09:16 29/09/2019

Số lượng máy bay sẽ tăng gấp đôi trên toàn thế giới trong 20 năm tới

Tường Bách

Những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực tiết kiệm nhiên liệu đang thúc đẩy hơn nữa nhu cầu thay thế máy bay ít tiết kiệm nhiên liệu hiện nay.


Nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phát triển kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng của các hãng hàng không. Trong vòng 20 năm tới, sẽ có hàng chục nghìn máy bay thương mại mới được đưa vào khai thác, dẫn đến một nhu cầu nhân sự rất lớn trong ngành hàng không, đặc biệt là đội ngũ phi công và nhân viên kỹ thuật máy bay.Theo tài liệu dự báo nhu cầu nhân sự phi công và nhân viên kỹ thuật của Boeing, từ nay đến năm 2034, ngành hàng không toàn cầu sẽ cần đến hơn 1 triệu nhân sự mới, bao gồm 558.000 phi công thương mại và 609.000 nhân viên kỹ thuật. CEO Boeing – ông Dennis Muilenburg cho biết thị trường hàng không toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 8.100 tỷ USD hiện nay lên 8.700 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.  Ông cũng ước tính số máy bay thương mại mới trong vòng 20 năm tới sẽ lên đến 44.000 chiếc.
Số lượng máy bay sẽ tăng gấp đôi trên toàn thế giới trong 20 năm tới - Ảnh 1.
Còn theo một nghiên cứu mới đây của Airbus, hiện nay, khoảng 1/4 dân cư sống ở các đô thị trên thế giới tạo ra hơn 1/4 GDP toàn cầu, và vì cả hai đều là động lực tăng trưởng quan trọng. Với tốc độ tăng trưởng 4,3% mỗi năm, vào năm 2038 thế giới có khoảng 48.000 chiếc máy bay vận tải và chở khách, cần thêm 550.000 phi công và 640.000 nhân viên kỹ thuật mới. Ông Christian Scherer - Giám đốc thương mại của Airbus và Giám đốc Airbus International cho biết: "Mức tăng trưởng 4% hàng năm phản ánh tính bền bỉ của ngành hàng không đã vượt qua được những cú sốc kinh tế ngắn hạn và những xáo trộn địa lý - chính trị. Các nền kinh tế phát triển mạnh về vận tải hàng không. Mọi người và hàng hóa đều muốn kết nối với nhau. Trên toàn cầu, hàng không thương mại kích thích tăng trưởng GDP và tạo việc làm cho 65 triệu người".Bằng cách nâng cấp đội bay với các máy bay tiết kiệm nhiên liệu thế hệ mới nhất như A220, dòng máy bay A320neo, A330neo và A350, Airbus tin tưởng rằng hãng sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình hạn chế khí thải carbon đang diễn ra trong ngành vận tải hàng không và mục tiêu tăng trưởng carbon bằng 0 từ năm 2020.
Số lượng máy bay sẽ tăng gấp đôi trên toàn thế giới trong 20 năm tới - Ảnh 2.
Máy bay Airbus hiện đang đứng đầu thị trường trong các phân khúc. Phân khúc máy bay nhỏ (S) bao gồm dòng máy bay A220 và tất cả các biến thể của dòng máy bay A320. Các sản phẩm Airbus cốt lõi trong phân khúc máy bay có kích cỡ trung bình (M) là máy bay A330 và dòng máy bay A330neo, và cũng có thể bao gồm các phiên bản A321LR và XLR nhỏ hơn được sử dụng trên các đường bay dài. Phân khúc máy bay lớn (L) đại diện bởi dòng máy bay A330neo cùng với dòng A350 XWB có kích thước lớn hơn, bao gồm cả phiên bản siêu tầm xa (ULR). Phân khúc này sẽ tiếp tục được khai thác bởi máy bay A380 ở cấp độ cao hơn.
Theo dự báo thị trường toàn cầu năm 2019 - 2038 mới nhất của Airbus, phân khúc mới này làm tăng nhu cầu cần 39.210 máy bay chở khách và vận tải mới, gồm 29.720 máy bay nhỏ (S), 5.370 máy bay có kích cỡ trung bình (M) và 4.120 máy bay lớn (L). Trong đó, 25.000 máy bay là cần thêm và 14.210 là để thay thế các máy bay cũ bằng những mẫu mới hơn mang lại hiệu quả vượt trội.
Số lượng máy bay sẽ tăng gấp đôi trên toàn thế giới trong 20 năm tới - Ảnh 3.
Nhằm đáp ứng nhu cầu theo cấp số nhân về nhân lực, chúng ta cần phải có các giải pháp sáng tạo dựa trên những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, đáp ứng được các yêu cầu về học tập của thế hệ trẻ hiện nay. Các thiết bị huấn luyện, do đó, cần tập trung vào việc giúp các nhà khai thác tận dụng được ưu thế của những tính năng hiện đại có trên các thế hệ máy bay mới nhất. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên huấn luyện cũng cần có những kỹ năng nhằm xóa bỏ khoảng cách về văn hóa và thế hệ để kết nối dễ dàng hơn với lực lượng lao động ngày càng đa dạng trong tương lai.Các hãng hàng không trên toàn thế giới đang liên tục mở rộng đội tàu bay và lịch bay để đáp ứng nhu cầu đi lại xuất phát từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn là khu vực có nhu cầu nhân sự lớn nhất, chiếm đến 40%. Tuy nhiên, dự báo cũng chỉ ra rằng nhu cầu của các khu vực khác như Trung Đông và Mỹ Latin cũng đã tăng lên đáng để trong thời gian vừa qua.

(Theo CNBC)