07:03 03/02/2023

S&P 500 lên đỉnh 5 tháng nhờ cổ phiếu Meta, dầu thô tiếp tục giảm giá

Bình Minh

Cổ phiếu công nghệ đã tăng vượt trội từ đầu năm đến nay nhờ những tín hiệu gần đây cho thấy lạm phát suy yếu...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 5/1 - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 5/1 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (2/2), khi kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của Meta giúp cải thiện tâm trạng của nhà đầu tư về cổ phiếu công nghệ - nhóm giảm mạnh nhất trong năm ngoái. Trong khi đó, một dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ khiến giá dầu có thêm một phiên đi xuống.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,47%, đạt 4.179,76 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Chỉ số Nasdaq tăng 3,25%, đạt 12.200,82 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9.

Hai chỉ số này tăng điểm sau khi Meta – công ty mẹ của mạng xã hội Facebook –  vào ngày 1/2 “trình làng” báo cáo tài chính quý 4/2022. Ba “ông lớn” công nghệ khác là Apple, Amazon và Alphabet công bố kết quả kinh doanh quý 4 vào ngày 2/2, nhưng sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức.

Riêng chỉ số Dow Jones chốt phiên trong sắc đỏ, giảm 39,02 điểm, tương đương giảm 0,11%, còn 34.053,94 điểm. Phiên giảm này của Dow Jones chủ yếu do cổ phiếu hãng dược phẩm Merck giảm mạnh. Báo tài chính quý 4 của Merck bao gồm các con số doanh thu và lợi nhuận tốt hơn so với dự báo, nhưng triển vọng mà công ty đưa ra là ảm đạm hơn so với kỳ vọng của nhà đầu tư.

Cổ phiếu Meta tăng 23%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2013, sau khi vượt kỳ vọng của thị trường về doanh thu quý 4 và công bố kế hoạch mua lại 40 tỷ USD cổ phiếu. Những con số khả quan này giúp khoả lấp nỗi lo của nhà đầu tư về thua lỗ của Meta ở mảng metaverse.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác tăng điểm mạnh nhờ kết quả của Meta. Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google, tăng gần 7,3%; hãng thương mại điện tử Amazon tăng 7,4% và Apple tăng 3,7%.

Cổ phiếu công nghệ đã tăng vượt trội từ đầu năm đến nay nhờ những tín hiệu gần đây cho thấy lạm phát suy yếu – nhân tố mà nhà đầu tư kỳ vọng có thể dẫn đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bớt cứng rắn hơn trong chiến dịch nâng lãi suất. Nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 đã tăng hơn 14% năm nay, sau khi giảm hơn 28% trong năm ngoái.

“Điều này cho thấy cổ phiếu tăng trưởng đang chiếm ưu thế trước cổ phiếu giá trị ở thời này, khi áp lực mà lập trường cứng rắn của Fed đặt lên các tài sản rủi ro trong suốt năm 2022 đã được giải toả phần nào”, nhà quản lý danh mục cấp cao Keith Buchanan của Globalt Investments nhận định với hãng tin CNBC.

Chứng khoán Mỹ đã duy trì đà tăng điểm sau khi Fed vào hôm thứ Tư tuần này tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm. Dù Fed chưa phát tín hiệu gì về việc tạm dừng tăng lãi suất, giới đầu tư phấn khởi vì bước nhảy lãi suất tiếp tục giảm và việc Chủ tịch Fed Jerome Poweell thừa nhận lạm phát đang xuống thang.

Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu là báo cáo việc làm tháng 1. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, giới chuyên gia dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo được 300.000 công việc trong tháng trước. Đây là một số lượng việc làm lớn, đồng nghĩa rằng Fed còn tiếp tục phải tăng lãi suất để “hạ nhiệt” nền kinh tế nhằm kéo lạm phát xuống.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã công bố quyết định nâng lãi suất vào ngày thứ Năm, với bước nhảy lãi suất 0,5 điểm phần trăm được cả hai áp dụng. BOE phát tín hiệu rằng lạm phát đang đứng trước khả năng xoay chiều, còn ECB phát tín hiệu sẽ có thêm ít nhất 1 lần tăng lãi suất nữa. Tất cả những tuyên bố này đều đẩy cao lạc quan của nhà đầu tư rằng các ngân hàng trung ương sẽ trở nên mềm mỏng hơn trong năm nay.

Nhờ đó, chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 1,35%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong 1 tháng và chốt ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Chỉ số MSCI của chứng khoán thế giới có lúc đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2022, chốt phiên tăng 1,12%, hoàn tất phiên tăng thứ 9 trong vòng 10 phiên trở lại đây.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,86 USD/thùng, tương đương giảm 1,04%, còn 81,98 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,64 USD/thùng, tương đương giảm 0,84%, còn 75,77 USD/thùng.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy số đơn đặt mua hàng hoá chế tạo tăng trong tháng 12, nhưng số đơn hàng mua thiết bị công nghiệp và máy móc khác giảm. “Dữ liệu này cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, và điều này gây bất lợi cho giá dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nói với hãng tin Reuters.

Đồng USD hồi phục sau khi chạm đáy 9 tháng trong phiên cũng gây áp lực giảm giá lên dầu.

“Nhà đầu tư có những lúc bớt tin tưởng hơn vào triển vọng kinh tế. Trong quý 1 này, triển vọng sẽ còn thay đổi liên tục do những khó lường về lãi suất và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định.

Giá dầu đang được hỗ trợ bởi lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2. Lệnh cấm này có thể gây suy giảm nguồn cung dầu toàn cầu.

Giá tiền ảo Bitcoin duy trì ổn định trong vùng 23.000-24.000 USD thời gian gần đây, sau khi phục hồi gần 40% trong tháng 1. Lúc gần 7h sáng nay (3/2) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 23.517 USD, giảm hơn 0,8% so với cách đó 24 tiếng và tăng 2,2% so với cách đó 1 tuần.