Sử dụng công cụ kinh tế để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai...
Báo cáo tại cuộc họp giao ban Báo chí ngày 17/8/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.
Dự thảo Luật gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 152 điều; bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Bộ đã huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật và nghiên cứu đánh giá các tác động của chính sách.
Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ về những định hướng lớn và một số nội dung chính sách lớn cần thể chế dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở đó hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI, đăng dự thảo lên Cổng Thông tin địa tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến đối tượng chịu tác động…
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hội nghị lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; Mặt trận tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị xã hội; doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản, các chuyên gia...
Để xử lý các nội dung chồng chéo giữa các luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp để thống nhất quy định trong dự thảo.
Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì cuộc họp với các Ủy ban của Quốc hội để nghe cơ quan soạn thảo báo cáo về các chính sách lớn trong Dự thảo Luật.
Ngày 03/8/2022, Bộ có Công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định hồ sơ dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định tại buổi họp ngày 09/8/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Việc xây dựng dự thảo Luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đầy đủ, thống nhất đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất tài nguyên đất đai.
Việc sửa luật cũng nhằm giải quyết các vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật đất đai. Đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; hoàn hiện các chế định thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh. Tăng cường giám sát, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.
NHIỀU ĐIỂM MỚI ĐỘT PHÁ TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 8 điểm mới quan trọng.
Thứ nhất, quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người.
Thứ hai, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, quản lý chặt chẽ đất đai về số lượng, chất lượng đất.
Thứ ba, tăng cường công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất. Theo đó, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Dự thảo quy định điều kiện để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; tiêu chí, điều kiện, phương thức lựa chọn nhà đầu tư để đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả cao nhất…
Thứ tư, tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Dự thảo quy định việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất…
Thứ năm, về cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất, tăng cường các công cụ kinh tế trong quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ chuyển trọng từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang thực sử dụng các công cụ kinh tế để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai;
Dự thảo cũng bổ sung khoản thu tài chính gồm: thu tiền sử dụng đất hàng năm khi sử dụng đất kết hợp với các mục đích khác; thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất được sử dụng hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.
Thứ sáu, hoàn thiện các quy định để thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Dự thảo Luật đã quy định bổ sung 1 chương về phát triển quỹ đất nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý cho phát triển quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong phân bổ đất đai, điều tiết thị trường, đáp ứng cho nhu cầu đất của các dự án đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất.
Thứ bảy, Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; tạo điều kiện chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Dự thảo Luật quy định mở rộng không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Thứ tám, quản lý, sử dụng đất đa mục đích để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển.