10:49 05/03/2024

Tăng trần giá vé máy bay, doanh nghiệp bi quan về cao điểm du lịch hè

Tường Bách

Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng bay nội địa "lên lịch" khai thác dịp cao điểm hè năm 2024. Các hãng bay báo cáo nhu cầu khai thác, tăng chuyến, cũng như thời gian phục vụ chuyến bay trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 để tối ưu hóa giờ khai thác của tàu bay...

Ảnh minh họa: Lonely Planet
Ảnh minh họa: Lonely Planet

Ngày 1/3, Thông tư 34/2023 của Bộ GTVT bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay chính thức có hiệu lực. Việc tăng trần giá vé máy bay vào đúng giai đoạn khủng hoảng lịch sử được coi là "tấm phao cứu sinh" cho các hãng bay để bù đắp chi phí do “càng bay nhiều, càng gánh lỗ” trước đó. Thế nhưng, các doanh nghiệp lữ hành thì lại “đứng ngồi không yên” bởi giá vé máy bay tăng đúng dịp trước thềm cao điểm du lịch hè sắp tới có thể gây tác động rất lớn tới ngành du lịch.

CÁC HÃNG BAY “THỞ PHÀO”

Theo quy định mới, các đường bay có khoảng cách dưới 500km giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/ vé với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé với các đường bay khác. Các đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần 2,25 triệu đồng/vé (giá cũ 2,2 triệu đồng/vé); đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa 2,89 triệu đồng/vé (giá cũ 2,79 triệu đồng/vé). Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé (giá cũ 3,2 triệu đồng/vé) và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên 4 triệu đồng/vé (giá cũ 3,75 triệu đồng/ vé).

Theo một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam, mức tăng này chỉ đủ để các hãng hàng không bù đắp phần nào chi phí trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19. Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, lần điều chỉnh trần giá vé máy bay gần đây nhất là vào năm 2015. Rất nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không đã thay đổi trong gần 10 năm qua, đặc biệt là giá nhiên liệu, tỉ giá.

Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1/3 là điều kiện để các hãng bù đắp chi phí và là cơ hội để các hãng tiếp tục điều chỉnh dải giá vé trên hệ thống các đường bay nội địa. "Giá vé máy bay hiện nay được thực hiện theo cơ chế linh hoạt, tùy tình hình thị trường, điều kiện vé, thời điểm xuất vé... Dù tăng trần giá vé máy bay nội địa song mặt bằng giá năm nay sẽ tương đương năm ngoái. Riêng mùa hè 2024, hãng sẽ áp dụng chính sách giá ở mức tối ưu trong quy định giá trần", lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin.

Việc tăng trần giá vé máy bay vào đúng giai đoạn khủng hoảng lịch sử được coi là "tấm phao cứu sinh" cho các hãng bay.
Việc tăng trần giá vé máy bay vào đúng giai đoạn khủng hoảng lịch sử được coi là "tấm phao cứu sinh" cho các hãng bay.

Đại diện Vietravel Airlines cũng cho rằng khung giá hiện tại trên các chặng bay nội địa chưa bảo đảm chi phí vận hành, hiệu suất lợi nhuận trong dài hạn. Thực tế, đợt cao điểm Tết năm 2024 ghi nhận nhu cầu tăng cao nhưng thị trường vận tải hàng không nội địa vẫn giảm 13% so với năm trước. Theo Vietravel Airlines, những diễn biến mới của thị trường và khả năng cung ứng của các hãng có thể ảnh hưởng đến giá vé máy bay trong năm nay. Việc tăng giá trần giúp các hãng hàng không cân đối được các khoản chi phí trực tiếp và gián tiếp, bảo đảm hoạt động khai thác trong dài hạn.

Mặc dù các hãng bay đều khẳng định mức giá vé máy bay của năm 2024 sẽ chưa có sự thay đổi lớn, song thực tế, những biến động liên tục của thị trường hàng không thời gian qua đã vô hình trung thiết lập một mặt bằng giá vé máy bay cao. Việc tăng giá trần có thể nói sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, nhất là trong các giai đoạn cao điểm. Ngành hàng không Việt Nam có 2 giai đoạn cao điểm là tết và hè, các hãng sẽ bán mức giá tối ưu để bù đắp cho giai đoạn thấp điểm. Như vậy, hè năm nay, vé máy bay một số chặng, một số ngày được dự báo có thể kịch trần, cao hơn hiện tại 50.000 - 250.000 đồng.

DOANH NGHIỆP LO CHO DU LỊCH NỘI ĐỊA

Báo cáo số liệu tổng khai thác giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ghi nhận, lần đầu tiên sau đại dịch Covid-19, lượng khách quốc nội qua sân bay Tân Sơn Nhất mùa cao điểm Tết Nguyên đán giảm khá mạnh ở mức 11,15%, thậm chí giảm mạnh hơn cả mùa tết 2020. Thực tế này đã được dự báo trước đó, khi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập người lao động giảm, thì giá vé máy bay tết năm nay tăng rất cao và nhiều chặng khan hiếm vé.

Năm 2024, ngành lữ hành sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hàng không bao gồm việc bảo dưỡng động cơ, giảm đường bay, tăng giá.
Năm 2024, ngành lữ hành sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hàng không bao gồm việc bảo dưỡng động cơ, giảm đường bay, tăng giá.

Sau Tết, từ ngày 1/3 đến 15/3, giai đoạn được cho là thấp điểm, giá vé máy bay vẫn neo ở mức cao so với cùng kỳ những năm trước, trong đó, chặng Hà Nội đi TP.HCM vẫn từ 3,277 triệu đồng/vé trở lên. Từ giữa tháng 3 cho đến dịp cao điểm hè, giá vé chặng này vẫn giữ mức từ khoảng 1,4 triệu đồng/ vé trở lên. Giá vé máy bay ở hầu hết các chặng khác cũng trong tình trạng tương tự, người dân khó có cơ hội mua được vé giá rẻ như những năm trước.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông TST tourist, nhận định việc điều chỉnh giá trần hàng không từ 1/3 sẽ có tác động ngay tức thì đối với các đường tour trong nước. Giá tour cũng bắt buộc phải điều chỉnh song song. “Năm 2024, ngành lữ hành bên cạnh yếu tố tích cực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hàng không bao gồm việc bảo dưỡng động cơ, giảm đường bay, tăng giá. Khách hàng là người dùng sau cùng sẽ có quyết định trong việc lựa chọn hình thức du lịch phù hợp với nhu cầu”, ông Mẫn nhận định. “Với du lịch trong nước, dự báo hình thức du lịch trong cự ly gần và du lịch tự túc sẽ tăng cao”.

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt cũng đồng tình: "Chi phí vé máy bay luôn là dịch vụ đầu vào quyết định khá lớn đến giá tour. Các doanh nghiệp lữ hành hiện tổ chức đưa du khách nội địa từ tối thiểu 3 địa phương là điểm đi chính như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng thuận lợi chính nhờ các cảng hàng không quốc tế và có nhiều hãng bay, đường bay. Có thể nói rằng, hàng không là xương sống cho các sản phẩm du lịch nội địa và bất cứ biến động nào của giá vé cũng đều ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch", ông Phạm Anh Vũ nói.

Chi phí vé máy bay luôn là dịch vụ đầu vào quyết định khá lớn đến giá tour.
Chi phí vé máy bay luôn là dịch vụ đầu vào quyết định khá lớn đến giá tour.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng tiếp thị và truyền thông Vietluxtour, cho biết ngay 3 tháng đầu năm, công ty ghi nhận xu hướng khách MICE chọn các tour du lịch bằng đường bộ. “Trong tổng lượng khách MICE nội địa quý 1/2024, 60% khách chọn phương tiện ô tô và tàu lửa, đa phần các tuyến từ đầu đầu TP.HCM đến Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hoà… và đầu Hà Nội đến Hạ Long, Sa Pa, Ninh Bình, Sầm Sơn…”, bà Thu nói.

Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, khẳng định: "Nếu tổng chi phí tour - gồm cả vé máy bay - vào khoảng 7 - 10 triệu đồng/người thì chắc chắn du khách sẽ chọn đi Thái Lan, Singapore nhiều hơn", ông Huy nói. Ông Lê Trung Tín, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Tín Việt (TP.HCM) cũng đồng ý: “Tour nội địa đi 6 ngày đã gồm vé máy bay chắc chắn sẽ cao hơn tour 6 ngày ở một số nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… Thế nên, lượng khách trong nước đổ đi du lịch nước ngoài là tất yếu, thậm chí tới đây còn tăng nữa”.