“Sự cố” tại đại hội ACB: Ứng viên không được chấp thuận lên tiếng
Đại hội đồng cổ đông ACB có "sự cố" và phản ứng về ứng viên đề cử bầu vào Hội đồng Quản trị không được chấp thuận
Sáng 19/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018, với "sự cố" danh sách ứng viên bầu vào Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2018-2023.
Trước đại hội, danh sách ứng viên đề cử và ứng cử công bố gồm 11 người (trong đó ACB đề cử 10 người và có một ứng viên được nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn đề cử).
Tuy nhiên, tại đại hội sáng nay, đại diện ACB đọc văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận cho ACB bầu Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ trên chỉ với 8 ứng viên, trong đó không có ông Nguyễn Duy Hưng, ứng viên do nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% đề cử.
"Sự cố" xẩy ra khi đại diện nhóm cổ đông trên phản đối và chất vấn về việc không có tên ứng viên của nhóm mình trong danh sách trên; thậm chí nghi ngờ ACB không gửi đủ danh sách về Ngân hàng Nhà nước.
Đại diện ACB khẳng định đã gửi đầy đủ danh sách lên Ngân hàng Nhà nước và việc người đề cử không được chấp thuận thì cổ đông phải tự tìm hiểu.
Sau những phản đối và thông tin về danh sách trên, đến hơn 10h đại hội của ACB mới được tiến hành các nội dung chính. Các nội dung chính cũng đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Sau đại hội, Nguyễn Duy Hưng - người do nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% đề cử nói trên cho VnEconomy biết:
"Tôi được nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn điều lệ của ACB đề cử tham gia Hội đồng Quản trị ACB. Để trở thành thành viên Hội đồng Quản trị, danh sách ứng viên phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và được đại hội đồng cổ đông bầu".
Ông có đại diện cho quyền lợi của nhóm cổ đông đã đề cử ông tại ACB không?
Tôi xin nhấn mạnh tôi được đề cử làm ứng viên để bầu Hội đồng Quản trị. Tôi không đại diện cho quyền lợi, không phải người làm thuê cho các cổ đông đề cử.
Trong trường hợp được bầu là thành viên Hội đồng Quản trị, tôi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thành viên vì quyền lợi chung của ACB.
Được biết ông từng là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), nơi gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (hay còn gọi là "bầu Kiên") có tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn…
ACB là cổ đông của VietBank. Tôi là đại diện phần vốn của ACB khi tham gia vào Hội đồng Quản trị VietBank. Khi ACB không còn sở hữu cổ phần VietBank, tôi chấm dứt vai trò thành viên Hội đồng Quản trị VietBank.
Ông có ý kiến gì về việc ông không có tên trong danh sách ứng viên bầu vào Hội đồng Quản trị ACB và các tranh luận về việc này tại đại hội đồng cổ đông ngày 19/4/2018?
Việc đề cử là quyền của các cổ đông, việc chấp thuận do Ngân hàng Nhà nước xem xét, việc bầu là quyền của đại hội đồng cổ đông. Do không đại diện cho các cổ đông, tôi xin không có ý kiến về việc này.
Tôi tin rằng các quan điểm khác nhau nếu có sẽ được giải quyết theo các quy định của pháp luật và điều lệ ACB trên cơ sở quyền lợi chung.
Tôi đã từng gắn bó với ACB nhiều năm, việc tham gia làm ứng viên theo đề cử của các cổ đông chỉ nhằm góp phần xây dựng ACB tốt hơn, không nhằm đến bất cứ lợi ích nào khác của bất cứ ai khác.
Tôi không đặt mục tiêu phải tham gia Hội đồng Quản trị ACB bằng mọi cách. Cho dù tham gia hay không tham gia, tôi vẫn luôn đánh giá tốt và mong muốn ACB phát triển.