14:15 19/08/2024

Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải phù hợp với hội nhập quốc tế

Song Hà

Trải qua 18 năm thực thi, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (ban hành năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007) đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi để nâng cao hơn nữa chất lượng của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế...

Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có vai trò không kém gì cơ sở hạ tầng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.
Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có vai trò không kém gì cơ sở hạ tầng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây. Những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật này được đánh giá có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…

CHƯA RÕ RÀNG, GÂY KHÓ KHĂN KHI ÁP DỤNG

Tại hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và áp dụng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật” mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là một trong những nền tảng quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.

Với sự phát triển của thương mại quốc tế, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới khẳng định rằng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có vai trò không kém gì cơ sở hạ tầng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Vì thế, bên cạnh hạ tầng cứng, các tổ chức quốc tế thường xuyên đánh giá sự phát triển của lĩnh vực tiêu chuẩn kỹ thuật của mỗi quốc gia.

Theo Global Quality Infrustructure Index, chỉ số hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam hiện nay đứng thứ 51 thế giới. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam xếp thứ 19 và quy mô nền kinh tế đứng thứ 35 trên thế giới. Như vậy, có thể nói, hạ tầng chất lượng quốc gia hiện đang tụt hậu, chưa đáp ứng được sự phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, việc đầu tư cho lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó có đầu tư cho xây dựng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là hết sức cần thiết và bức thiết cho sự phát triển của nền kinh tế và của quốc gia.

Thời gian qua, VCCI nhận được khá nhiều ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về chất lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Điển hình như Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình; Quy chuẩn 20 về thép không gỉ, các quy chuẩn về hàng hóa lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin… Các vấn đề được doanh nghiệp chỉ ra như: quá trình soạn thảo và ban hành còn thiếu sự tham gia của doanh nghiệp. Có quy chuẩn ban hành rồi thì nhóm doanh nghiệp chịu tác động mới được biết. Có quy chuẩn thay đổi quá nhanh, đột ngột, không có quy định chuyển tiếp, không có lộ trình áp dụng, gây xáo trộn lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp. Có quy chuẩn ban hành xong mà không có đơn vị đánh giá sự phù hợp, hoặc có nhưng không đủ công suất, gây ách tắc hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều tháng.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, cho biết các doanh nghiệp nhận xét nội dung một số quy chuẩn hiện nay chưa rõ ràng, chưa thống nhất nên gây khó khăn khi áp dụng. Chẳng hạn quy chuẩn về an toàn cháy cho công trình hay quy chuẩn kỹ thuật kèm điều kiện đầu tư kinh doanh về thóc gạo… Hơn nữa, các tiêu chuẩn không tương thích với các cam kết quốc tế, với tiêu chuẩn quốc tế và nước ngoài. Trong đó, tình trạng tiêu chuẩn Việt Nam sai khác rất nhỏ so với tiêu chuẩn nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp không thể sử dụng kết quả công bố sự phù hợp của nước ngoài mà phải thử nghiệm lại, tốn kém chi phí. Chẳng hạn như Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1651:2008 tiêu chuẩn thép xây dựng.

Dự thảo luật còn nhiều điều khoản cần làm rõ và cần có những giải pháp tiết giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong quá trình đánh giá, xác nhận tính hợp quy sản phẩm. Điển hình như Điều 3.2 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định mục đích ban hành quy chuẩn kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật chưa có quy định phản hồi, tiếp thu, giải trình ý kiến của doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp có ý kiến nhưng không biết cơ quan tiếp nhận sẽ xử lý thế nào. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phản ánh về tính hợp lý trong quy định. Có tình trạng quy chuẩn đưa ra những nội dung vượt quá sự cần thiết, lạm dụng quy chuẩn thay vì tiêu chuẩn.

ĐỀ XUẤT ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN CỦA QUỐC TẾ

Nhìn rộng ra quốc tế, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam, chia sẻ sau gần 20 năm, việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ yếu dựa vào quy chuẩn kỹ thuật đã lỗi thời, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều thỏa thuận thương mại thế hệ mới. Do vậy, rất cần sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trên tinh thần xác định phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Theo đó, cần khẩn trương đưa các tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc sở hữu nhà nước thành các công ty cổ phần nhằm đảm bảo công bằng giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp sở hữu tư nhân với các tổ chức đánh giá sự phù hợp sở hữu Nhà nước. Điều này đảm bảo tất cả các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều tuân theo một chuẩn mực quốc tế. Có như vậy, nguyên tắc của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO): “Một chuẩn mực, một lần đánh giá, có giá trị khắp mọi nơi” mới có ý nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Uy, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), cũng nêu lên một số bất cập. Đó là tại Khoản 2 Điều 35 của dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định thủ tục sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật vẫn theo đúng trình tự như ban hành quy chuẩn kỹ thuật mới, tức là phải mất vài năm. Điều này cản trở doanh nghiệp đổi mới sản phẩm khi tiêu chuẩn quốc tế đã thay đổi, nhất là đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đã bỏ phiếu đồng ý ban hành...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2024 phát hành ngày 19/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải phù hợp với hội nhập quốc tế - Ảnh 1