08:47 22/03/2024

Tân Hoàng Minh nộp thừa tiền, nhà đầu tư có thể nhận lãi không?

Đỗ Mến

Trong quá trình xét xử, một công ty con của Tân Hoàng Minh nộp thêm tiền thực hiện theo lời hứa của Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Dũng. Vậy các nhà đầu tư có thể nhận thêm khoản tiền lãi trước hạn không?

Các nhà đầu tư đăng ký tham dự phiên tòa.
Các nhà đầu tư đăng ký tham dự phiên tòa.

Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh diễn ra từ ngày 19/3 và xoay quanh vấn đề trách nhiệm dân sự.

Hiện nay, có 2 luồng ý kiến của nhà đầu tư, một là mong muốn nhận lại tiền đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc; hai là mong muốn nhận lại tiền gốc và lãi.

GIẢI QUYẾT TIỀN LÃI THEO QUY ĐỊNH VỀ GIAO DỊCH VÔ HIỆU

Trong khi đó, quá trình xét hỏi ngày 20/3, ông Đỗ Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh) thừa nhận khắc phục hơn 8.600 tỷ đồng và có nộp thừa hơn 1 tỷ đồng.

Liên quan đến ý kiến đề nghị xin nhận lại tiền lãi trong suốt thời gian qua của nhiều bị hại, cựu chủ tịch Tân Hoàng Minh cho biết với những khoản tiền lãi phát sinh của các hợp đồng đến hạn trước khi ông bị bắt, ông xin nhận trách nhiệm trả số tiền này.

Với khoản lãi sau đó (sau khi bị bắt) thì ông Dũng nói: “Tôi tôn trọng phán quyết của Hội đồng xét”.

Đến chiều 21/3, một công ty thuộc Tân Hoàng Minh đã nộp 2 tỷ đồng vào Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để khắc phục thêm hậu quả trong vụ án.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Tại phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhận định đối với yêu cầu của các bị hại về việc trả lại số tiền gốc trong hợp đồng mua bán trái phiếu, đây là số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt thông qua hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên có căn cứ để chấp nhận.

Riêng với yêu cầu về tiền lãi trái phiếu và lãi chậm trả, việc phát hành 9 lô trái phiếu và bán cho nhà đầu tư của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là trái quy định pháp luật nên phải thu hồi và tiêu hủy theo quy định. Do đó, hợp đồng mua bán giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Tân Hoàng Minh là vô hiệu, cần giải quyết theo quy định về giao dịch vô hiệu.

Từ những căn cứ trên, đại diện Viện kiểm sát xác định các bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng.

Đối với số tiền hơn 8.600 tỷ đồng do cơ quan tố tụng tạm giữ và các bị cáo nộp khắc phục, căn cứ khoản 2 điều 47 và khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử lý để bồi thường cho các bị hại.

Với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng còn thừa, do các bị cáo và cơ quan, tổ chức liên quan nộp, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Về trách nhiệm hình sự, Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng mức án 9-10 năm tù, Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, con trai bị cáo Dũng) 5-6 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24 tháng – 5 năm tù.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Đỗ Anh Dũng là người điều hành, chỉ đạo, quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh tế tại Công ty Tân Hoàng Minh và hệ thống các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Bị cáo đã thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ; đồng ý, phê duyệt các nội dung như chọn công ty phát hành, giá trị dự kiến phát hành, tài sản đảm bảo, lãi suất, sử dụng Công ty Tân Hoàng Minh mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, thương hiệu Tân Hoàng Minh bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư.

Ông Dũng đã cho thành lập Trung tâm Kinh doanh trái phiếu thuộc Tân Hoàng Minh để ký hợp đồng, thủ tục bán trái phiếu, huy động tiền của người mua trái phiếu.

Hàng ngày số liệu thu - chi từ việc phát hành trái phiếu đều được báo cáo cho Đỗ Anh Dũng qua Trung tâm Tài chính kế toán và Văn phòng Chủ tịch, Tổng Giám đốc để biết, chỉ đạo điều hành.

Bị cáo Đỗ Hoàng Việt là người đề xuất chủ trương phát hành trái phiếu, trực tiếp điều hành, chỉ đạo việc lập hồ sơ phát hành, hợp thức báo cáo tài chính, chỉ đạo ký hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, bán trái phiếu…

Theo Viện kiểm sát, các bị cáo đã lấy danh nghĩa của Tân Hoàng Minh để khiến các bị hại mua trái phiếu rồi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn (hơn 8.600 tỷ đồng) của các nhà đầu tư. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.

LUẬT SƯ ĐỀ CẬP ĐẾN CHẾ ĐỊNH PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT

Bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) gửi lời chia sẻ với những khó khăn, vất vả và cả những thiệt thòi của các bị hại kể từ thời điểm vụ án khởi tố đến nay.

Luật sư Giang Hồng Thanh bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng.
Luật sư Giang Hồng Thanh bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng.

Luật sư Giang Hồng Thanh khẳng định, chủ trương của pháp luật trong việc xử lý các tội danh liên quan đến xâm phạm sở hữu hoặc liên quan đến kinh tế, chính là giảm nhẹ tối đa đối với những người đã khắc phục triệt để hậu quả. Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát cân nhắc, áp dụng chế định phạm tội chưa đạt (nếu xác định có tội) đối với bị cáo Dũng.

Còn luật sư Nguyễn Anh Tú, bào chữa cho bị cáo Đỗ Hoàng Việt cho rằng, bị cáo Việt và bị cáo Dũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: bị hại xin giảm án cho bị cáo, nỗ lực khắc phục hậu quả nhanh, triệt để, toàn diện với số tiền đặc biệt lớn.

Luật sư cho rằng, trong vụ án này, có 2 điều đặc biệt là số lượng bị hại lớn, số lượng bị hại xin giảm án cũng đặc biệt lớn, hàng trăm bị hại đội mưa đến tòa cũng xin giảm án cho bị cáo trong vụ án.

Tiếp đến là số tiền chiếm đoạt nhiều lần, đặc biệt lớn và công cuộc khắc phục số tiền đó được thực hiện trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Điều đó khẳng định nỗ lực về mặt ý thức, chủ quan của tội phạm. Nhìn sâu hơn nữa là cả ý thức của bị cáo và bị hại.

Theo luật sư, do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ nên các bị cáo đã vi phạm vào các quy định của pháp luật… Đây cũng là bài học đắt giá của những doanh nhân chưa hiểu sâu sắc pháp luật.

Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc xem xét, áp dụng mức án đối với bị cáo Việt thấp hơn mức án mà Viện kiểm sát đề nghị.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng chỉ xin Hội đồng xét xử cho được hưởng mức án phù hợp.