Sửa đổi, bổ sung quy định đăng ký giao dịch chứng khoán trên UPCoM
Thông tư sửa đổi quy định chi tiết về báo cáo tài chính của doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM, nhằm "gỡ vướng" cho những phát sinh trong thực tiễn
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 13/2019/TT-BTC (Thông tư 13/2019) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM).
Với việc có thêm nhiều quy định mới, Thông tư 13/2019 có hiệu lực giúp hoàn thiện quy trình, thủ tục, hồ sơ theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp chào sàn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, có hiệu lực thi hành từ 1/5/2019.
Thông tư 13 áp dụng đối với các công ty đại chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng, bổ sung quy định mới: doanh nghiệp cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định pháp luật về cổ phần hóa chưa niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán thì phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định pháp luật về chứng khoán, công ty đại chúng chưa niêm yết chứng khoán phải hoàn tất việc đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Đáng chú ý, Thông tư 13/2019 quy định chi tiết về báo cáo tài chính của doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM, nhằm "gỡ vướng" cho những phát sinh trong thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ điều kiện về báo cáo tài chính có thể đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Cụ thể, doanh nghiệp cổ phần hóa cùng năm đăng ký giao dịch dẫn đến không có báo cáo tài chính năm liền trước năm đăng ký giao dịch, thì giao cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xem xét hồ sơ trên cơ sở báo cáo tài chính năm liền trước năm đăng ký giao dịch đã kiểm toán của doanh nghiệp trong giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước.
Đối với trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa trước năm nộp hồ sơ đăng ký giao dịch dẫn đến báo cáo tài chính năm liền trước năm đăng ký giao dịch không đủ 12 tháng, cũng được giao cho HNX xem xét hồ sơ trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán này.
Trường hợp công ty đại chúng nộp hồ sơ đăng ký giao dịch sau khi thay đổi loại hình doanh nghiệp trước hoặc trong năm nộp hồ sơ thì sử dụng Báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước năm nộp hồ sơ đăng ký giao dịch đủ 12 tháng của doanh nghiệp đó trong giai đoạn trước chuyển đổi hoặc cả hai giai đoạn trước và sau chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Trường hợp công ty bị hủy niêm yết do hợp nhất và sau hợp nhất vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng và việc hợp nhất hoàn thành trong năm liền trước năm nộp hồ sơ đăng ký giao dịch thì sử dụng Báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước năm đăng ký giao dịch (kỳ báo cáo không đủ 12 tháng) đã được kiểm toán của công ty hợp nhất.
Trường hợp việc hợp nhất hoàn thành trong năm nộp hồ sơ đăng ký giao dịch thì sử dụng Báo cáo tài chính năm gần nhất đã kiểm toán của các công ty bị hợp nhất. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước hoàn tất việc cổ phần hóa cùng năm nộp hồ sơ đăng ký giao dịch thì sử dụng Báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán của doanh nghiệp trong giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước.
Trường hợp doanh nghiệp nhà nước hoàn tất việc cổ phần hóa trong năm liền trước năm nộp hồ sơ đăng ký giao dịch thì sử dụng Báo cáo tài chính được kiểm toán cho giai đoạn từ khi công ty chính thức trở thành công ty cổ phần đến hết năm tài chính đó. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi về vốn điều lệ thực góp thì ngoài báo cáo tài chính theo quy định, doanh nghiệp phải nộp thêm báo cáo kiểm toán vốn.
Một quy định rất mới nữa là doanh nghiệp tăng vốn hoặc thay đổi loại hình doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp trong năm đăng ký giao dịch thì ngoài báo cáo tài chính theo quy định, thông tư đã bổ sung việc doanh nghiệp phải nộp thêm báo cáo kiểm toán vốn để HNX xem xét hồ sơ tính trên số vốn thay đổi mới của doanh nghiệp đăng ký giao dịch.
Bên cạnh đó, Thông tư 13/2019 bổ sung quy định mới: doanh nghiệp cổ phần hóa theo phương thức chào bán chứng khoán ra công chúng đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ bị hủy đăng ký giao dịch sau một năm kể từ ngày không đáp ứng điều kiện về vốn hoặc cổ đông theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán hoặc cả hai điều kiện trên.
Ngày doanh nghiệp cổ phần hóa đăng ký giao dịch không đáp ứng điều kiện về vốn là ngày doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh dưới hình thức công ty cổ phần và có vốn điều lệ ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dưới 10 tỷ đồng hoặc ngày doanh nghiệp có vốn điều lệ đã góp không đủ 10 tỷ đồng tính trên báo cáo tài chính năm gần nhất có kiểm toán.
Ngày doanh nghiệp cổ phần hóa đăng ký giao dịch không đáp ứng điều kiện về cổ đông là ngày doanh nghiệp có số lượng cổ đông thấp hơn 100 người theo xác nhận của Trung tâm lưu ký chứng khoán hoặc sổ cổ đông.