Sức mạnh cổ phiếu ngân hàng: VN30-Index tăng vọt hơn 23 điểm
Đà tháo chạy ở cổ phiếu đầu cơ vẫn tiếp diễn sáng nay, nhưng dòng tiền có dấu hiệu đổ xô vào cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này tăng đồng loạt, 2 mã kịch trần, dẫn đến tính thế “tréo ngoe” khi VN30-Index tăng 1,56% nhưng VN-Index tăng 0,41%, còn smallcap giảm 1,99%...
Đà tháo chạy ở cổ phiếu đầu cơ vẫn tiếp diễn sáng nay, nhưng dòng tiền có dấu hiệu đổ xô vào cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này tăng đồng loạt, 2 mã kịch trần, dẫn đến tính thế “tréo ngoe” khi VN30-Index tăng 1,56% nhưng VN-Index tăng 0,41%, còn smallcap giảm 1,99%.
Đối với VN-Index, sức mạnh của cổ phiếu ngân hàng tập trung chủ yếu vào VCB, BID, CTG, TCB. Nhóm này cũng tăng tốt, nhưng GAS, GVR lại kéo xuống quá nhiều. Trong khi đó VN30-Index hưởng lợi gần như trọn vẹn từ nhóm ngân hàng.
Các chỉ số nhóm tài chính trên sàn HoSE sáng nay tăng dữ dội: VNFIN tăng 3,22%, VNFINSELECT tăng 3,24%, VNDFINLEAD tăng 3,24%. Trong toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng trên cả ba sàn, duy nhất PGB giảm 4,22%, EIB tăng 0,72%, còn lại tăng “bét” nhất cũng 1,4% trở lên.
Nhóm trụ ngân hàng của VN30 tăng rất tốt: TCB tăng 2,47%, CTG tăng 4,88%, BID tăng 3,6%, VCB tăng 1,44%, HDB tăng 6,62%, MBB tăng 3,53%, TPB kịch trần 6,9%, VPB tăng 1,8%, ACB tăng 2,99%.
Trong Top 10 cổ phiếu kéo VN30-Index sáng nay thì chỉ có HPG tăng 1,46% là “chen chân” vào được. HPG đang là mã vốn hóa lớn nhất của chỉ số này. Ngoài ra cũng có thể kể tới MSN tăng 1,36%.
Rổ VN30 kết phiên sáng có 20 mã tăng/7 mã giảm, 1 mã trần là TPB. Trong 20 mã tăng thì 16 mã tăng trên 1%, bao gồm toàn bộ nhóm ngân hàng. VN30-Index tăng 1,56% so với tham chiếu, tương đương 23,38 điểm.
Mặc dù về cơ bản là tăng giá mạnh, nhưng hầu hết cổ phiếu ngân hàng cũng đã bị chốt lời nhất định và giá tụt xuống một chút. VN30-Index đạt đỉnh cao nhất lúc 10h10, trên tham chiếu 2,03% sau đó tụt xuống một chút. Hầu hết các mã ngân hàng cũng đều đạt đỉnh cùng thời điểm với chỉ số này. Mức ép xuống ở cuối phiên sáng khác nhau với từng mã. Chẳng hạn TCB đã bị ép xuống gần 2,2% so với đỉnh, CTG bị ép khoảng 1,3%, VPB bị ép hơn 2,1%, STB bị ép gần 1,7%...
Dòng tiền vào các mã ngân hàng cũng không đều nhau. TCB hiện đang có thanh khoản cao nhất với gần 18,5 triệu cổ trị giá 989,8 tỷ đồng, cũng là lớn nhất thị trường. STB, CTG, MBB là các mã khác nằm trong Top 10 thanh khoản 3 sàn.
Mặc dù VN30-Index và VN-Index được neo khá cao trong phiên sáng nay nhưng nhu cầu thoát hàng ở các cổ phiếu đầu cơ đã quá lớn, vượt khả năng nâng đỡ. Nhóm này phải đi ngược thị trường dưới áp lực bán lớn. Chỉ số VNSmallcap đang giảm tới 1,99% với 37 mã tăng/145 mã giảm. Tuy nhiên rổ này cũng mới có 7 mã sàn. Midcap giảm 0,9% với 18 mã tăng/50 mã giảm. HoSE hiện còn 6 mã kịch trần thì trong đó có 2 mã ngân hàng là TPB và VIB, còn lại TGG, TNH, TNI, PTC. Độ rộng HoSE chỉ là 157 mã tăng/303 mã giảm, trong đó 220 cổ giảm trên 1%.
HNX hiện có 7 cổ phiếu kịch trần, trừ STC, UNI, NDX còn thanh khoản chấp nhận được, các mã khác giao dịch quá ít. Độ rộng sàn này chỉ là 59 mã tăng/174 mã giảm. UpCoM cũng chỉ rớt lại 15 mã trần, trừ LPT có thanh khoản, còn lại không tin cậy. Độ rộng sàn này còn 101 mã tăng/244 mã giảm.
Như vậy tổng thể các cổ phiếu đầu cơ vẫn đang chịu áp lực thoát hàng, không thể đi ngược thị trường như trước. Đây là điều hiển nhiên vì lượng tiền đổ vào các mã này quá lớn gần đây, khi ai cũng muốn chạy ra thì sẽ không có nhiều người chạy vào. Để bán được khối lượng lớn như vậy thì cách duy nhất là hạ giá xuống để vét cầu bắt đáy.
Nhóm cổ phiếu tài chính đang thu hút chú ý trở lại là điều tích cực vì nhóm này có khả năng nâng đỡ chỉ số tốt. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh nhóm trụ còn lại có nguy cơ giảm. VIC sáng nay chỉ tham chiếu, VHM nỗ lực tối đa mới tăng 0,12%, VNM cũng vậy trong khi dầu khí giảm sâu: GAS giảm 2,45%, PLX giảm 3,7%.
Khả năng hút tiền của cổ phiếu ngân hàng cũng chưa trở lại mức sôi động trước đây. Sáng nay VN30 lại giảm khoảng 5% thanh khoản, đạt 7.662 tỷ đồng. Toàn sàn HoSE giảm khoảng 4%, đạt 22.551 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khá tốt 157 tỷ trên HoSE, tập trung vào VHM (60 tỷ), GMD (41 tỷ), KBC (27 tỷ), NLG (24 tỷ). Phía bán ròng có VPB với 94 tỷ, HCM trên 35 tỷ, VNM gần 35 tỷ đồng.