14:51 10/02/2021

Tận dụng lực đẩy từ các FTA

Nguyễn Mạnh

Tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh và thu hút đầu tư; hoạt động xuất nhập khẩu không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua

Dự báo năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ còn nhiều khó khăn cho hoạt động thương mại quốc tế của các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Song người đứng đầu ngành công thương tin tưởng, với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế kiên định, uyển chuyển của đất nước thông qua việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng tốc.

Xin cho biết nhận định của Bộ trưởng khái quát về kết quả xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020?

Năm 2020, dù đối mặt với những khó khăn thách thức lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, cũng như tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi xung đột thương mại giữa các quốc gia lớn trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt kết quả tăng trưởng khả quan. Điều này đã thể hiện khả năng thích ứng của các doanh nghiệp khi phải khắc phục cả vấn đề đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tìm kiếm các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu khi cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu truyền thống sụt giảm. Ngoài ra, các biện pháp điều hành và giải pháp tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ đã phát huy tác dụng rõ rệt.

Đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Năm 2020, xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Kết quả này một phần nhờ vào các FTA mới được ký kết và thực thi bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên mà trước đó chưa có FTA với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%. Còn đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), kể từ khi có hiệu lực tính đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi hiệp định được đưa vào thực thi là rất khả quan.

Dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh và thu hút đầu tư; hoạt động xuất nhập khẩu không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua.

Thưa Bộ trưởng, năm 2020, EVFTA chính thức có hiệu lực; đồng thời Việt Nam cũng đã ký kết RCEP và UKVFTA... Những hiệp định này có ý nghĩa như thế nào đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam?

EVFTA là một FTA thế hệ mới, mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam. Riêng đối với thương mại hàng hóa, EVFTA với lộ trình cam kết cắt giảm thuế còn tiếp tục trong các năm tới sẽ có tác động ngày càng lớn đến thúc đẩy tăng trưởng XNK của Việt Nam sang EU.

EU hiện là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, xếp ngay sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này bao gồm hàng dệt may, giày dép các loại và các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Các ngành này sẽ được giảm thuế tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn ngay khi cam kết có hiệu lực.

Kể từ khi có hiệu lực, EVFTA đã trở thành cú hích rất lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Từ tháng 8/2020, mặc dù diễn biến dịch bệnh tại EU và các nước trên thế giới rất phức tạp, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn liên tục ghi nhận mức tăng cao. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU các tháng 8, 9, 10/2020 lần lượt đạt 3,25 tỷ USD, 3,07 tỷ USD và 3,3 tỷ USD, tăng 4,2%, 8,7% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2019...

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại EVFTA được duy trì, thương mại hàng hóa không bị gián đoạn. Hiệp định song phương này là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo thuận lợi hóa thương mại, giảm chi phí giao dịch sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tham gia RCEP, phát triển chuỗi sản xuất nội khối sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp được tham gia sâu vào chuỗi sản xuất khu vực. Về lâu dài, RCEP sẽ giúp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, đưa cán cân thương mại tổng thể càng gia tăng về phía xuất siêu.

Vậy, xin Bộ trưởng cho biết, chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra sẽ như thế nào?

RCEP được ký kết giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác vào tháng 11/2020. Về cơ bản, RCEP sẽ không gây ra cú sốc về giảm thuế quan so với các FTA ASEAN + 1 đã được ký kết. Tuy nhiên, RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường XK ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo RCEP tạo ra một thị trường trao đổi hàng hóa ổn định dài hạn cho các nước thành viên.

Dưới góc độ sản xuất, việc các nước thành viên sẽ sử dụng một bộ quy tắc xuất xứ duy nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, đặc biệt đối với việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất từ nội khối.

Cụ thể, RCEP cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối. Theo đó, doanh nghiệp của các nước thành viên có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ không những từ các nước ASEAN mà còn có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước đối tác ASEAN như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc trong quá trình sản xuất. Đây được coi là điểm mở rộng hơn so với các FTA ASEAN+1.

Một chuỗi cung ứng bền vững, hiệu quả sẽ tạo ra tiền đề quan trọng, nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp với các biến động khó lường của hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu.

Năm 2021, xuất khẩu tiếp tục sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế đất nước. Bộ trưởng nhận định như thế nào về triển vọng xuất khẩu trong năm tới?

Bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được khắc phục hoàn toàn trong ngắn hạn. Các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong trạng thái "bình thường mới", xuất khẩu năm 2021 vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro tiềm tàng. Tuy nhiên, sang năm 2021, xuất khẩu của ta có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực. Các FTA thế hệ mới CPTPP và EVFTA đã trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà ta có lợi thế sang thị trường các nước thành viên. Đặc biệt, nếu tình hình dịch bệnh ở châu Âu khả quan hơn nhờ hiệu quả của việc sử dụng vacxin trong tiêm chủng phổ thông thì cơ hội này càng trở nên rõ rệt.

Ngoài ra, năm 2021 cùng kỳ vọng sự dịch chuyển luồng đầu tư của các doanh nghiệp FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Bộ Công Thương bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên và cũng thông qua hệ thống Thương vụ, cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thị trường, đặc biệt là tình hình phòng chống dịch Covid-19 ở các thị trường đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam để kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc chủ động triển khai các biện pháp để tận dụng cơ hội thị trường, giảm thiểu khó khăn, tác động bất lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.