16:50 15/04/2024

Tăng cường tuần tra trên biển, xử phạt tàu cá vi phạm, quyết gỡ “thẻ vàng” IUU

Chu Khôi

Thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), lực lượng kiểm ngư đã tăng cường số lượt tàu tuần tra, tập trung vào việc kiểm soát các hành vi sai phạm trong khai thác thủy sản. Cùng với tuần tra trên biển, kiểm ngư cũng đã quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình, từng bước giảm dần, tiến đến chấm dứt hoàn toàn các hành vi vi phạm…

Tàu kiểm ngư tuần tra trên biển.
Tàu kiểm ngư tuần tra trên biển.

Ngày 15/4/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức tiến đã chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến: “Kiểm ngư Việt Nam 10 năm đồng hành cùng ngư dân, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững”.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ PHẠT TÀU CÁ VI PHẠM

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết lực lượng Kiểm ngư Việt Nam chính thức ra mắt tại Đà Nẵng vào ngày 15/4/2014. Sau 10 năm hoạt động, tổ chức bộ máy kiểm ngư ở Trung ương và địa phương ven biển đã được hình thành, củng cố.

Hiện cả nước có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển hình thành tổ chức kiểm ngư. Lực lượng kiểm ngư đã khẳng định được vị trí và thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển, chống khai thác IUU; đồng hành, hỗ trợ ngư dân, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Quang Hùng: "Lực lượng kiểm ngư tăng cường số lượt tàu tuần tra, tập trung vào việc kiểm soát các hành vi sai phạm trong khai thác thủy sản".
Ông Nguyễn Quang Hùng: "Lực lượng kiểm ngư tăng cường số lượt tàu tuần tra, tập trung vào việc kiểm soát các hành vi sai phạm trong khai thác thủy sản".

“Từ năm 2017, gắn với việc chống khai thác IUU, lực lượng kiểm ngư tăng cường số lượt tàu tuần tra, tập trung vào việc kiểm soát các hành vi sai phạm trong khai thác thủy sản; phối hợp với các lực lượng khác ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; quan sát, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, đặc biệt là tàu cá tại vùng biển vịnh Bắc Bộ, Tây Nam bộ”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết trong 10 năm, lực lượng kiểm ngư thực hiện hơn 400 lượt tàu tuần tra; đã quan sát và phát hiện hơn 65.000 lượt tàu (trong đó tàu cá nước ngoài là trên 1.000 lượt chiếc) có biểu hiện vi phạm. Qua đó, đã xử phạt hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hơn 11.000 lượt tàu; lập biên bản cảnh báo và xua đuổi, phóng thích nhiều lượt tàu có nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Lực lượng kiểm ngư cũng đã theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình, từng bước giảm dần các hành vi vi phạm khi thác IUU. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư đã hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn hàng trăm tàu cá gặp nạn, cứu vớt hàng nghìn ngư dân trên biển. Đặc biệt, lực lượng kiểm ngư đã kịp thời có mặt tại thực địa, phối hợp với các lực lượng khác tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam và thực thi pháp luật trên biển.

Từ 1/10/2023 đến 30/3/2024, việc xử lý tình trạng tàu cá 24 mét trở lên vi phạm mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển đạt một số kết quả tích cực.

Cụ thể, đã phát hiện, thông báo 115 lượt tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển đã giảm 327 lượt tàu so với tại thời điểm thanh tra lần thứ 4 (442 lượt tàu). Trong đó đã xử phạt 13 lượt tàu/2.758.500.000 đồng; đã xác minh, không đủ cơ sở xử phạt 48 lượt tàu; đang xác minh 54 lượt tàu. Cùng với đó, đã phát hiện, thông báo 2.200 lượt tàu cá mất kết nối trên 6 giờ trên biển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Về tổ chức thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, ông Cường cho hay đã thực hiện nghiêm quy định giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, kể cả các cảng cá, bến cá tư nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tập trung vào khối tàu từ 15 mét trở lên, các loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm và tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Toàn bộ dữ liệu về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đã được, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng hàng ngày tại cảng cá đã được liên tục cập nhật trên Googlesheet, để phái đoàn kiểm tra của EC tiện theo dõi.

 

"Hiện đã thí điểm triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) từ tháng 1/2024: đã cấp tài khoản cho 79.747 tàu cá, 147 cảng cá, 172 đồn biên phòng, 28 Chi cục thủy sản và 89 nhà máy chế biến, doanh nghiệp". 

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư.

Đã triển khai có hiệu quả Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng tại 14 cảng biển chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng: Từ tháng 10/2023 đến ngày 15/3/2024 đã xác nhận 394 lô hàng/8.995 tấn của 15 loài thủy sản khai thác nhập khẩu. Hiện chưa nhận được phản ánh, vướng mắc liên quan đến các lô hàng xác nhận. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ “rửa cá kiếm” theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4.

Đối với hợp tác quốc tế, đến nay Kiểm ngư Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với một số nước như: Trung Quốc, Philippin, Brunei; đang tiến hành đàm phám ký kế thỏa thuận, quy chế đường dây nóng với Thái Lan, Indonessia, Camphuchia.

SỚM HOÀN THIỆN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG KIỂM NGƯ

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế, như lực lượng kiểm ngư mới được hình thành và xây dựng chưa đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương; cơ sở vật chất, kỹ thuật hậu cần phục vụ hoạt động của đội tàu kiểm ngư còn hạn chế (đặc biệt là kiểm ngư địa phương).

Trong khi đó, hạ tầng hệ thống thông tin kiểm ngư chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác chỉ huy điều hành. Nguồn lực kinh phí bố trí cho các mục tiêu, nhiệm vụ về kiểm ngư, chống khai thác IUU, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra; công tác quản lý tàu cá, đặc biệt là kiểm soát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Một trong những khó khăn hiện nay của lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương là tuy hoạt động, tuần tra ngày đêm trên biển, trong điều kiện sóng, gió rất khó khăn, vất vả, nhưng chế độ, chính sách còn hạn chế, chưa đảm bảo cuộc sống. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm, có chế độ, chính sách phù hợp để cán bộ lực lượng kiểm ngư yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao”, ông Hùng đề nghị.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Đã gần 7 năm nhưng thẻ vàng IUU chưa gỡ được, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và vị thế quốc tế của Việt Nam".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Đã gần 7 năm nhưng thẻ vàng IUU chưa gỡ được, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và vị thế quốc tế của Việt Nam".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: “Kiểm ngư có vai trò rất quan trọng, cùng với các lực lượng khác như hải quân, cảnh sát biển, biên phòng… đã tạo dựng được môi trường pháp lý an toàn cho bà con ngư dân khai thác, đảm bảo sản lượng khai thác thủy sản năm nào cũng đạt 46-48% tổng sản lượng thủy sản, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Hơn nữa, kiểm ngư cùng các lực lượng khác cũng đã góp phần quan trọng trọng việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.  

 

"Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới. Thủy sản Việt Nam hiện có mặt trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để hội nhập sâu rộng, thực hiện cũng như phát huy các hiệp ước thương mại mới, chúng ta cần phải gỡ thẻ vàng".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ ngày 23/10/2017, EC đã đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" về chống khai thác IUU với Việt Nam, nhưng gần 7 năm qua, chúng ta vẫn chưa gỡ được, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Vì vậy, Thứ trưởng đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ thời gian tới cho Cục Kiểm ngư, cần tích cực và cố gắng hơn nữa trong công tác tháo gỡ “thẻ vàng” IUU; sớm hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện hệ thống kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương; tập trung vào công tác bảo tồn, cả trên biển và cả nội đồng; tham gia Hiệp định về đàn cá di cư, Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng…