Tác hại của các trào lưu chăm sóc da “lệch chuẩn”
Ngoài các xu hướng về âm nhạc hay vị giác, TikTok cũng liên tục ghi nhận sự lan tỏa của các trào lưu thời trang và làm đẹp. Một số trong đó đang được cảnh báo là tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt với nhóm người dùng trẻ tuổi…

Gần đây, trên mạng xã hội TikTok và Instagram, hàng loạt clip ngắn khoe quy trình tắm cầu kỳ đang thu hút hàng triệu lượt xem, với các bước như tẩy da chết mỗi ngày, dùng xà phòng kháng khuẩn, làm sạch hai bước, dùng dầu dưỡng, kem dưỡng, cùng rất nhiều sản phẩm để tạo cho cơ thể mùi thơm quyến rũ.
Tuy nhiên, các bác sĩ da liễu cảnh báo rằng cách tắm "sang chảnh" đang lan truyền không chỉ gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ tàn phá làn da. Bác sĩ Olga Bunimovich, chuyên gia da liễu tại Đại học Y Pittsburgh, cho rằng một quy trình tắm lành mạnh thực ra rất đơn giản: gồm nước ấm vừa phải, xà phòng dịu nhẹ không mùi và một lớp kem dưỡng hoặc dầu khóa ẩm sau khi tắm.
Bác sĩ phẫu thuật da liễu Nicole Negbenebor thuộc Trung tâm Y tế Đại học Iowa giải thích: “Da là hàng rào bảo vệ lớn nhất của bạn. Nó cần được chăm sóc đúng cách nhưng việc tắm quá lâu, dùng nước nóng hoặc xà phòng có độ tẩy mạnh có thể rửa trôi lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da khô, dễ kích ứng và mất khả năng tự bảo vệ. Đặc biệt, xà phòng kháng khuẩn dù được nhiều người ưa chuộng nhưng lại không cần thiết với người bình thường và có thể khiến da bong tróc, nứt nẻ nếu dùng hàng ngày”.

Theo trang SCMP, một số người cổ súy cho thói quen tắm nhiều bước còn gợi ý áp dụng phương pháp hai bước cho toàn thân - dùng dầu tẩy trước, sau đó là sữa tắm - như một phần của quy trình làm sạch kỹ lưỡng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phương pháp này chỉ cần thiết cho da mặt, đặc biệt khi có lớp trang điểm hoặc kem chống nắng dày.
“Không chỉ không cần thiết, tắm hai bước toàn thân còn làm mất đi lớp dầu bảo vệ, khiến da bị khô và mất cân bằng”, bác sĩ Bunimovich cảnh báo. Nếu thoa lên da khô hoàn toàn, dầu không có tác dụng dưỡng ẩm, thậm chí còn làm da bí và dễ bị kích ứng hơn, nhất là với những loại có hương liệu hoặc tinh dầu đậm đặc.
Việc tẩy tế bào chết cũng bị đánh giá là gây hại nếu thực hiện mỗi ngày. Các chất tẩy rửa giúp loại bỏ tế bào chết, nhưng nếu lạm dụng, có thể dẫn đến tổn thương vi mô trên da, gây mẩn đỏ, kích ứng hoặc làm nặng thêm tình trạng mụn, chàm. Theo các chuyên gia, phương pháp tẩy da chết nhẹ nhàng, dùng sản phẩm chứa Acid lactic hoặc Acid glycolic, là lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên, ngay cả loại này cũng không nên dùng hàng ngày.

Tương tự, một trào lưu làm đẹp từng bị lên án đang quay trở lại mạnh mẽ trên mạng xã hội, đặc biệt thu hút giới trẻ: làn da rám nắng kèm theo những đường dấu áo tắm (tan lines). Hashtag #sunburntlines trên TikTok hiện đã vượt mốc 200 triệu lượt xem, cho thấy sức hút không nhỏ từ xu hướng tưởng chừng đã bị lãng quên từ cuối thập niên 1990.
Tiến sĩ Kate McCann, bác sĩ y học dự phòng tại Ireland, cảnh báo giới trẻ đang bị cuốn vào một trào lưu nguy hiểm. Trong khi các chuyên gia da liễu cố gắng nâng cao nhận thức cộng đồng rằng rám nắng là dấu hiệu da bị tổn thương bởi tia UV, một bộ phận giới trẻ lại xem hiện tượng cháy nắng là biểu tượng thời thượng. Nguy hiểm hơn, một số cá nhân còn dùng dầu ăn để thúc đẩy quá trình bắt nắng hoặc gắn sticker, dán hình lên da để tạo hiệu ứng "xăm nắng" - một dạng biến tướng thẩm mỹ đầy rủi ro.
Theo bác sĩ McCann, chỉ cần một lần bị cháy nắng nghiêm trọng thời thơ ấu (gây phồng rộp hoặc lột da) đã đủ để làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư da sau này. Bà nhấn mạnh rằng 90% các ca ung thư da đều xuất phát từ việc tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời hoặc giường tắm nắng (sunbeds). Đặc biệt, sử dụng giường tắm nắng trước tuổi 35 có thể làm tăng nguy cơ mắc u hắc tố ác tính - loại ung thư da nguy hiểm nhất - lên đến 75%.

Trước đó, nhiều người trẻ trên thế giới tìm kiếm làn da nâu bằng cách sử dụng giường tắm nắng trong nhà. Họ xịt một loại thuốc "tăng tốc độ rám nắng" và nằm lên giường tắm nắng dưới ánh sáng xanh UV. Xu hướng này được gọi là “Tanning TikTok”, nơi Gen Z chia sẻ xu hướng tắm nắng nhân tạo.
Một báo cáo gần đây cho thấy chuỗi thẩm mỹ viện lớn nhất ở Anh đã mở thêm 40% cơ sở sunbeds kể từ năm 2018. Sau đại dịch, nhiều chuỗi khác cũng mở rộng và đạt lợi nhuận kỷ lục. Một khảo sát cho thấy 43% người 18 - 25 tuổi ở Anh từng sử dụng giường tắm nắng nhân tạo. Trong một nghiên cứu khác, 60% người trẻ thừa nhận đã thử ít nhất một lần và 25% sử dụng thường xuyên.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ một lần tắm nắng nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ ung thư da lên đến 67%. Bác sĩ da liễu Catherine Borysiewicz cho biết giường tắm nắng phát ra tia UVA và UVB ở mức độ tương đương với ánh nắng mặt trời giữa trưa. Khi đó, tế bào melanocytes sẽ sản sinh melanin - sắc tố giúp da sạm màu để tự bảo vệ. Tia UV có thể phá hủy DNA của tế bào da, gây lão hóa sớm, nếp nhăn, đốm nâu và thậm chí là ung thư da.
Một điều đáng báo động khác là giường tắm nắng đang được quảng bá như một liệu pháp thư giãn, thậm chí còn được gọi là “liệu pháp vitamin D”. Cách truyền thông này khiến nhiều người trẻ lầm tưởng giường tắm nắng là an toàn. Bác sĩ Clare Kiely khẳng định đây chỉ là “chiêu trò tiếp thị, không phải khoa học”. Bà nhấn mạnh: “Nằm dưới tia UV nhân tạo không phải là chăm sóc sức khỏe, mà đang gây tổn thương da”.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Northwestern gần đây cũng đã tiến hành phân tích 100 video chăm sóc da do các bé gái đăng tải trên TikTok. Kết quả cho thấy gần như toàn bộ nội dung đều đến từ các bé gái trong độ tuổi từ 7 đến 18, với 82 người sáng tạo nội dung là nữ.
Phần lớn các video thể hiện quy trình chăm sóc da phức tạp, thường bao gồm từ sáu sản phẩm trở lên, có video sử dụng đến hơn 12 sản phẩm. Tổng chi phí cho các sản phẩm này dao động từ 168 USD đến hơn 500 USD. TS. Molly Hales, tác giả chính của nghiên cứu, cảnh báo rằng những quy trình chăm sóc da này của trẻ em và có thể gây hại nhiều hơn lợi.
TS. Hales nhận định: “Trẻ em chỉ cần rửa mặt nhẹ nhàng một đến hai lần mỗi ngày và sử dụng kem chống nắng là đủ”. Việc lạm dụng các sản phẩm chứa nhiều thành phần hoạt tính hoặc mùi hương có thể dẫn đến dị ứng tiếp xúc – vấn đề đã được ghi nhận trong 76% số video có lượt xem cao nhất.

Ngoài nguy cơ về sức khỏe, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các video chăm sóc da thường gắn liền với lý tưởng vẻ đẹp da sáng, mịn, không tì vết, những chuẩn mực có thể gây áp lực và mặc cảm cho nhiều trẻ em. Giáo sư Tess McPherson, thuộc Hiệp hội Da liễu Anh quốc, cho biết số lượng trẻ đến phòng khám vì kích ứng da đã tăng lên rõ rệt trong thời gian gần đây, chủ yếu do sử dụng mỹ phẩm không phù hợp.