14:00 13/07/2022

Tài sản của Elon Musk "bay" 37 tỷ USD do lùm xùm thương vụ mua lại Twitter

Trang Linh

Kể từ khi công bố đề nghị mua lại Twitter hôm 14/4, tài sản của tỷ phú này đã giảm từ 251 tỷ USD xuống còn 214 tỷ USD ngày 13/7...

Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Getty Images

Tỷ phú Elon Musk mới đây thông báo sẽ rút lại đề nghị mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD – động thái vấp phải sự phản đối của hội đồng quản trị Twitter. Ngày 12/7, Twitter đâm đơn kiện yêu cầu ông Musk phải thực thi thương vụ, trong bối giá cổ phiếu mạng xã hội này lao dốc mạnh những tháng qua.

Những lùm xùm xung quanh thương vụ này khiến tài tài sản của ông Musk - cũng là CEO của hãng xe điện Tesla - giảm mạnh. Theo Bloomberg Billionaire Index, kể từ khi công bố đề nghị mua lại Twitter hôm 14/4, tài sản của tỷ phú này đã giảm từ 251 tỷ USD xuống còn 214 tỷ USD ngày 13/7.

Phần lớn tài sản của ông Musk đến từ cổ phiếu Tesla trong khi mã này giảm mạnh kể từ khi ông bắt đầu chiến dịch mua lại Twitter. Tỷ phú này đã bán tổng cộng 8 tỷ USD cổ phiếu Tesla để chuẩn bị cho thương vụ.

Từ khi ký thỏa thuận mua lại với Twitter hôm 26/4, ông Musk đã công khai nói rằng thương vụ có thể bị rút lại nhưng đa số các nhà phân tích cho rằng đây là một chiến thuật đàm phán của tỷ phú này. Bởi vì, nếu hủy ngang, ông sẽ phải trả tiền đền bù hợp đồng lên tới 1 tỷ USD.

Tới ngày 8/7, tỷ phú giàu nhất thế giới gây ra cơn địa chấn với Phố Wall và Thung lũng Silicon khi gửi thư chính thức yêu cầu được miễn trừ nghĩa vụ thực hiện thương vụ mua lại Twitter. Ông cáo buộc Twitter đã không thông tin chính xác số lượng tài khoản rác trên nền tảng này.

Tuy nhiên, Twitter quyết không để tỷ phú này “phủi tay” khi nhanh chóng phát đi thông cáo nói rằng “quyết tâm chốt thương vụ” với mức giá 54,2 USD/cổ phiếu như đã thỏa thuận với ông Musk trước đó. Nền tảng mạng xã hội này đã đâm đơn kiện lên tòa án Delaware và thuê một đội luật sư để chuẩn bị cho phiên tòa nhằm bắt buộc thực thi thương vụ.

Twitter khẳng định không vi phạm bất kỳ nghĩa vụ nào nêu trong thỏa thuận với ông Musk về việc mua công ty.

Theo thỏa thuận mua lại được nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), cả hai bên đều được hưởng khoản phí bồi thường chấm dứt hợp đồng trị giá 1 tỷ USD trong vòng hai ngày làm việc nếu bên còn lại rút lui trước ngày 24/10.

Musk có thể cố gắng để không phải trả khoản phí này với lập luận rằng Twitter đã cung cấp thông tin sai lệch về số lượng tài khoản rác. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng lập luận về tài khoản rác của ông nhiều khả năng không có hiệu lực. Tỷ phú này từng vài lần nói rằng loại bỏ tài khoản ảo là một lý do để ông mua Twitter, vì vậy, việc ông nói rằng mình không biết về vấn đề này là thiếu tin cậy.

“Việc từ bỏ thỏa thuận mà không phải trả phí phạt thường cần đến những lập luận đủ vững chắc. Tôi cho rằng Musk khó đáp ứng được yêu cầu này với mối lo ngại về tài khoản ảo”, Alexander Manglinong của hãng luật Stubbs, Alderton & Markles nhận xét.

Ngày 11/7, một ngày sau thông báo "quay xe" của ông Musk, giá cổ phiếu Twitter giảm 11,3 % xuống còn 32,65 USD/cổ phiếu - giảm hơn 40% so với mức giá thời điểm hai bên ký thỏa thuận mua lại. Đây cũng là mức giảm trong một phiên mạnh nhất mà mã này ghi nhận trong 14 tháng qua. 

Sang phiên ngày 12/7, việc Twitter kiện ông Musk và yêu cầu thực thi thương vụ giúp mã này hồi hơn 4,3%, lên mức 34,06 USD/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu Tesla ghi nhận phiên giảm điểm khi mất 0,54%, đóng cửa ở mức 699,21 USD/cổ phiếu. Tính từ khi thương vụ Twitter được thông báo chính thức hôm 14/4, giá cổ phiếu Tesla đã giảm gần 30%.