Sức ép lạm phát từ gói kích thích kinh tế không đáng lo, CPI năm 2022 dưới 4%
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù áp lực lạm phát ngay từ đầu năm 2022 rất lớn khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, cộng hưởng với các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, nhưng còn nhiều dư địa "ghìm" đà tăng của CPI dưới 4%...
Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022 ngày 4/1/2022 do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức đã nhận được nhiều sự quan tâm và góp ý.
NHIỀU DƯ ĐỊA KIỂM SOÁT CPI DƯỚI 4%
PGS. TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo, trong năm 2022, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố làm tăng CPI.
Ông Minh chỉ rõ, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng và đứng ở mức cao khi dịch Covid-19 trên thế giới được khống chế, nhiều quốc gia mở cửa trở lại và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.
Đáng lo ngại, cuối năm 2021 giá sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà… có biểu hiện giảm khá mạnh trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng và đứng ở mức cao.
"Tình trạng này sẽ tạo áp lực rất mạnh, làm tăng giá thực phẩm những tháng đầu năm 2022 khi Việt Nam đón Tết Nhâm Dần và mùa lễ hội năm 2022", ông Minh bày tỏ.
Ngoài ra, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19 với những biến chủng mới rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh... sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung – cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân...
Cũng theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế lo ngại, khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả, đặc biệt dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng.
"Các gói kích thích, kích cầu lớn theo đề xuất, cùng với phương thức kích thích, kích cầu, càng phải cẩn trọng, bởi quy mô rất lớn, khi cấp bù lãi suất sẽ kéo theo một lượng tín dụng “khủng” ra thị trường, trong khi tỷ lệ này/GDP đã rất cao", ông Long nhấn mạnh.
Khi lạm phát cao lên, thì thường vòng quay tiền tệ sẽ tăng lên, làm cho lượng tiền tệ tăng kép. Với sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường, sẽ có một lượng tiền lớn đang bị bị chôn vào các kênh bất động sản, chứng khoán,…. sẽ chuyển sang và gây sức ép đến thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
"Tình hình dịch bệnh Covid-19 với những biến chủng mới rất nguy hiểm, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chưa hồi phục như kỳ vọng, làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như dự báo của nhiều quỹ đầu tư".
PGS. TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, với vị thế chủ động và những yếu tố chính để kiểm soát, ổn định giá cả và tâm lý chúng ta còn dư địa để kiểm soát, ổn định giá cả và tâm lý người dân để hỗ trợ kiểm soát lạm phát.
"Các tổ chức quốc tế dự báo CPI của Việt Nam trong năm 2022 tăng khoảng 3,5 - 4%, rủi ro vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hoá thế giới. Dự báo CPI năm 2022 sẽ ở mức 3,4-3,7% thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%", ông Long cho biết thêm.
Mặt khác, trong năm 2022, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI.
Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, sức mua trên thị trường vẫn còn yếu do thu nhập của người dân lao động bị giảm vì sự đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh...
Ngoài ra, cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.
Vì vậy, ông Nguyễn Bá Minh dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+-0,5%).
CPI TĂNG THẤP NHẤT 5 NĂM GẦN ĐÂY
Nhìn lại diễn biến thị trường, giá cả năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, tính chung cả năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Theo đó, CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020, và còn thấp xa so với mục tiêu cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội (4%).
Tính chung trong 12 tháng có 5 tháng CPI giảm, 7 tháng tăng chỉ có tháng 2 tăng mạnh 1,52%, còn lại một số tháng tăng rất thấp như tháng 1, tháng 5, tháng 6. Mức tăng hoặc giảm nhẹ trong khoảng từ 0,2 - 0,6%.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng 11/2021, tăng 0,67% so với tháng 12/2020. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.
Điểm lại một số nguyên nhân chủ yếu khiến CPI bình quân năm 2021 tăng, ông Nguyễn Bá Minh cho hay, một là, giá xăng dầu trong nước tăng 31,74% so với năm trước, làm CPI chung tăng 1,14 điểm phần trăm, giá gas tăng 25,89%, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.
Hai là, giá gạo tăng 5,79% so với năm trước, làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết và nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Ba là, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,03% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm.
Bốn là, giá dịch vụ giáo dục tăng 1,87% so với năm trước, làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ…
Bên cạnh đó, các nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2021 là giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,54% so với năm trước, làm CPI chung giảm 0,12 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý 4/2020 nhưng được thực hiện vào tháng 01/2021.
Giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 tại kỳ hóa đơn tháng 8, 9/2021 nên giá điện sinh hoạt bình quân năm 2021 giảm 0,89% so với năm 2020, làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm.
Ngoài ra, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giá vé máy bay giảm 21,15% so với năm trước. Giá du lịch trọn gói giảm 2,32%.
Đặc biệt, các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ổn định giá cả thị trường…