14:55 22/03/2013

Tại sao tội tham nhũng nhiều án treo?

Nguyên Vũ

Phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình diễn ra khá buồn tẻ

<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Trương Hòa Bình.</span>
<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Trương Hòa Bình.</span>
Đại biểu Quốc hội sốt ruột vì tỷ lệ án treo dành cho tội phạm tham nhũng quá cao, trong khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định cơ bản là xét xử đúng.

Phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 22/3 diễn ra khá buồn tẻ, bởi các câu trả lời chung chung và nhiều chất vấn dài dòng.

Mở đầu, đại biểu Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp) đặt vấn đề về trách nhiệm và hướng giải quyết khi số lượng án tham nhũng, kinh tế đưa ra xét xử ít song án treo và hình phạt nhẹ chiếm tỷ lệ cao gấp nhiều lần các loại án khác, có nơi đến 45% dẫn đến sự hoài nghi về việc chạy án.

Cũng là thành viên Ủy ban Tư pháp, đại biểu Đào Thị Xuân Lan cho biết Ủy ban này vẫn phát hiện một số địa phương cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật và chất vấn về kết quả xử lý, nhất là trong xét xử tội tham nhũng.

Tòa án chỉ xét các vụ viện kiểm sát đưa ra truy tố, nên số vụ ít hay nhiều thì còn liên quan đến điều tra và truy tố, Chánh án Trương Hòa Bình trả lời.

Riêng tỷ lệ án treo cao, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh đã nhiều lần giải trình trước Quốc hội. Ông cũng khẳng định số lượng án treo và số bị cáo được hưởng án treo đã giảm rất nhiều, nhìn từ con số qua ba năm gần đây.

“Việc xét xử của tòa án căn cứ vào cáo trạng truy tố của viện kiểm sát. Chúng tôi cho rằng khi áp dụng mức án thì đều áp dụng mức phạt nghiêm khắc đối với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Số còn lại là số thừa hành thì xử ở mức nghiêm trọng, ít nghiêm trọng. Số này cán bộ, công chức nhà nước nên có nhân thân tốt. Tòa án xử đúng người, đúng tội, đồng thời cũng áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người tự thú, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, nhân thân tốt…”, ông Bình giải thích thêm.

Theo Chánh án thì “dư luận hoài nghi có tiêu cực chạy án, chũng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo là không loại trừ có tiêu cực trong quá trình điều tra xét xử”.

Chánh án cho hay, qua kiểm tra hầu hết các bị can được xử án treo đều đúng pháp luật, có một số áp dụng không đúng đã bị tòa án cấp trên kháng nghị giám đốc thẩm và đã xử lý thẩm phán nghiêm minh. Ông cũng cho biết đang xây dựng nghị quyết mới quy định chặt chẽ việc cho hưởng án treo theo hướng nếu là người cầm đầu thì dù có khắc phục hậu quả thì cũng không được án treo. Áp dụng án treo với bị can tham nhũng cũng sẽ chặt chẽ hơn.

Nhận xét trả lời án treo cho tội tham nhũng đã giảm nhiều của Chánh án là chưa rõ và chưa thuyết phục, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị ông Bình cho biết cụ thể án treo cho tội tham nhũng có chiếm tỷ lệ cao thật hay không, việc xét xử có tiêu cực không?

Kể tên một loạt vụ án cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Vũng Tàu) cũng tỏ ra sốt ruột về hình phạt rất nhẹ cho nhiều bị cáo tham nhũng và đề nghị Chánh án trả lời rõ hơn về trách nhiệm của tòa án.

Đã có nhiều vụ được kháng nghị và xét xử lại, nếu lỗi chủ quan do thẩm phán thì không tái bổ nhiệm, và cũng không loại trừ tiêu cực, ông Bình tái khẳng định.

Bên cạnh nội dung nêu trên, đại biểu Lê Việt Trường (Ủy ban Quốc phòng - An ninh) và một số vị đại biểu khác cũng chất vấn Chánh án về tỷ lệ lớn đơn thư nằm chờ giám đốc thẩm, tỷ lệ án tuyên không rõ ràng vẫn chiếm số lượng lớn…

Chỉ hỏi một câu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ muốn nghe một câu trả lời của Chánh án, là có thể thực hiện được Nghị quyết 37 về công tác tư pháp đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2012. Trong đó có yêu cầu không để án oan, hạn chế tối đa các vụ xét xử quá hạn luật định, áp dụng án treo đúng quy định, nhất là án về tham nhũng…

Tại câu trả lời, ông Bình “biểu thị quyết tâm cao nhất, cố gắng thực hiện nghị quyết 37, nếu không đạt được thì Chánh án sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội”.