi. BA2 có khả năng lây mạnh hơn chủng đầu của Omicron nhưng hiện đang lưu hành ở mức độ hạn chế tại Mỹ.

“Tôi không cho rằng BA2 sẽ gây nên một làn sóng lây nhiễm như những gì chúng ta đã trải qua trong mùa đông”, bà Nuzzo nói, nhấn mạnh rằng đã có một mức độ miễn dịch khá cao trong cộng đồng sau làn sóng Omicron. “Nhưng biến chủng phụ này có thể hãm bớt đà giảm của sự lây nhiễm”.

CÁC BANG LÊN KẾ HOẠCH SỐNG CHUNG VỚI COVID-19

Cũng theo bà Nuzzo, số ca nhiễm vẫn là một dấu hiệu cảnh báo sớm quan trọng, số ca nhập viện và tử vong mới là chỉ báo quan trọng nhất về việc Mỹ nên phản ứng với Covid-19 như thế nào. Omicron nói chung không gây bệnh nặng như biến chủng Delta, nên số ca nhiễm không mang lại một bức tranh đầy đủ về ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm mà nó gây ra. Nhà dịch tễ học này nói rằng Mỹ giờ đã có khả năng để tập trung bảo vệ những người dễ tổn thương dù đã được tiêm vaccine, chẳng hạn những người có hệ miễn dịch suy giảm.

“Chúng ta đang ở trong một trạng thái khác so với vào thời điểm năm 2020”, bà Nuzzo nói. “Chúng ta đã có vaccine, chúng ta đang đối mặt với một chủng virus với độc lực thấp hơn. Bởi vậy, chúng ta có thể tập trung nguồn lực vào những người cần được hỗ trợ nhiều hơn”.

Tuần trước, California trở thành bang đầu tiên ở Mỹ đưa ra kế hoạch cho giai đoạn hậu khủng hoảng của đại dịch và ứng xử với Covid-19 như một rủi ro tiếp diễn có thể kiểm soát. Thống đốc Gavin Newsom của California nói rằng bang này cần học cách sống chung với virus, sử dụng các công cụ đã phát triển trong 2 năm qua để chuẩn bị tốt nhất có thể cho một tương lai còn bấp bênh.

“Tất cả chúng ta đều đã hiểu ra điều mà chúng ta không thể hiểu ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng này. Đó là Covid-19 sẽ không có ngày chấm dứt. Đây không phải là lúc chúng ta tuyên bố chiến thắng”, ông Newsom phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước.

Kế hoạch của California dựa vào giám sát nước thải để phát hiện sớm sự lây lan virus. Nếu có dấu hiệu, chính quyền bang sẽ cho giải mã trình tự gen để xác định biến chủng đang lưu hành. Sau đó, trong vòng 45 ngày, họ sẽ xác định xem các vaccine, phương pháp xét nghiệm và điều trị hiện có liệu còn hiệu quả để chống lại biến chủng đó hay không. Những khu vực bị ảnh hưởng sẽ nhanh chóng được tăng cường trang thiết bị xét nghiệm và nhân viên y tế.

Cùng với sự lắng xuống của làn sóng Omicron, người dân Mỹ đang nóng lòng được dỡ bỏ các biện pháp chống dịch. New York và California đã quyết định để cho quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng trong nhà hết hạn trong tháng này, nhưng quy định đeo khẩu trang ở trường học vẫn duy trì. New Jersey sẽ dỡ quy định đeo khẩu trang ở trường học vào tháng 3.

“Đây không phải là công bố chiến thắng, mà là một sự công nhận rằng chúng ta có thể sống có trách nhiệm với Covid-19”, Thống đốc Phil Murphy của New Jersey phát biểu mới đây.

Bà Nuzzo nói rằng việc gỡ quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi làn sóng Omicron lắng xuống ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng cao là một việc phù hợp. Tuy nhiên, bà nói việc chọn đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà có đông người vẫn là một ý tưởng tốt.