Sửa Hiến pháp tạo nền tảng cho sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 được thông qua sẽ tạo nền tảng cho sắp xếp bộ máy. Khi bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ có nguồn lực để phát triển đất nước. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là chủ trương hợp lòng dân, ai cũng mong bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả...

Cho ý kiến tại phiên họp tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), chiều ngày 7/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ hệ trọng, tạo nền tảng cho bộ máy tinh gọn, hiệu quả, dành nguồn lực cho phát triển đất nước, chăm lo an sinh xã hội được tốt hơn
CHỦ TRƯƠNG LỚN THỂ HIỆN "Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN"
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, muốn thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 trong giai đoạn hai thì cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và một số luật liên quan.
Dư luận cử tri, nhân dân và cán bộ rất mong đợi Kỳ họp này, đặt nhiều kỳ vọng vào các quyết định của Quốc hội để tạo nền tảng pháp lý cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy.
"Ai cũng mong muốn xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nhiều nhiệm kỳ vừa qua, nhiệm kỳ nào Trung ương cũng có Nghị quyết về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng thực hiện còn khó khăn, chưa đạt mục tiêu, giảm còn cơ học. Lần này, chúng ta thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 18. Đây là chủ trương lớn thể hiện 'ý Đảng hợp lòng dân", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp này, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ chỉ tập trung vào 8/120 Điều, phục vụ yêu cầu tinh gọn bộ máy, không mở rộng ra lĩnh vực khác.

Nêu vấn đề phân cấp, phân quyền, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua khi Quốc hội sửa Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương đã phân cấp khá mạnh nhưng để tinh gọn bộ máy giai đoạn 2, cần phải tiếp tục sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh cho địa phương, để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc phân cấp để địa phương có nguồn lực, chủ động làm, không phải lên Trung ương. Quốc hội sẽ không quản lý danh mục dự án đầu tư công, cũng không quản lý danh mục tiền mà có báo cáo hàng năm thông qua việc thu chi chung, giao Chính phủ phân bổ về cho địa phương.
Khi phân về địa phương, dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy, sự điều hành của UBND, sự giám sát của HĐND thì việc triển khai thực hiện công trình, dự án mới nhanh, hiệu quả, khắc phục tình trạng giải ngân hiện nay ở nhiều địa phương rất chậm do thủ tục quy định quá nhiều. Bên cạnh đó, khi sửa Luật ngân sách nhà nước, một trong những yêu cầu đặt ra cũng phải phân cấp mạnh cho địa phương.
KHI BỘ MÁY ĐƯỢC SẮP XẾP TINH GỌN, HIỆU QUẢ SẼ CÓ THÊM NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 khi được thông qua sẽ tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo nền tảng cho sắp xếp bộ máy. Khi bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì sẽ có nguồn lực để phát triển đất nước.
Nêu rõ điều này, Chủ tịch Quốc hội cho biết chính từ việc sắp xếp bộ máy mà vừa qua Bộ Chính trị mới quyết tại kỳ họp này trình Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn giảm học phí cho các cấp học từ mầm non tới trung học phổ thông. Mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã yêu cầu nghiên cứu đề án tiến tới miễn viện phí toàn dân giai đoạn 2030- 2035 với lộ trình giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân.
“Mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư làm sao người dân một năm phải được khám sức khỏe ít nhất là một lần và được miễn phí.
Theo khái toán của Bộ Y tế thì 100 triệu người dân với chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/người thì chúng ta chi khoảng 25.000 tỷ mỗi năm. "Như vậy muốn lo được cho an sinh xã hội thì phải có nguồn lực. Nguồn lực đến từ việc tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong sửa đổi Hiến pháp lần này còn nhóm công việc là phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện, hoàn thiện thể chế pháp luật và các quy định phải đi trước một bước để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tổ chức thực hiện. Làm sao để khi Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được thông qua sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập các tỉnh, thành phố.
Theo Chủ tịch Quốc hội giai đoạn hai về sắp xếp tinh gọn bộ máy còn rất nhiều việc phải làm và có nhiều việc rất khó. “Khi kết thúc hoạt động của cấp huyện, chức năng nhiệm vụ nào sẽ giao về cấp xã, chức năng nhiệm vụ nào phải chuyển về cấp tỉnh quản lý, cấp xã sau sắp xếp sẽ bố trí cán bộ như thế nào…?
Trong quá trình sắp xếp, một trong những vấn đề người dân lo lắng là trụ sở làm việc bị bỏ hoang gây lãng phí rất lớn. Chia sẻ vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong ba tháng qua, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Theo đó, trước hết là ưu tiên cải tạo, sửa chữa, điều chỉnh công năng để phục vụ cho giáo dục; tiếp đó là phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở địa phương và trở thành điểm vui chơi, giải trí cho nhân dân.
Nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là nhiệm vụ rất hệ trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu tiếp tục quan tâm, trách nhiệm trong góp ý cho Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để hoàn thiện; đảm bảo khi Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 được thông qua sẽ đáp ứng yêu cầu đặt ra.