10:16 23/01/2008

Tai nạn lao động: Trách nhiệm không ai nhận

Lý Hà

Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn liên tục xảy ra, bất chấp Chương trình quốc gia về an toàn lao động

"Đặc biệt, những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại một số công trình xây dựng và khai thác khoáng sản".
"Đặc biệt, những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại một số công trình xây dựng và khai thác khoáng sản".
Chương trình quốc gia về an toàn lao động đến nay đã sang năm thứ ba và năm nào cũng tổ chức Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động. Thế nhưng, tai nạn lao động vẫn không hề giảm.

Đặc biệt, những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại một số công trình xây dựng và khai thác khoáng sản.

Dưới đây là cuộc trò chuyên của chúng tôi với bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về vấn đề này.

Thưa bà, là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn lao động, trách nhiệm của Cục An toàn lao động như thế nào khi hàng loạt tai nạn lao động nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gần đây?

Chúng tôi có một phần trách nhiệm trong những vụ việc xảy ra. Nói một phần trách nhiệm là vì vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, trong đó đã phân công trách nhiệm cho từng bộ, ngành cụ thể. Ví dụ như an toàn lao động trong khu công nghiệp và xây dựng là giao cho Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng. Như vậy cũng đã phân cấp rất rõ.

Thế nhưng vừa rồi hàng loạt các vụ tai nạn lao động xảy ra trong khai thác đá, Bộ Công Thương không nói gì, tai nạn trong xây dựng, Bộ Xây dựng im hơi lặng tiếng. Đến giờ phút này các bộ chuyên ngành vẫn im lặng, chưa có một ai có tiếng nói chính thức về những vụ tai nạn trong thời gian qua.

Chúng tôi cho rằng chỉ có thể giảm tai nạn lao động khi ý thức được đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương trong công tác thanh, kiểm tra. Thanh, kiểm tra ở đây không chỉ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mà còn là trách nhiệm chính của các bộ chuyên ngành.

Phải chăng chúng ta đang thiếu các văn bản hướng dẫn cũng như các chế tài và chế độ chính sách an toàn, vệ sinh lao động, thưa bà?

Khi hỏi về chế độ chính sách an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động thì ở Việt Nam chúng ta rất đầy đủ các quy định khá cập nhật và song hành với quốc tế, được quốc tế đánh giá rất tốt. Thế nhưng trong thực tế lại có sự buông lỏng của các bộ, ngành liên quan. Văn bản chính sách thì nhiều nhưng trách nhiệm thì không ai chịu, mặc dù đã phân cấp rõ.

Vậy trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý an toàn vệ sinh lao động được cụ thể như thế nào?

Tại Quyết định 233 ban hành ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình an toàn quốc gia về vệ sinh an toàn lao động cũng đã chỉ thị rất rõ, phải cải thiện điều kiện lao động trong 2 ngành xây dựng và khai thác khoáng sản, giao chỉ tiêu cụ thể cho 2 ngành này hàng năm phải giảm 5% sơ suất tai nạn lao động.

Quyết định này cũng nêu rõ có cả trách nhiệm của các địa phương, trong đó để giảm tai nạn lao động và kiểm soát được tai nạn lao động các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Thế nhưng rất tiếc, Quyết định của Thủ tướng từ năm 2006 nhưng đến nay mới có 53 địa phương thực hiện, còn lại 11 tỉnh, thành phố vẫn chưa thực hiện, trong đó có: Lạng Sơn, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Tp.HCM, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre.

Là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Cục an toàn lao động có nhắc nhở gì các địa phương, Bộ ngành không chấp hành quyết định của Thủ tướng?

Để cùng các bộ, ngành quản lý, từ năm 2005, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Chính phủ thành lập Hội đồng quốc gia về bảo hiểm lao động nhằm triển khai công việc có tính chất liên ngành.

Trong công tác truyền thông, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động và mới đây theo yêu cầu của Thủ tướng cũng đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình an toàn vệ sinh lao động.

Tức là về quản lý nhà nước, chúng tôi đã có cơ chế để các bộ, ngành ngồi lại với nhau cùng phối hợp. Xuống các địa phương chúng tôi đã tổ chức các hội nghị tập huấn mời các địa phương tới. Hội nghị nào cũng mời cả lãnh đạo tỉnh và thanh tra địa phương tuyến dưới, nhưng khi về địa phương việc lĩnh hội triển khai không được quyết liệt và thông suốt.

Không chỉ tập huấn mà năm vừa rồi chúng tôi đã đi 40 tỉnh, thành phố trực tiếp kiểm tra nhắc nhở, có nhiều địa phương làm rất quyết liệt, nhưng rất tiếc có địa phương do nhận thức còn hạn chế nên ý thức trách nhiệm của người lãnh đạo đối với người lao động đang sống và làm việc trên địa bàn do họ quản lý còn bị coi thương.

Cuối năm là thời điểm thường xảy ra tai nạn lao động vì vậy chúng tôi đã có công điện khẩn gửi các địa phương. Không chỉ cảnh báo mà chúng tôi còn giúp một số địa phương cán biện pháp giảm thiểu tai nạn lao động...

Còn trách nhiệm của thanh tra lao động các địa phương thì sao, theo bà việc cần làm ngay của các bộ, ngành, địa phương lúc này là gì để giảm thiểu tai nạn lao động?

Thanh tra lao động của các địa phương tất nhiên là có trách nhiệm thanh tra nhưng do bất cập về số lượng thanh tra nên các cuộc thanh tra cũng mới chỉ vươn tới một số doanh nghiệp lớn. Hơn nữa đã phân cấp rõ rồi nên trách nhiệm chính vẫn là các bộ chuyên ngành và địa phương. Tôi cho rằng, vấn đề chính vẫn là nhận thức của người lãnh đạo các cấp và bộ ngành chuyên môn.

Là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hộ lao động, chúng tôi sẵn sàng lên tiếng trên bất cứ diễn đàn nào, hy sinh bất kỳ danh hiệu thi đua nào để bảo vệ quyền lợi người lao động. Và một trong những điều chúng tôi muốn nói với các bộ, các địa phương là phải thực hiện đúng nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao - quản lý an toàn vệ sinh lao động.