05:59 29/01/2010

SPT bắt đầu khai thác tuyến cáp quang biển AAG: Bước ngoặt mới

Hải Vy

Với sự kiện này, SPT đã có thể cung cấp ra thị trường nhiều dịch vụ viễn thông chất lượng cao

Sơ đồ đường cáp quang AAG - Ảnh: AAG Consorrtium.
Sơ đồ đường cáp quang AAG - Ảnh: AAG Consorrtium.
Ngày 15/1 vừa qua, Trung tâm Truyền dẫn đường dài trong nước và  quốc tế - Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) đã chính thức đưa tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) vào khai thác.

Với sự kiện này, SPT đã có thể cung cấp ra thị trường nhiều dịch vụ viễn thông là IRU (Indefeasible Right of Use), MIU (Minimum Investment Unit), Thuê kênh riêng quốc tế  (IPLC), Thuê kênh riêng liên tỉnh, Thuê kênh riêng Internet, Mạng riêng ảo (VPN)... với chất lượng cao và các gói cước hấp dẫn.

AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế  đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực  Đông Nam Á với Mỹ. AAG đi qua Malaysia, Singapore, Thái Land, Việt Nam (điểm cập bờ tại thành phố Vũng Tàu), Brunei, Hồng Kông, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California).

AAG là tuyến cáp quang đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại kết nối trực tiếp lưu lượng từ khu vực Đông Nam Á đến Mỹ. Với dung lượng băng thông quốc tế lớn, việc khai thác AAG cũng đã nâng tổng dung lượng đường truyền quốc tế của Việt Nam lên gấp 6 lần so với năm 2009, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu băng thông phát triển bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay.

Tuyến cáp quang biển AAG dự  kiến sẽ đem lại những lợi ích rất cụ thể đối với các thành viên tham gia. AAG vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng băng thông rộng ngày càng tăng của Việt Nam, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng băng rộng như video, truyền dữ liệu và các dịch vụ đa phương tiện khác. Dung lượng của tuyến cáp có thể hỗ trợ cùng lúc 130.000 đường truyền tín hiệu truyền hình độ phân giải cao (HDTV).

Từ trước tới nay, các tuyến cáp quang biển được xây dựng kết nối Đông Nam Á sang Mỹ đều phải đi qua các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan... Trong năm 2007, tuyến đường dài mang nhiều rủi ro này đã gặp sự cố động đất tại Đài Loan khiến mạng Internet của khu vực châu Á bị trục trặc và phải mất khá nhiều thời gian mới có thể khắc phục.

Bởi vậy, AAG hiện đang đóng vai trò như một trong những tuyến cáp chính và  quan trọng nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đi quốc tế. Việc đưa vào vận hành tuyến cáp sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ bị  cô lập với thế giới bên ngoài khi có sự  cố trên các tuyến cáp quang biển khác hiện tại, như SMW3, IACS.

Trước đó, vào tháng 4/2007, tại Malaysia, ba doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam là  SPT, VNPT và Viettel và đã cùng với 15 công ty viễn thông quốc tế và khu vực tham gia ký kết thoả  thuận xây dựng và bảo dưỡng hệ thống cáp quang biển AAG, có tổng dự toán lên tới 560 triệu USD.

Đến ngày 10/11/2009, sau khi hoàn thành đo thử toàn tuyến, Hiệp hội Các thành viên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG đã chính thức đưa tuyến cáp vào khai thác.

Trong kế hoạch phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực cung cấp truyền dẫn đường dài trong nước và quốc tế của mình, Trung tâm Truyền dẫn SPT đã cam kết đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, với lưu lượng băng thông quốc tế lớn, ổn định lại vừa được tăng cường bởi tuyến cáp AAG, sẽ đảm bảo chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng luôn ở mức cao nhất.

Bên cạnh đó, Trung tâm Truyền dẫn SPT cũng đã đưa trang web www.stn.com.vn của Trung tâm vào hoạt động như là một kênh thông tin chính thức nhằm cung cấp đầy đủ nhất, kịp thời những thông tin đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng.

Với lợi thế cơ sở  mạng lưới hạ tầng vững chắc sẵn có cùng nhiều gói dịch vụ đa dạng, phù hợp, Trung tâm Truyền dẫn SPT đã chia sẻ lợi ích kinh tế này với khách hàng bằng những chính sách ưu đãi đặc biệt. Điều này đã mang lại nhiều cơ hội cho khách hàng được sử dụng những dịch vụ có chất lượng cao nhất cùng giá cả hợp lý nhất.