15:52 25/01/2025

Sơn La: Dự kiến đầu tư hơn 15.394 tỷ đồng phát triển hạ tầng đưa Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch quốc gia

Hoàng Lan

Tỉnh Sơn La dự kiến vốn đầu tư xây dựng phát triển huyện Quỳnh Nhai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 khoảng 15.394 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn; trong đó tập trung nguồn lực phát triển hệ thống giao thông đường bộ và đường thuỷ...

Du lịch lòng hồ sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Du lịch lòng hồ sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 88/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Nhai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

DỰ KIẾN CẢI TẠO, NÂNG CẤP HÀNG CHỤC TUYẾN ĐƯỜNG BỘ

Với quy hoạch này, UBND tỉnh Sơn La định hướng phát triển huyện Quỳnh Nhai trở thành trung tâm du lịch lớn thứ 3 của tỉnh sau Mộc Châu và thành phố Sơn La; trong tương lai sẽ vươn tầm Khu du lịch quốc gia (dự kiến giai đoạn 2031-2050 Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch quốc gia).

Theo quy hoạch, Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La địa phận huyện Quỳnh Nhai có quy mô diện tích khoảng 490ha.

Tỉnh dự kiến vốn đầu tư xây dựng phát triển vùng huyện Quỳnh Nhai khoảng 15.394,41 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 (đến năm 2030), tổng kinh phí khái toán vốn đầu tư xây dựng phát triển vùng dự kiến khoảng 6.054,99 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (từ năm 2031 đến năm 2050), tổng kinh phí khái toán vốn đầu tư xây dựng phát triển vùng dự kiến khoảng 9.339,42 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư bao gồm: vốn ngân sách nhà nước (chủ yếu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ các vùng sản xuất, dân cư nông thôn, đô thị, an ninh quốc phòng...) và nguồn vốn xã hội hoá cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.

Để huyện Quỳnh Nhai phát huy toàn diện các thế mạnh liên quan đến du lịch, nông, lâm, thuỷ sản…gắn với chế biến sâu và xuất khẩu, UBND tỉnh Sơn La dự kiến tập trung phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường bộ và đường thuỷ. 

 

Khoảng cách từ TP. Hà Nội đến huyện lỵ Quỳnh Nhai là 380 km, đi theo đường Quốc lộ 6 và Quốc lộ 6B. Khoảng cách từ Thành phố Sơn La đến trung tâm huyện Quỳnh Nhai 62km đi theo đường Quốc lộ 6B.

Cụ thể, tỉnh dự kiến đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 6B (Ngã ba Tông Lạnh - Mường Giàng) và tuyến Quốc lộ 279 (Cáp Na - Minh Thắng).

Cùng đó, đầu tư cải tạo, nâng cấp hàng chục tuyến đường tỉnh. Định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, hệ thống giao thông đường huyện trên địa bàn Quỳnh Nhai gồm 32 tuyến đường huyện, tổng chiều dài các tuyến khoảng 308,97 km. Các tuyến đường liên xã, liên bản, trục xã có 157 tuyến với tổng với tổng chiều dài khoảng 498,83 km.

Vịnh Uy Phong, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Vịnh Uy Phong, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Về hệ thống giao thông đường thuỷ, dự kiến xây dựng Cảng Pá Uôn thành cảng hàng hoá cấp IV, hành khách cấp III, có khả năng tiếp nhận tàu hàng 50 chỗ ngồi (công suất 50 nghìn hành khách/năm).

Ngoài ra, đến năm 2030 tầm nhìn 2050 huyện Quỳnh Nhai có 6 bến hàng hóa và hành khách (tầu trọng tải dưới 200 tấn và dưới 50 chỗ ngồi). Vị trí quy hoạch bên hàng hoá và hành khách tại các địa điểm thuận lợi gần giao thông đường bộ, có địa hình, thuỷ văn ổn định để đảm bảo phương tiện ra vào thuận tiện, trung tâm cụm bản và các chợ ven sông. Tổng bến khách ngang sông đến năm 2030 tầm nhìn 2050 huyện Quỳnh Nhai có khoảng 69 bến.

CẢI CÁCH MẠNH MẼ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ

Theo Cục Thống kê tỉnh Sơn La, năm 2024 quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 76.626 tỷ đồng. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,94%; công nghiệp, xây dựng chiếm 32,02%; dịch vụ chiếm 40,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,56%.

Trong số 10.096 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động dịch vụ năm 2024 của tỉnh Sơn La, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 4.704,3 tỷ đồng, tăng 14,67% so 2023; dịch vụ lữ hành ước đạt 29,3 tỷ đồng, tăng 17,09% (yoy).

Tăng trưởng kinh tế tỉnh Sơn La năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Sơn La)
Tăng trưởng kinh tế tỉnh Sơn La năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Sơn La)

Giới phân tích đánh giá du lịch là một trong những tiềm năng lớn của tỉnh Sơn La khi địa phương này sở hữu cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, đặc sắc. Trong năm 2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia thứ 8 trên cả nước. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có quy mô 206.150 ha, thuộc 2 địa bàn Thị xã Mộc Châu và huyện Vân Hồ. Cũng trong năm 2024, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La chính thức được đưa vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Do đó, một kế hoạch hiệu quả nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương sẽ giúp Sơn La chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững sang khu vực công nghiệp – dịch vụ.

Được biết, cùng với việc quy hoạch đồng bộ các khu du lịch cấp tỉnh, cấp quốc gia dựa trên thế mạnh của từng vùng, ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Sơn La nói chung và lĩnh vực du lịch của tỉnh Sơn La nói riêng. 

Cụ thể, UBND tỉnh Sơn La cho biết sẽ nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tham gia sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; xoá bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xoá bỏ cơ chế “xin-cho”.

“Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật. Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động  quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”, UBND tỉnh Sơn La khẳng định tại Kế hoạch số: 19/KH-UBND ngày 20/1/2025.