08:00 20/09/2023

Sử dụng cát biển thi công cao tốc: Thí điểm hiện trường và báo cáo Bộ Giao thông vận tải trong tháng 11

Anh Tú

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị phải báo cáo kết quả thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau trong tháng 11...

Đến năm 2025 sẽ triển khai đồng loạt các dự án đường bộ cao tốc nên nhu cầu cát đắp đường rất lớn.
Đến năm 2025 sẽ triển khai đồng loạt các dự án đường bộ cao tốc nên nhu cầu cát đắp đường rất lớn.

Bộ Giao thông vận tải vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp về các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

KẾT QUẢ BAN ĐẦU KHẢ QUAN

Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm và quyết liệt chỉ đạo. Mục tiêu của việc nghiên cứu nhằm làm rõ tính khả thi sử dụng cát biển làm vật liệu xây dụng cho hạ tầng giao thông và xây dựng; phạm vi và mức độ áp dụng.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị thuộc bộ, các thành viên Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng nêu cao tinh thành trách nhiệm và chủ động phối hợp để triển khai công việc.

Theo đó, đối với việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương trình Bộ Giao thông vận tải các định mức thi công và vận chuyển cát biển, chỉ dẫn kỹ thuật của đoạn thí điểm; hoàn thiện hồ sơ, báo cáo hội đồng đánh giá kết quả thí điểm.

Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá của hội đồng, Vụ Khoa học - Công nghệ và môi trường tham mưu báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

 

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Đến nay đã hoàn thành thi công và đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 7/2023.

Được biết, trên cơ sở số liệu theo dõi, quan trắc, đến nay chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Hội đồng đánh giá kết quả thí điểm. Hội đồng dự kiến họp và có báo cáo kết quả đánh giá trong tháng 9/2023.

Qua theo dõi, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy kết quả triển khai bước đầu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra. Chất lượng cát biển, theo kết quả thí nghiệm mẫu lấy tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng cho thấy các chỉ tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải đang theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu phục vụ cho công tác đánh giá tổng kết.

"Đối với nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá khai thác thí điểm, Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Tập đoàn Geleximco - thành viên Tổ công tác và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện đề cương lấy mẫu bổ sung, thí nghiệm mẫu cát biển của từng vùng", Bộ trưởng yêu cầu.

Trên cơ sở đề cương, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường rà soát, lấy ý kiến các thành viên tổ công tác và hoàn thiện trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt. 

"Mốc thời gian triển khai thực hiện như sau: thí nghiệm vật liệu trong tháng 10/2023; thí điểm hiện trường và báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 11/2023", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

KẾT QUẢ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN MANG TÍNH QUYẾT ĐỊNH

Với các thành viên Tổ công tác thuộc các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải đề nghị thành viên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo tổng hợp chung đến thời điểm hiện nay về các nội dung: căn cứ pháp lý, hướng dẫn thủ tục điều tra, thăm dò, khai thác, đánh giá trữ lượng, kết quả đánh giá tác động môi trường đối với các khu vực thăm dò khai thác cát biển; hỗ trợ Tập đoàn Geleximco và Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải các thủ tục cần thiết để triển khai công tác lấy mẫu thí nghiệm bổ sung.

Thành viên thuộc Bộ Xây dựng xây dựng báo cáo tổng hợp chung về rà soát tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật việc dùng cát biển làm vật liệu xây dựng, san lấp.

Thành viên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng báo cáo về các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nông nghiệp, ngư nghiệp có quy định độ mặn trong nước tưới tiêu, nước mặt, đất trồng.

Mục đích để làm cơ sở đánh giá mức độ tác động của độ mặn khi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường hoặc san nền; kết quả các nghiên cứu đánh giá về mức độ mặn của khu vực ven biển; mức độ tác động của độ mặn đến cây trồng, vật nuôi tại các khu vực khác nhau.

“Đây là nội dung rất quan trọng có tính quyết định đến kết quả nghiên cứu, đề nghị các thành viên của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông vận tải lưu ý.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chuyên gia, nhà nghiên cứu khẩn trương có ý kiến chi tiết về các vấn đề khi sử dụng cát biển, đặc biệt các vấn đề về tác động môi trường, xói lở của việc khai thác cát biển, các vấn đề về sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng, phạm vi sử dụng và các điều kiện, hướng dẫn sử dụng cát biển.

Cục Đường bộ, Cục Đường cao tốc được giao chủ động nghiên cứu, tham mưu xem xét xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở về việc sử dụng vật liệu cát biển làm vật liệu đắp cho công trình giao thông.

 

Theo Bộ Giao thông vận tải, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai đồng loạt các dự án đường bộ cao tốc, nên nhu cầu cát đắp đường là khoảng 54 triệu m3. Tuy nhiên, trữ lượng cát sông theo khảo sát rất thấp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.