Tăng tốc giải ngân 290.000 tỷ, giữ vững chất lượng!
6 cơ quan trung ương dậm chân tại điểm xuất phát, tiền cất trong két nhưng chưa thể phân bổ. 2/3 số vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương trên 290.000 tỷ đồng cần phải giải ngân trong giai đoạn nước rút...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2021, các bộ, ngành địa phương đã phân bổ gần hết số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 đã được giao. Cụ thể, tổng số vốn đã phân bổ là 465.559,03 tỷ đồng, đạt 100,92% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (461.300 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tình hình thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7 mới đạt 169.335,05 tỷ đồng, như vậy, giải ngân vốn kế hoạch năm 2021 mới đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn gần 4% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp, đạt 7,52%, thấp hơn cùng kỳ gần 10%.
"ĐIỂM MẶT" CÁC ĐƠN VỊ CHẬM GIẢI NGÂN
Ngoại trừ 16.000 tỷ đồng vốn chương trình Mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước là 588.652,19 tỷ đồng, bao gồm 70.677,727 tỷ đồng kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2021 và 517.974,47 tỷ đồng kế hoạch vốn giao trong năm 2021. Về kế hoạch vốn đã triển khai phân bổ chi tiết, tổng số vốn đã phân bổ là 465.559,03 tỷ đồng, đạt 100,92% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.
"Tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm 2021 đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 ở mức 40,67%. Trong đó, vốn trong nước đạt 40,38% trong khi cùng kỳ đạt 44,05%; vốn nước ngoài đạt 7,52% trong khi cùng kỳ là 17,15%.
Bộ Tài chính.
Do một số địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng 56.674,47 tỷ đồng, nên dù đã phân bổ vốn trên 100%, nhưng đến nay, vẫn còn tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 52.415 tỷ đồng, chiếm 11,36% kế hoạch. Có đến 34 bộ và 39 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Một số địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: An Giang 43,33%, Cần Thơ 40,55%...
Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/7 là 199.008,7 tỷ đồng, đạt 33,81% kế hoạch. Đáng chú ý, xét riêng giải ngân vốn kế hoạch năm 2021, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/7 là 169.335,05 tỷ đồng.
Hiện có 11 Bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch. Còn lại, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
34/50 bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25% như Bộ Thông tin và Truyền thông 0,40%, Đại học Quốc gia TP. HCM 0,56%, Ban quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam 0,95%, Đài Truyền hình Việt Nam 1,17%.
Đáng chú ý, có 6 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn, gồm: Ủy ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Điểm lại tình hình thực hiện và giải ngân hai dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Tài chính đều lo trễ tiến độ.
Thứ nhất, với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, luỹ kế vốn đã bố trí cho dự án từ năm 2018-2020 là 22.855,035 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến nay, dự án đã giải ngân 10.690 tỷ đồng, đạt 46,77% kế hoạch đã giao. Trong đó, kế hoạch năm 2021 mới giải ngân đạt 835,674 tỷ đồng, đạt 17,93%.
Thứ hai, đối với dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, số giải ngân đến ngày 22/7 là 6.929,425/14.937,84 tỷ đồng, đạt 46,4% kế hoạch năm 2021 được giao, 10/11 đoạn tuyến đã được triển khai.
Cụ thể, đoạn Cam Lộ - La Sơn được rót hoàn toàn vốn đầu tư công có khả năng không hoàn thành đúng kế hoạch năm 2021 do một số nguyên nhân, như bão lũ khu vực miền Trung năm 2020, dịch Covid-19 kéo dài dai dẳng, khó khăn trong nguồn vật liệu đất đắp và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đối với những đoạn phải xử lý nền đất yếu.
Đối với ba dự án được chuyển đổi theo Nghị quyết số 117/2020/QH14, đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, tiến độ thực hiện các gói thầu đến nay chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu đất đắp nền đường.
"TẠI BỆNH", TĂNG TỐC VỀ ĐÍCH
Trao đổi tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng bày tỏ sự lo lắng khi bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện một số dự án còn phải dừng thi công do cán bộ, công nhân phải cách ly tập trung, như cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu...
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi chậm giải ngân vì đại dịch Covid diễn biến dai dẳng, mà nhiều năm qua, “căn bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế.
Truy tìm căn nguyên của “căn bệnh” này, Bộ Tài chính nhiều lần chỉ rõ do chậm triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư. Một số nơi còn chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngoài ra, vướng mắc khác liên quan đến quá trình thi công là do giá vật liệu xây dựng tăng cao so với thời điểm duyệt dự toán.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn về đích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải bổ sung các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm quốc gia. Vụ Kế hoạch Đầu tư phải thường xuyên rà soát, kiểm điểm các dự án giải ngân chậm, để điều hòa vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn hoặc thiếu vốn. Mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021.
“Bên cạnh tiến độ, chất lượng vẫn là ưu tiên số một. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình do Bộ là chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia”, tư lệnh ngành giao thông chỉ rõ. Đồng thời, xử lý ngay tồn tại, vướng mắc nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu cho dự án.
Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 79/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Theo đó, đối với những tỉnh còn nhiều khó khăn, thu không đủ chi, phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 50% trở lên, sẽ giảm tỷ lệ cho vay lại vốn ODA mà thay vào đó sẽ được trung ương hỗ trợ, sẽ đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn vay nước ngoài.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho rằng phần lớn các địa phương ở phía Đông Bắc, Tây Bắc Bộ còn có nhiều điều kiện khó khăn như Điện Biên, Lai Châu… Việc sửa đổi Nghị định 79 sẽ giúp địa phương này có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ODA nhiều hơn.