18:52 16/11/2020

Tăng trưởng tín dụng cuối năm: "Kích" bằng ngành nào?

Đào Vũ

Các ngân hàng thương mại tích cực lựa chọn ngành tiềm năng để giải ngân

Bằng việc nhắm đến nhóm ngành tiềm năng, nhiều ngân hàng đang gia tăng kỳ vọng tín dụng bật tăng cuối năm 2020.

CẤP TẬP XIN NỚI HẠN MỨC

Tính đến hết tháng 9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 6,09% so với đầu năm, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 9,4% cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chính thức điều chỉnh mục tiêu 14% hồi đầu năm. Điều này cho thấy kỳ vọng của nhà điều hành về sức bật của tín dụng quý cuối năm.

Đáng chú ý, không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà nhiều ngân hàng thương mại cũng đang dồn niềm tin vào khả năng tín dụng bật tăng thông qua hành động xin nới hạn mức.

Điển hình nhất, ban lãnh đạo HDBank cho biết, tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 10/2020 của ngân hàng đã đạt 20% và đang xin Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 27-28% trong cả năm nay.

Thậm chí, số liệu tài chính cũng cho thấy HDBank đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự bật tăng dư nợ tín dụng trong quý 4. Cụ thể, đến hết tháng 9/2020, dư nợ tín dụng của HDBank tăng 14,6% so với đầu năm, tuy nhiên, tăng trưởng huy động vốn lên đến 31,3%, đây là động thái cho thấy ngân hàng này đã chuẩn bị nguồn vốn lớn để tung ra kênh tín dụng.

Tương tự, tại MBBank, số liệu 9 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 11,8%. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối tháng 10 đã tăng lên mức 16%. Tức chỉ trong vòng một tháng, dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 4,2 điểm phần trăm. Với đà tăng tín dụng như vậy, MBBank đang mong muốn xin hạn mức lên 25%.

Hay như tại TPBank, luỹ kế 9 tháng tăng trưởng tín dụng dừng ở mức 22,3%, sát với hạn mức 23% mà Ngân hàng Nhà nước giao hồi đầu năm. Vì vậy, TPBank đang xin được nâng hạn mức thêm 5-6 nghìn tỷ đồng, qua đó nâng tăng trưởng cả năm lên 29%.

TẬP TRUNG VÀO BÁN LẺ VÀ XUẤT KHẨU

Sở dĩ ngân hàng đặt kỳ vọng lớn bởi có nhiều yếu tố đang hỗ trợ như thanh khoản hệ thống cực kỳ dồi dào, lượng vốn khả dụng của các ngân hàng dư thừa; lãi suất duy trì mặt bằng thấp; trái phiếu doanh nghiệp bị siết; tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đã xong; tính mùa vụ…

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là ngân hàng sẽ đưa tín dụng vào theo kiểu đổ bê tông hay chỉ chọn một vài ngành tiềm năng?

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, thông thường ngân hàng không bao giờ bỏ trứng chung một rổ nhưng tuỳ vào thời điểm sẽ lựa chọn khẩu vị thích hợp. Ví dụ trong thời điểm hiện nay khi ngành du lịch, hàng không… bị ảnh hưởng nặng thì nhiều ngành vẫn có cơ hội tăng trưởng như hàng tiêu dùng, bán lẻ… ngân hàng do đó sẽ đẩy mạnh cho vay ở ngành này.

Tăng trưởng tín dụng cuối năm: Kích bằng ngành nào? - Ảnh 1.

Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước gửi lên Quốc hội tính đến cuối tháng 8/2020, tín dụng đối với ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 4,99%, chiếm 20,52% tổng tín dụng nền kinh tế. Tín dụng ngành xây dựng tăng mạnh nhất 7,13% nhưng quy mô về con số tuyệt đối không lớn do chỉ chiếm 9,99% tổng dư nợ.

“Ngoài ra, một vài ngân hàng khác lại chuyển hướng sang tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi động lực đến từ khối này đang tăng mạnh nhờ hiệp định EVFTA và hiệp định RCEP vừa được ký”, vị lãnh đạo trên nói.

Tại kết quả một cuộc điều tra các tổ chức tín dụng của của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước gần đây, trong cuối năm 2020 có 49% tổ chức tín dụng kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực trưởng tín dụng của hệ thống, tiếp đến là bán buôn, bán lẻ (47%), dệt may (41%) và xây dựng (40%). Đây cũng là 4 lĩnh vực được phần lớn các tổ chức tín dụng dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2021.

Thực tế cũng cho thấy, đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, bao gồm cả vay mua nhà đất và ôtô là định hướng được nhiều ngân hàng đưa ra. Cụ thể, các gói cho vay mua ôtô với lãi suất ưu đãi hấp dẫn từ 7-9%/năm, sau thời gian ưu đãi, lãi suất được thả nổi từ 9,4-13%. Lãi suất mua nhà cũng được đánh giá là mức thấp nhất 10 năm trở lại đây, với mức phổ biến từ 7-11,5%/năm trong vòng 1-3 năm đầu tiên.

Mới đây, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết sẽ tài trợ vốn lưu động để khách hàng thu mua nguyên vật liệu, thanh toán các chi phí sản xuất, gia công đơn hàng xuất khẩu với tỷ lệ tới 90% nhu cầu vốn và thời hạn vay 12 tháng.