07:00 19/03/2016

Sửa thuế xăng dầu: Người dùng vẫn chưa hết thiệt

Kiều Châu

Lần sửa đổi này diễn ra trong bối cảnh chênh lệch thuế xăng dầu nhập khẩu gây nhiều bức xúc với người dân

Từ ngày 18/3, thuế nhập khẩu xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên
 ở mức 20%, dầu diesel giảm từ 10% xuống 7%, dầu hoả giảm từ 13% xuống 
7%.
Từ ngày 18/3, thuế nhập khẩu xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên ở mức 20%, dầu diesel giảm từ 10% xuống 7%, dầu hoả giảm từ 13% xuống 7%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Thông tư số 48, sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng dầu.

Theo đó, từ ngày 18/3, thuế nhập khẩu xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên ở mức 20%, dầu diesel giảm từ 10% xuống 7%, dầu hoả giảm từ 13% xuống 7%.

Lần sửa đổi này diễn ra trong bối cảnh chênh lệch thuế xăng dầu nhập khẩu gây nhiều bức xúc với người dân, và Bộ Tài chính đã hứa khắc phục.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới chỉ khắc phục được phần 3% với diesel và 6% với dầu hoả, trong khi mức chênh lệch trên thực tế là 10%.

Khi Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ. Năm 2015, thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam với dầu diesel và mazut giảm xuống 5%, và từ 1/1/2016 là 0%. Doanh nghiệp nhập vào không mất thuế, nhưng đến tay người tiêu dùng vẫn được tính thuế 10%. Khoản thuế chênh lệch đã giúp doanh nghiệp có thể hưởng lợi 200-300 tỷ đồng mỗi tháng.

Đặc biệt, mức sửa đổi của Bộ Tài chính vẫn chưa giải quyết triệt để được chênh lệch thuế của xăng nhập từ Hàn Quốc.

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, đầu năm 2016, thuế nhập khẩu xăng giảm về 10%, trong khi thuế tính giá cơ sở vẫn giữ nguyên 20%.