Tạo cơ chế, chính sách hấp dẫn để kinh tế biên giới tăng trưởng đột phá
Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và bằng 21,5% tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Con số này còn rất khiêm tốn, đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh để kinh tế biên giới tăng trưởng đột phá...
Chỉ ra những nguyên nhân khiến cho quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho rằng đó là do thiếu quy hoạch; thiếu vốn đầu tư phát triển; kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp.
Ngày 16/8/2021, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và 25 tỉnh biên giới tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới.
KINH TẾ VÙNG BIÊN CÒN YẾU ỚT
Tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết việc phát triển kinh tế khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước.
Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và bằng 21,5% tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha, chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.
Tuy nhiên, bà Oanh cho rằng, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ.
Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu. Hơn nữa, hạ tầng thương mại biên giới hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận, những tồn tại trên xuất phát từ một số nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan như: thiếu vốn cho đầu tư phát triển (chủ yếu nhà nước ít, dàn trải); kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại (nhất là tư nhân) đầu tư vào khu vực biên giới (rủi ro, lợi thế cạnh tranh thấp…).
Nguyên nhân chủ quan, theo ông Diên, là vấn đề của thiếu quy hoạch hoặc chất lượng quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn dài hạn; cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để phát triển thương mại biên giới. Cùng với đó, thủ tục cấp phép, thông quan còn rườm rà; áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế…
TẬP TRUNG SỨC MẠNH CHO HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI
Để thúc đẩy thương mại biên giới phát triển mạnh, nhanh hơn nữa, ở góc độ địa phương, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường cao tốc Viêng Chăn - Paksan - Thanh Thủy - Hà Nội nhằm tạo điều kiện thông thương, qua lại, phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước Việt Nam - Lào và tạo tiền đề hình thành khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.
Trao đổi với Chính phủ Lào sớm công bố Cửa khẩu Nậm On (tỉnh Bôlykhămxay) thành cửa khẩu chính, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thuận lợi.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp tại khu vực biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn.
Bố trí ngân sách xây dựng nâng cấp các tuyến đường kết nối từ các cửa khẩu, lối mở, các xã... đến các tuyến Quốc lộ (7, 48, Hồ Chí Minh). Quan tâm xem xét cấp vốn để thực hiện các Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp chợ biên giới.
"Ưu tiên phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ cho kinh tế vùng biên. Đặc biệt, có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới".
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đầu tư các trạm thu phát sóng viễn thông, internet cho khu vực biên giới, miền núi, đặc biệt là tại các cửa khẩu, lối mở, thị tứ... nhằm xóa các “vùng trũng” cho việc phủ sóng di động, internet phục vụ các cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ, vì một số hạn chế về hạ tầng giao thông, các nhà đầu tư chưa quan tâm đầu tư xây dựng trung tâm logistics hoặc các dịch vụ logistics quy mô lớn dọc theo Quốc lộ 8.
Do đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 8 đoạn Km37+00-Km85+300; tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Đồng thời hỗ trợ Hà Tĩnh trong việc kết nối, làm việc, kêu gọi các doanh nghiệp Lào đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và cảng Vũng Áng.
Kết luận hội nghị, ông Diên nhấn mạnh đến các giải pháp huy động nguồn lực xã hội vào khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới… Cần ưu tiên phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ cho kinh tế vùng biên.
Nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.
Đặc biệt, có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới của đất nước.