23:12 10/07/2025

Tận dụng "chất riêng" của doanh nghiệp Việt trên hành trình ESG

Như Quỳnh

Doanh nghiệp Việt đang định hình “chất riêng” trên hành trình ESG với sự thận trọng đặc trưng. Tuy nhiên, chính tâm lý dè dặt này dễ dẫn đến hệ quả trái chiều như “tẩy xanh”, “né xanh” và thiếu sẵn sàng minh bạch các báo cáo vì lo ngại trách nhiệm…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thời gian gần đây, cụm từ "ESG" – viết tắt của Môi trường (Environmental), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance) không chỉ là tâm điểm mà còn là chủ đề chính của các hội thảo, diễn đàn phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra: nhiều doanh nghiệp mạnh dạn cam kết, đầu tư cho truyền thông ESG, nhưng hành động thực chất vẫn còn hạn chế.

HÀNH TRÌNH ESG: NHIỀU CAM KẾT, ÍT HÀNH ĐỘNG?

Chia sẻ bên lề Diễn đàn ESG 2025, ông Bảo Nguyễn, Chuyên gia ESG và đồng sáng lập GT:Hub, cho rằng doanh nghiệp Việt đang có những "chất riêng" đáng chú ý như thận trọng, linh hoạt và giàu tiềm năng. Tuy nhiên, chính sự thận trọng này cũng tạo nên tâm lý e dè, dẫn đến hai xu hướng trái chiều đang tồn tại song song.

Thứ nhất là greenwashing, thổi phồng kết quả ESG nhằm đánh bóng hình ảnh.

Thứ hai là greenhushing, né tránh công bố thông tin vì lo ngại trách nhiệm hoặc phản ứng tiêu cực.

 
Chuyên gia ESG Bảo Nguyễn
Chuyên gia ESG Bảo Nguyễn

"Doanh nghiệp Việt đang có những "chất riêng" đáng chú ý như thận trọng, linh hoạt và giàu tiềm năng.

Nhưng chính sự thận trọng này cũng tạo nên tâm lý e dè, dẫn đến hai xu hướng trái chiều đang tồn tại song song như "greenwashing" ) hay "greenhushing.

Trong bối cảnh doanh nghiệp phải cùng lúc duy trì lợi nhuận, chuyển đổi số và xanh hóa, ESG không còn là yếu tố “phụ gia” mà đã trở thành một thành phần thiết yếu trong chiến lược kinh doanh".

“Thậm chí có những đại diện doanh nghiệp tham dự hàng loạt hội thảo mỗi năm, thể hiện cam kết ESG mạnh mẽ nhưng hành động thực tiễn vẫn còn mờ nhạt,” ông Bảo thẳng thắn chỉ ra.

Trong bối cảnh doanh nghiệp phải cùng lúc duy trì lợi nhuận, chuyển đổi số và xanh hóa, ESG không còn là yếu tố “phụ gia” mà đã trở thành một thành phần thiết yếu trong chiến lược kinh doanh. Đặc biệt, có thể tận dụng những điểm giao thoa giữa các mục tiêu như số hóa để giảm phát thải, hay ứng dụng kinh tế tuần hoàn để tối ưu lợi nhuận trở thành “điểm tựa” để doanh nghiệp Việt triển khai chuyển đổi hiệu quả và phù hợp với năng lực thực tế. Tuy nhiên trên thực tế, không ít doanh nghiệp Việt đang cố “đốt cháy giai đoạn”, mong muốn đạt được lợi ích tài chính hoặc truyền thông mà chưa xây dựng đủ nền tảng nội tại.

Ngoài ra, ESG không thể áp dụng theo công thức chung. Mỗi ngành, từ sản xuất, chế biến đến dịch vụ, bán lẻ đều có đặc thù riêng, đòi hỏi lộ trình riêng biệt và mức độ ưu tiên khác nhau. Thông thường, doanh nghiệp có thể tham chiếu theo khung 5 giai đoạn: Nhận thức – Tuân thủ – Danh tiếng & Niềm tin – Lợi thế cạnh tranh – Nguồn vốn xanh.

Bộ khung này đã được GT:Hub áp dụng trong việc tổ chức các “Sự kiện bền vững”, nhằm đo lường và tối ưu tác động môi trường – xã hội. Các chỉ số cụ thể được theo dõi gồm tổng lượng phát thải CO₂, mức độ bao trùm và khả năng tiếp cận của sự kiện.

“Phát triển bền vững không cần phải hoàn hảo ngay từ đầu, nhưng cần được bắt đầu từ những hành động thực chất và nhất quán,” ông Bảo nhấn mạnh.

2024-2026 SẼ LÀ THỜI ĐIỂM "VÀNG" CHO DOANH NGHIỆP VIỆT

Tại hội thảo “Phát triển thương hiệu bền vững trong một thế giới biến động” do Quỹ Sống và NAYAN tổ chức, bà Mai Thị Nguyệt Ánh, Quản lý Impact & ESG, KPMG Việt Nam, cho biết: ESG đã không còn là khái niệm xa lạ mà ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi trong chiến lược thương hiệu.

Các chính sách toàn cầu như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp (CSRD) từ EU đang tạo ra những áp lực lớn. Điều này buộc doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng nâng cấp tiêu chuẩn ESG nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu.

 
Bà Mai Thị Nguyệt Ánh, Quản lý Impact & ESG, KPMG Việt Nam
Bà Mai Thị Nguyệt Ánh, Quản lý Impact & ESG, KPMG Việt Nam

"Người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua sản phẩm, họ mua cả giá trị và câu chuyện phía sau sản phẩm. Ai ‘kể chuyện ESG’ một cách minh bạch, có số liệu và hành động cụ thể sẽ chạm được tới lòng tin – yếu tố then chốt để giữ thị phần.

Giai đoạn 2024–2026 là “thời điểm vàng” để doanh nghiệp Việt chuẩn bị trước khi các quy định quốc tế bắt đầu siết chặt. ESG không chỉ là yêu cầu tuân thủ, mà còn là đòn bẩy để tạo dựng lòng tin lâu dài với nhà đầu tư, khách hàng và đối tác".

Một khảo sát của USAID phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) cho thấy: trong ba trụ cột ESG, các doanh nghiệp Việt thực hiện tốt nhất ở lĩnh vực xã hội (68%), tiếp đến là quản trị (63%) và thấp nhất là môi trường (52%).

“Dù bắt đầu, nhưng nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận ESG một cách chuyên nghiệp. Điển hình là nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã triển khai kiểm toán ESG và xây dựng quy trình quản trị bền vững bài bản. Đánh dấu sự chuyên nghiệp hoá trong việc tiếp cận chủ đề này” bà Ánh chia sẻ.

Tuy vậy, thách thức cũng không ít như việc thiếu nguồn lực, nhân sự chuyên trách, chi phí cao, và dữ liệu còn phân mảnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi triển khai đồng bộ. Đối với nguy cơ "greenwashing", việc rời rạc trong phối hợp nội bộ và thiếu minh bạch sẽ để xảy ra nếu không có đơn vị kiểm chứng độc lập.

Theo bà Ánh, giai đoạn 2024–2026 là “thời điểm vàng” để doanh nghiệp Việt chuẩn bị trước khi các quy định quốc tế bắt đầu siết chặt. ESG không chỉ là yêu cầu tuân thủ, mà còn là đòn bẩy để tạo dựng lòng tin lâu dài với nhà đầu tư, khách hàng và đối tác.

Giải pháp mà KPMG đề xuất là tích hợp ESG vào toàn bộ chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chuỗi cung ứng, truyền thông. Thay vì “làm tất cả cùng lúc”, doanh nghiệp nên chọn mức độ ưu tiên rõ ràng, triển khai theo lộ trình, vừa tối ưu chi phí vừa duy trì hiệu quả kinh doanh.

Một điểm đáng chú ý là nguồn lực bên ngoài hiện đang sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp – từ tài chính xanh, ưu đãi thuế đến hỗ trợ kỹ thuật từ chính phủ và các tổ chức quốc tế.

“Người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua sản phẩm, họ mua cả giá trị và câu chuyện phía sau sản phẩm. Ai ‘kể chuyện ESG’ một cách minh bạch, có số liệu và hành động cụ thể sẽ chạm được tới lòng tin – yếu tố then chốt để giữ thị phần,” bà Ánh nói.

BỐN NGHỊ QUYẾT TRỤ CỘT: HÀNH LANG CHÍNH SÁCH CHO DOANH NGHIỆP VIỆT

Từ góc độ chính sách, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), đã chỉ ra bốn Nghị quyết trụ cột đang tạo hành lang pháp lý và động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam:

Thứ nhất, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân: Đây là nền tảng để mở ra một tương quan mới cho doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, tạo động lực phát triển nội lực.

Thứ hai, Nghị quyết 57 về đột phá khoa học, công nghệ: Thúc đẩy nội lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số – xanh, đồng thời tích hợp chính sách ưu đãi tài chính xanh.

Thứ ba, Nghị quyết 66 về cải cách thể chế và xây dựng pháp luật hiện đại: Vừa trao quyền vừa ràng buộc trách nhiệm cho địa phương, giúp giảm gánh nặng thủ tục và tăng tốc triển khai.

Thứ tư, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế: Đưa hội nhập trở thành động lực chiến lược, giúp doanh nghiệp Việt tự tin bước vào sân chơi toàn cầu với tiêu chuẩn ESG ngày càng khắt khe.

“Trong đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa hai Nghị quyết 66 và 68 sẽ tạo cú hích thể chế, giảm rào cản hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân ‘cất cánh’. Hiện đã có 34 doanh nghiệp thí điểm được trao quyền và gắn với trách nhiệm tăng trưởng, với những kết quả đáng ghi nhận”, bà Thủy nhấn mạnh.

ESG không phải là đích đến, mà là hành trình dài hơi. Trong hành trình đó, “chất riêng” của doanh nghiệp Việt như thận trọng nhưng linh hoạt, sáng tạo nhưng thực dụng có thể trở thành lợi thế chiến lược nếu đi kèm với hành động quyết liệt như thực hiện và công khai các báo cáo số liệu rõ ràng.

Việc kết hợp chính sách quốc gia, cam kết quốc tế, cùng sự đổi mới từ bên trong chính mỗi doanh nghiệp sẽ quyết định khả năng bứt phá. ESG, một cách thực chất, không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là nền tảng để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trên trường quốc tế.