14:02 08/12/2021

Sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lực tài nguyên đất đai

Đỗ Phong

Đảm bảo nguồn tài nguyên đất đai được sử dụng hiệu quả, bền vững và thực sự là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển nhanh, bền vững là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045...

Hội nghị miền Trung góp ý kiến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW
Hội nghị miền Trung góp ý kiến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW

Chiều ngày 7/12, Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị miền Trung góp ý kiến Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

NGUỒN LỰC QUAN TRỌNG THÚC ĐẨY KINH TẾ XÃ HỘI PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG

Đây là diễn đàn để các tỉnh ủy, thành ủy trong khu vực trao đổi, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương; tạo sự đồng thuận trong việc đề xuất với Trung ương những quan điểm, mục tiêu, giải pháp về định hướng quản lý, sử dụng đất đai trong thời kỳ mới; làm rõ hơn những vấn đề còn băn khoăn trong công tác tổng kết Nghị quyết.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW nhấn mạnh, hướng đến mục tiêu hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách đất đai giai đoạn 2021-2030, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ phát triển bền vững đất nước, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực.

Các địa phương miền Trung đóng góp ý kiến tại điểm cầu
Các địa phương miền Trung đóng góp ý kiến tại điểm cầu

Tại hội nghị, từ thực tiễn, kinh nghiệm của mình, các địa phương cũng đã chỉ ra những hạn chế, phân tích sâu về những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó và đề ra định hướng, giải pháp thực hiện trong giai đoạn mới. Đồng thời, các tỉnh, thành phố đã chia sẻ một số kinh nghiệm, những mô hình mới, cách làm hay, những thành công từ thực tiễn để không chỉ các tỉnh, thành phố trong khu vực nghiên cứu vận dụng, mà góp phần để Ban Chỉ đạo tổng hợp, thể chế hóa trong thời gian tới.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những ý kiến tâm huyết từ các địa phương, bộ, ngành, nhất là nhiều nội dung đã được các địa phương thống nhất khá cao. Hội nghị đã đi thẳng vào các vấn đề lớn trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW trên địa bàn các địa phương, giúp Ban Chỉ đạo hiểu rõ hơn thành tựu đã đạt được, những vấn đề thực tiễn cũng như hạn chế, kinh nghiệm về quản lý, sử dụng đất đai.

Cùng với đó, Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng đã gợi mở chủ trương, định hướng, giải pháp trong thời kỳ mới, với mục tiêu đảm bảo nguồn tài nguyên đất đai được sử dụng hiệu quả, bền vững và thực sự là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan trong địa phương mình tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, góp ý bằng văn bản và gửi lại Ban Chỉ đạo trong tháng 12/2021, để làm cơ sở cho Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời, yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ Biên tập và các cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị để tiếp tục hoàn thiện Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW bảo đảm chất lượng, tiến độ.

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI, GIẢI PHÓNG NGUỒN LỰC

Sáng cùng ngày, Thường trực Ban Chỉ đạo có buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về góp ý Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 nhằm làm rõ hơn một số vấn đề thực tiễn và kinh nghiệm của Thành phố trong quản lý, sử dụng đất đai.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao công tác lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai của Đà Nẵng trong thời gian qua, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19, Đà Nẵng đã khá thành công trong việc nghiên cứu quy hoạch tạo các quỹ đất; giải phóng mặt bằng; vận dụng tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; thực hiện tốt giải pháp lấy phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông làm khâu đột phát tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xem đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và đi trước một bước.

 
Những thành tựu Đà Nẵng đạt được hôm nay có một phần quan trọng từ việc sử dụng nguồn lực đất đai, với những cơ chế, chính sách đột phá. Nếu không có hạ tầng về đất đai sẽ không có hạ tầng du lịch, thành phố sẽ không đạt được sự phát triển về du lịch, dịch vụ như ngày nay.

Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng còn những hạn chế, khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện Nghị quyết. Cụ thể như chưa thực hiện tốt một số nội dung quản lý nhà nước về đất đai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, vấn đề lợi ích của người dân vẫn chưa tương xứng với lợi ích kinh tế, nguồn lực về đất đai chưa được khai thác triệt để, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, sử dụng đất lãng phí. Ngoài ra còn lúng túng trong xử lý đất đai, các dự án đầu tư sau kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Trung ương.

Trước thực trạng này, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu Thành ủy Đà Nẵng sớm xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong thời gian vừa qua, nhất là liên quan đến quản lý và sử dụng đất.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tiếp thu các ý kiến góp ý của đoàn công tác, đồng thời giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các sở, ngành có liên quan hoàn thiện nội dung báo cáo chính thức. 

Ông Quảng cho rằng, mặc dù trong quá trình thực hiện còn hạn chế, tồn tại, nhưng cũng cần khẳng định những thành tựu thành phố đạt được ngày hôm nay có một phần quan trọng từ việc sử dụng nguồn lực đất đai, với những cơ chế, chính sách đột phá. Nếu không có hạ tầng về đất đai sẽ không có hạ tầng về du lịch, thành phố sẽ không đạt được sự phát triển về du lịch, dịch vụ như ngày nay.

Do đó, trong thời gian tới Đà Nẵng mong muốn các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, chia sẻ, đồng hành, hướng dẫn thành phố tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, nhằm giải phóng nguồn lực, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế- xã hội.