16:21 18/03/2010

Tâm điểm kiểm toán năm nay: Vì sao không có Vinashin?

Từ Nguyên

Chính sách kích cầu, Petro Vietnam và VNPT sẽ là những tâm điểm trong kế hoạch kiểm toán năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước

"Trong năm nay, Thanh tra Chính phủ đã lên kế hoạch thanh tra tình hình tài chính của Vinashin. Do đó, để tránh chồng chéo, Kiểm toán Nhà nước quyết định lùi thời hạn kiểm toán Vinashin sang năm sau".
"Trong năm nay, Thanh tra Chính phủ đã lên kế hoạch thanh tra tình hình tài chính của Vinashin. Do đó, để tránh chồng chéo, Kiểm toán Nhà nước quyết định lùi thời hạn kiểm toán Vinashin sang năm sau".
Chính sách kích cầu, Petro Vietnam và VNPT sẽ là những tâm điểm trong kế hoạch kiểm toán năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước.

Đó là thông tin từ ông Lê Minh Khái, Phó tổng kiểm toán Nhà nước, tại buổi họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2010 diễn ra sáng nay (18/3).

Ông Khái cho biết, nhiệm vụ kiểm toán trong năm nay sẽ được tập trung vào 4 trọng điểm sau: đánh giá thực hiện các gói kích cầu chống suy giảm kinh tế của của Chính phủ mà cụ thể là việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, tập đoàn và tổng công ty; công tác quản lý thuế (hoàn, miễn, giảm và giãn thuế) trong hai năm 2008 - 2009 tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; tình hình huy động, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2009 và tình hình thực hiện tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên giai đoạn từ năm 2007 - 2009.

Ngoài ra, trong năm nay, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tiến hành kiểm toán việc sử dụng ngân sách tại 32 tỉnh, thành phố và 14 bộ ngành Trung ương, việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và chương trình mục tiêu quốc gia tại 27 dự án, 28 đơn vị là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong đó một số tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)...

Xung quanh kế hoạch kiểm toán năm nay, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi của báo chí.

Thưa ông, ai cũng biết trong năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) có khá nhiều “vấn đề” về tài chính. Vậy, tại sao trong kế hoạch kiểm toán năm nay lại không có tên doanh nghiệp này?

Thực tế thì trong kế hoạch ban đầu của Kiểm toán Nhà nước có đưa Vinashin vào diện phải kiểm toán năm nay. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, lẽ ra tập đoàn này đã được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra vào năm 2009, nhưng sau đó Thủ tướng lại yêu cầu lùi lại vì lý do khủng hoảng kinh tế.

Chính vì thế, trong năm nay, Thanh tra Chính phủ đã lên kế hoạch thanh tra tình hình tài chính của Vinashin. Do đó, để tránh chồng chéo, Kiểm toán Nhà nước quyết định lùi thời hạn kiểm toán Vinashin sang năm sau.

Hoàn toàn không có lý do tế nhị hay ảnh hưởng của tác động nào đến quyết định này.

Vậy có phải vì tâm điểm kiểm toán năm nay là các gói kích cầu nên Kiểm toán Nhà nước đã đưa Ngân hàng Nhà nước vào danh sách kiểm toán năm nay, dù đơn vị này đã được kiểm toán năm 2009?

Đây là việc bình thường bởi việc kiểm toán Ngân hàng Nhà nước đã được quy định trong Luật Ngân hàng, trong đó cho phép Kiểm toán Nhà nước được kiểm toán hàng năm.

Tuy nhiên, dù Ngân hàng Nhà nước đã được chúng tôi tiến hành kiểm toán năm 2009, nhưng do cơ quan này có liên quan đến chính sách kích cầu trong năm qua nên bắt buộc chúng tôi phải tiếp tục đưa đơn vị này vào danh sách kiểm toán năm nay, trong đó sẽ tập trung vào việc thực hiện các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất và chính sách tiền tệ trong năm 2009.

Thưa ông, đến thời điểm này, Kiểm toán Nhà nước đã nhận được phản hồi chính thức của Bộ Tài chính về kết quả kiểm toán tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chưa?

Theo tôi được biết, sau khi kết quả kiểm toán SCIC được công bố rộng rãi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của dư luận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa nhận được một văn bản phản hồi chính thức nào từ cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính và đơn vị được kiểm toán là SCIC.

Nhưng cũng lưu ý rằng, việc kiểm toán SCIC đã được chúng tôi thực hiện đúng quy trình và rất chặt chẽ. Trước khi công bố công khai, chúng tôi đã tổ chức thông qua lại một lần nữa, sau đó gửi trực tiếp đến Bộ Tài chính và SCIC để thông báo cho các đơn vị này biết.

Còn kết quả xử lý như thế nào thì hiện Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục đối chiếu và xử lý các kiến nghị của chúng tôi.

Thưa ông, trong năm 2008, số tiền mà Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý chỉ hơn 11.000 tỷ đồng, song năm 2009, số tiền này đã lên trên 14.000 tỷ. Phải chăng sai phạm trong sử dụng ngân sách đang có chiều hướng tăng lên?

Thực tế con số trên không phản ánh được chính xác việc sử dụng ngân sách của các đơn vị được kiểm toán, bởi quy mô và đối tượng mà chúng tôi kiểm toán đều tăng lên hàng năm. Chẳng hạn như năm nay dự kiến quy mô kiểm toán sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2009.

Bên cạnh đó, việc Hà Nội và Tp.HCM được đưa vào diện kiểm toán hằng năm (trước đây là 2 năm/lần) vì đây là hai thành phố có đóng góp vào GDP rất lớn nên đã ảnh hưởng đến con số tuyệt đối khi Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý.