13:41 19/03/2009

So sánh suy thoái hiện nay và Đại suy thoái 1930

Kiều Oanh

Chỉ có Đại suy thoái 1930 mới xứng tầm được đem ra so sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay

Dòng người xếp hàng chờ phát đồ cứu trợ những năm 1930 tại Mỹ.
Dòng người xếp hàng chờ phát đồ cứu trợ những năm 1930 tại Mỹ.
Cho dù kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phục hồi vào cuối năm nay, người Mỹ vẫn chưa thể hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo Đại suy thoái 1930 sẽ lặp lại.

Đám mây đen đang vần vũ trên bầu trời nước Mỹ không chỉ là tỷ lệ thất nghiệp 8,1% và khoản sụt giảm 13.000 tỷ USD giá trị thị trường địa ốc và chứng khoán kể từ giữa năm 2007. Đó còn là tâm trạng bất an về việc nền kinh tế này đang rơi vào một hố suy thoái sâu mà việc thoát ra khỏi đó sẽ không phải là một việc dễ dàng.

Sự sợ hãi này có thể chỉ là thừa. Nhưng tới khi người ta nhận ra điều đó, chính nỗi sợ này có thể khiến sự bi quan gia tăng, thúc đẩy các công ty và người tiêu dùng găm giữ tiền mặt, làm kinh tế Mỹ thêm yếu đi.

Rất nhiều cái khác…

Với quy mô và tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay, chỉ có một cuộc khủng hoảng khác trong lịch sử được xem là xứng tầm để đem ra so sánh. Đó là Đại khủng hoảng 1930. Tuy nhiên, người đứng đầu Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà Christina Romer, cho rằng, sự so sánh này là không hợp lý.

Những năm 1930 đã quá xa so với ngày nay. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vào năm 1933 là 25%. Ở điểm đáy của cuộc khủng hoảng khi đó, GDP của nước này giảm 25% so với mức đỉnh vào năm 1929. Tuy nhiên, hiện tại, kinh tế Mỹ mới chỉ suy giảm khoảng 2% so với mức đỉnh gần nhất.

Thêm vào đó, Đại khủng hoảng đã khiến nước Mỹ thay đổi quan điểm, chính sách và hệ thống thể chế. Nỗi cực khổ của người dân vì khủng hoảng chắc chắn không thể lặp lại. “Người lao động Mỹ những năm 1930 đã hầu như không được hưởng mạng lưới an sinh xã hội như hiện nay”, bà Romer nói.

Cho tới tận năm 1935, nước Mỹ với có bảo hiểm thất nghiệp liên bang. Thống kê gần đây nhất cho thấy, hiện có 32 triệu người Mỹ được nhận tem thực phẩm (food stamp) và 49 người được hưởng hỗ trợ y tế (Medicaid). Vào thập niên 1930, nước Mỹ không hề có những chính sách này.

Chính phủ Mỹ hiện nay cũng phản ứng mau lẹ và quyết liệt hơn trước khủng hoảng. Cũng theo bà Romer, vào những năm 1930, mặc dù Tổng thống Franklin Roosevelt thực hiện nhiều chương trình Chính sách kinh tế-xã hội mới (New Deal), nhưng các biện pháp tài khóa được sử dụng rất hạn chế.

Những khoản chi tiêu Chính phủ tăng thêm này chỉ đủ để bù lại tác động của những khoản tăng thuế mà Tổng thống tiền nhiệm Herbert Hoover ra quyết định. Thâm hụt ngân sách liên bang chỉ tăng từ mức 4,5% vào năm 1933 lên mức 5,9% vào năm 1934, một mức tăng không nhiều.

Nhưng nay thì khác, trong năm tài khóa 2009, thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ được dự kiến sẽ lên tới 12,3% GDP từ mức 3,2% năm 2008. Một phần của sự thâm hụt gia tăng phản ánh những “tác nhân bình ổn kinh tế tự động” (việc chính phủ tăng chi tiêu và giảm thuế cho dân khi tăng trưởng kinh tế đi xuống) cũng như gói kích thích kinh tế khổng lồ 787 tỷ USD của Tổng thống Obama.

Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã hạ lãi suất cơ bản đồng USD về mức 0-0,25% và tiến hành hàng loạt biện pháp khác như mua vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu địa ốc trên thị trường mở để thúc đẩy hoạt động tín dụng.

Những biện pháp quyết liệt của Chính phủ Mỹ sẽ giúp đẩy mạnh những cơ phục hồi thông thường của nền kinh tế. Những cơ chế này bao gồm việc, khi nhu cầu bị kìm hãm tới một mức độ nào đó, áp lực chi tiêu nhiều hơn của người dân và doanh nghiệp sẽ tăng lên. Một khi các khoản nợ đã được trả bớt, gánh nần nợ nần giảm xuống, hoạt động chi tiêu vì thế sẽ tăng lên. Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp vì thế cũng được giải phóng, mở đường cho việc tăng sản lượng trở lại.

…và rất nhiều điểm tương đồng

Vậy có phải chắc chắn không có chuyện Đại suy thoái sẽ chỉ là chuyện của quá khứ? Câu trả lời là có thể không, mà cũng có thể có. Thậm chí một số học giả chuyên nghiên cứu về Đại khủng hoảng, những người từng phủ nhận về sự lặp lại của thời kỳ đen tối những năm 1930, cũng đang trở nên kém lạc quan hơn.

“Không may, sự tương đồng giữa thời kỳ hiện nay và Đại khủng hoảng đang có xu hướng gia tăng từng ngày”, nhà sử học kinh tế Barry Eichengreen thuộc Đại họ California nói. “Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình phải nói ra điều này”, ông Eichengreen thừa nhận.

Nhà kinh tế học Gary Richardson thuộc Đại học California thì cho rằng: “Từ năm 1930 tới nay, chưa có lần suy thoái nào giống Đại khủng hoảng như lần này”.

Một trong những điểm tương đồng giữa hai cuộc khủng hoảng là tính chất toàn cầu. Vào những năm 1930, chế độ bản vị vàng đã trở thành cơ chế truyền dẫn khủng hoảng từ nước này sang nước khác. Chính phủ các nước khi đó đã tăng lãi suất để bảo vệ dự trữ vàng của mình. Tình trạng thắt chặt tín dụng leo thang, sản xuất và thương mại vì thế mà ngưng trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt theo.

Hiện nay, các nhà đầu tư và các ngân hàng trên toàn cầu là đối tượng làm khủng hoảng lây lan khắp thế giới. Nếu các nhà đầu tư chịu thua lỗ ở một quốc gia nào đó, họ có thể bán tháo cổ phiếu và trái phiếu ở các quốc gia khác để huy động tiền mặt. Khi các ngân hàng giảm bớt nợ vay, họ cũng đồng thời giảm cho vay và giảm việc đầu tư ở nhiều quốc gia.

Hậu quả của hai cuộc khủng hoảng cũng có nhiều nét tương tự. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong thời gian 1 năm kết thúc vào cuối quý 4/2008, sản lượng công nghiệp toàn cầu giảm 20% so với trong thời gian 1 năm kết thúc vào cuối quý 3. Cũng theo WB, thương mại thế giới năm nay có thể có mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 80 năm trở lại đây.

Ngân hàng này còn cho rằng, nếu các nước đang phát triển không xoay được khoản vay ít nhất 270 tỷ USD,  tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế này sẽ lao dốc, gây tác động tiêu cực tới các quốc gia phát triển lấy đó làm thị trường xuất khẩu. Suy thoái giống như một vòng luẩn quẩn mà các nước khó thoát ra.

Vào thập niên 1930, các dòng chảy tín dụng cũng cạn khô trên phạm vi toàn cầu. Một điểm tương tự nữa là những cuộc tranh cãi nảy lửa về việc ai là “tội đồ” gây ra khủng hoảng, và cách thức giải quyết khủng hoảng.

Chính quyền của Tổng thống Obama muốn châu Âu và Nhật Bản có những gói kích thích kinh tế lớn hơn. Nhưng châu Âu đã bác bỏ lời đề nghị này của phía Mỹ. Nước Mỹ cũng muốn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay các nước nghèo nhiều hơn nữa. Những tranh cãi này có thể châm ngòi cho sự bùng nổ của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế.

Xét cho cùng, dự báo vẫn chỉ là dự báo. Không ai có thể biết chắc được khi nào giai đoạn suy thoái này sẽ kết thúc, hay liệu những lực lượng đẩy nền kinh tế thế giới đi xuống liệu sẽ chịu khuất phục trước những lực lượng đẩy nền kinh tế lên.

Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất lúc này có lẽ chính là nỗi sợ hãi. Vì lo sợ những diễn biến xấu nữa có thể xảy đến, người dân và các doanh nghiệp không chỉ ở Mỹ và nhiều quốc gia khác đang nỗ lực tự bảo vệ mình bằng cách găm giữ tiền mặt và giảm chi tiêu. Họ vẫn hy vọng điều tốt đẹp nhất xảy ra, nhưng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Có lẽ, chỉ khi nào người ta chấm dứt nỗi lo về Đại suy thoái, cuộc khủng hoảng này mới có thể chấm dứt được.

(Theo Newsweek)