Tăng điểm nhờ cổ phiếu trụ, công ty chứng khoán nhận định gì?
Thị trường tăng hơn 8 điểm trong phiên hôm nay, tuy nhiên cây nến với bóng nến trên dài cho thấy thị trường còn lưỡng lự trước ngưỡng kháng cự quanh vùng 1.290...
VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 31/8/2022.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, VN-Index đóng cửa ở mức 1279,39 điểm, tăng 8,59 điểm – tương đương tăng 0,68%. Ngược lại, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 1,68 điểm – tương đương giảm 0,57%, đóng cửa ở mức 293,86 điểm.
Vẫn giữ vị thế quan sát phiên cuối tuần
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)
“Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm giữ vị thế quan sát thị trường trong phiên cuối tuần. Nhà đầu tư vẫn nên tận dụng các nhịp thị trường hồi phục tăng điểm để thực hiện bán giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp.
Nhóm ngành tăng giá: bán lẻ chung, dầu khí, vận tải kho bãi, ga nước và các tiện ích khác.
Nhóm ngành tích lũy tích cực: phần mềm và dịch vụ điện toán, sản xuất thực phẩm, truyền thông.
Nhóm ngành hồi phục sau pha giảm: hóa chất, bảo hiểm”.
Thanh khoản yếu, VN-Index có thể sẽ test lại ngưỡng 1.271-1.275
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Thị trường tăng hơn 8 điểm trong phiên hôm nay, tuy nhiên cây nến với bóng nến trên dài cho thấy thị trường còn lưỡng lự trước ngưỡng kháng cự quanh vùng 1,290. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 9/19 ngành tăng điểm, và nhóm Ngân hàng đóng vai trò trụ đỡ trong phiên hôm nay.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng trên sàn HNX. Phiên tăng điểm hôm nay có thanh khoản khá yếu, do vậy trong những phiên tới VN-Index có thể sẽ trở lại test ngưỡng 1.2701-1.275".
VN-Index vẫn duy trì tích lũy trong vùng 1.260 điểm -1.285 điểm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"Tiếp xu hướng phục hồi của phiên trước VN-Index tăng điểm quay lại vùng giá 1.285 điểm -1.290 điểm. Kết phiên VN-Index tăng 0,68% lên mức 1.279,39 điểm với khối lượng suy giảm dưới mức trung bình. Một phần có thể do tâm lý nhà đầu tư trước kỳ nghĩ lễ Quốc Khánh sắp đến.
VN-Index vẫn duy trì tích lũy trong vùng 1.260 điểm -1.285 điểm, với độ rộng tích cực khi duy trì những cơ hội sinh lợi ngắn hạn luân chuyển trong thị trường, tập trung gia tăng ở nhóm cao su, mía đường, nước, ngân hàng. Kỳ vọng trong phiên giao dịch cuối tháng 08/2022 VN-Index sẽ tiếp tục phục hồi hướng đến 1.285 điểm -1.290 điểm.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì. Nhà đầu tư tỉ trọng hợp lý có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong quý III/2022, báo cáo quý II/2022 duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và đang thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng".
Nhìn chung dòng tiền vẫn đang thận trọng trước ngưỡng 1.300
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
"Một số cổ phiếu lớn đã tích cực hỗ trợ thị trường lấp thành công khoảng gap vào đầu phiên 29/8 vừa qua, tuy nhiên, tâm lý giao dịch tích cực không lan tỏa ra các cổ phiếu còn lại. Do đó, thị trường phải lùi lại từ vùng cản. Nhìn chung dòng tiền vẫn đang thận trọng trước áp lực của vùng cản.
Dự kiến, thị trường sẽ tiếp tục giằng co và kiểm tra cung cầu trong phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý khả năng suy yếu của thị trường trước vùng cản 1.280 – 1.300 điểm của VN-Index. Do vậy, Quý Nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua đuổi. Đồng thời nên cân nhắc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, do áp lực từ vùng cản đối với thị trường vẫn đang hiện hữu".
VN-Index vẫn đang phải đối mặt với rủi ro
(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)
“VN-Index tăng điểm tích cực trong phiên trước khi dần suy yếu và đánh mất một phần thành quả đạt được về cuối phiên. Vùng cản gần quanh 128x đã cho phản ứng khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên. Mặc dù cơ hội mở rộng đà hồi phục của chỉ số vẫn hiện hữu, VN-Index vẫn đang phải đối mặt với rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn nếu áp lực phân phối tiếp tục gia tăng trong những phiên tới.
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro”.
Thị trường vẫn trong giai đoạn tích luỹ, VN-Index khó vượt qua vùng 1.260-1.285
(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)
“Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ còn biến động trong vùng 1,260 – 1,285 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index khó có thể vượt hoàn toàn vùng 1,260 – 1,285 điểm. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang bi quan với diễn biến thị trường hiện tại và rủi ro mua mới vẫn ở mức cao.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu danh mục để giảm tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế mua mới”.
Rủi ro vẫn đang lớn hơn so với cơ hội kiếm lợi nhuận
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)
"Tiếp diễn nỗ lực hồi phục từ cuối phiên hôm qua, chỉ số tiếp tục tăng điểm trong phiên hôm nay nhưng đà tăng đã chậm lại. Áp lực bán xuất hiện trong phiên chiều sau khi lấp xong gap giảm trước đó ở phiên sáng làm chỉ số thu hẹp đà tăng vào cuối ngày. Nhiều nhóm ngành sau phiên phục hồi tích cực đã có tín hiệu quay đầu giảm điểm trở lại vào cuối ngày hôm nay. Các nhóm ngành tăng điểm nổi bật là BĐS – KCN, một số cổ phiếu ngân hàng và thực phẩm. Ngược lại nhóm BĐS, chứng khoán và bán lẻ chịu áp lực giảm điểm.
VN-Index kết phiên ở 1,279.39 điểm (+8.59 điểm) và VN30 đóng cửa ở 1,298.14 điểm (+4.89 điểm). Thanh khoản giao dịch giảm trở lại do áp lực nghỉ lễ sắp tới và thanh khoản khớp lệnh trực tiếp trên HOSE chỉ đạt quanh mức 12,200 tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường chưa quá tích cực khi số mã tăng điểm chỉ chiếm 43%; số mã đi ngang chiếm 17% và vẫn có 40% số cổ phiếu giảm điểm. Khối nhà đầu tư ngoại bán ròng rất nhẹ với quy mô hơn 14 tỷ đồng trên sàn HOSE tập trung vào các cổ phiếu: TLG; PHR; DGC; VIC; VNM …Ở chiều ngược lại, họ mua ròng nhẹ ở các cổ phiếu: PVD; VHM; GAS; CTG; DXG…
Với cây nến Inverted hammer ngày hôm nay cho thấy áp lực chốt lời do tâm lý nghỉ Lễ đã diễn ra nhưng chưa quá mạnh khi thị trường vẫn duy trì tăng điểm. Theo chúng tôi, đây là điều khó tránh khỏi bởi dòng tiền đầu cơ luôn nhanh nhạy và không ai có thể dự báo các vấn đề trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Các chỉ số và nhiều cổ phiếu vốn đã hồi phục tốt trong một tháng qua và khi gặp điều kiện bất lợi người cầm cổ phiếu sẽ chọn phương án an toàn. Nhiều nhóm ngành hôm qua hồi phục rất tốt nhưng trong phiên hôm nay đã gặp áp lực chốt lời và đã quay đầu giảm điểm trở lại như BĐS hay chứng khoán. Tại vùng giá hiện tại, rủi ro vẫn đang lớn hơn so với cơ hội kiếm lợi nhuận nên quan điểm của chúng tôi là tiếp tục chờ đợi thời điểm giải ngân".
Khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục tăng điểm ở phiên trước kỳ nghỉ
(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB - MBS)
“Thị trường trong nước bật tăng trở lại, nối tiếp đà phục hồi trong phiên chiều qua. Đà tăng có sự dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE giảm còn 12.214 tỷ đồng so với phiên bùng nổ hôm qua 18.807 tỷ đồng.
Thị trường bật tăng trở lại nối tiếp đà hồi phục gần 22 điểm ở phiên chiều qua, bên cạnh đó chứng khoán thế giới “xanh mướt” cũng hỗ trợ đà đi lên của thị trường trong nước trong phiên hôm nay. Việc thanh khoản giảm không phải là tín hiệu đáng ngại khi thị trường chỉ còn giao dịch phiên ngày mai nữa là nghỉ lễ dài ngày, nhà đầu tư cũng giảm giao dịch để hạn chế rủi ro thông tin tác động từ bên ngoài hoặc giảm phí margin trong,…
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã lấp xong GAP giảm ở phiên hôm qua, thị trường đi lên nhờ các cổ phiếu trụ dẫn dắt khi thanh khoản thấp cũng là tín hiệu tích cực lúc này. Do vậy, khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục tăng điểm ở phiên trước kỳ nghỉ với thanh khoản thấp, dòng tiền sẽ tiếp tục luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, dầu khí, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán…”
VN-Index nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ
(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI –SSI)
“Tiếp tục hồi phục theo quán tính từ phiên liền trước, chỉ số VN-Index có thời điểm bao phủ lại toàn bộ diện tích của khoảng trống giảm giá (Gap-down) đầu tuần và chớm vượt kháng cự 1.285 điểm. Tuy nhiên trước áp lực cung chốt lời vẫn gia tăng từ vùng giá cao, chỉ số VN-Index lùi lại đóng cửa tại 1.279,4 điểm (+0,7%). Khối lượng thu hẹp so với phiên liền trước cũng như bình quân 20 phiên, đạt hơn 450 triệu cổ phiếu do tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ.
Trong các phiên tới, nếu chỉ số VN-Index chinh phục lại thành công kháng cự 1.285 điểm, đà hồi phục trên chỉ số vẫn sẽ được duy trì.
Ngược lại nếu điều chỉnh từ vùng cản này, nhiều khả năng chỉ số sẽ phải kiểm định vùng hỗ trợ 1.250 điểm.”.
Dự báo, VN-Index có thể xuất hiện nhịp giảm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)
“Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn các chỉ số phân hóa mạnh. Trong khi VN-Index tạm cải thiện tín hiệu lên Tích cực thì tín hiệu của VNSmallcap lại chuyển xuống Tiêu cực tương tự HNX-Index còn VN30, VNMidcap vẫn giữ trạng thái Trung tính.
Dự báo trong phiên hôm ngày mai, các chỉ số có thể xuất hiện nhịp giảm trong phiên sáng để VN-Index kiểm định lại hỗ trợ MA10 tại 1275 điểm trong khi những VN30, VNMidcap kiểm định lại hỗ trợ MA20 ngày ở vùng giá thấp.
Nếu lực bán ra không mạnh và được hấp thụ tốt bởi lực cầu, thị trường với đại diện là VN-Index có thể hồi phục trở lại sau đó để kiểm định kháng cự MA5 tại 1280 điểm. Nếu có thể đóng cửa trên mốc này với KLGD cải thiện, chỉ số sẽ phát tín hiệu tăng lên vùng 1300-1310 điểm. Ngược lại, nếu lực bán tiếp tục chiếm ưu thế vào cuối ngày, khiến VN-Index đóng cửa dưới 1275 điểm còn VN30, VNMidcap đóng cửa dưới đường MA20, sắc xuất đảo chiều giảm điểm của thị trường sẽ gia tăng lên mức cao hơn”
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.