09:40 31/08/2010

Taxi cùng hãng phải cùng màu: Quá khắt khe?

Tịnh Trí

Theo Thông tư 14 của Bộ Giao thông Vận tải, tới đây, xe taxi của mỗi hãng bắt buộc phải có một màu thống nhất

Sự thống nhất màu xe được cho là có thể giải quyết phần nào hạn chế trong quản lý taxi.
Sự thống nhất màu xe được cho là có thể giải quyết phần nào hạn chế trong quản lý taxi.
Theo Thông tư 14 của Bộ Giao thông Vận tải, tới đây, xe taxi của mỗi hãng bắt buộc phải có một màu thống nhất.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để “tút” lại sơn và xin cấp lại đăng ký cho hàng vạn chiếc xe. Phía doanh nghiệp kêu ca, nhà quản lý thì cho rằng, cần có lộ trình để thực hiện quy định trên.

Tại Thông tư 14 có những quy định rõ đối với loại hình kinh doanh taxi. Trước khi đưa xe vào khai thác, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đăng ký một màu sơn thống nhất , biểu trưng (logo) theo mẫu quy định. Thông tư còn quy định xe taxi phải ghi tên và số điện thoại của doanh nghiệp ở mặt ngoài hai bên thân hoặc hai bên cánh cửa xe.

Mục đích của Thông tư 14 nhằm minh bạch hóa thị trường taxi vốn nhiều nhốn nháo tại các thành phố lớn trong thời gian qua. Đặc biệt là tình trạng taxi “dù”, các hãng nhỏ cố tình “nhái” các hãng khác để tranh giành khách. Chính vì thế, việc quy định mỗi hãng có 1 màu xe riêng để tạo thương hiệu doanh nghiệp là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, bất cập là cho dù các xe taxi được “mặc áo mới” thì vẫn chưa thể biết các hãng lớn có bị “nhái” hay không bởi đã có nhiều trường hợp, taxi dù nhái giống hệt từ màu sơn, phù hiệu, logo.

Một số hãng taxi cho biết, trên thực tế, khi Thông tư số 14 chưa phát huy được hiệu quả thì trước mắt rất nhiều doanh nghiệp taxi sẽ phải tốn tiền tỷ cho việc sơn lại màu xe của mình. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường kinh doanh taxi đang gặp nhiều khó khăn do vay vốn ngân hàng mua xe, nhập khẩu xe luôn bị giá thành cao. Vì thế, nếu tiếp tục thực hiện Thông tư 14 sẽ khiến doanh nghiệp hết sức lo lắng.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình, một mặt thừa nhận sự thống nhất màu xe có thể giải quyết phần nào hạn chế trong quản lý taxi kéo dài từ năm 2000 đến nay, có thể hạn chế được tình trạng xe dù. Sự tiện lợi cho việc quản lý của cơ quan chức năng nhưng lại gây ra những bất cập và thiệt hại cho các hãng taxi.

Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội, ở Hà Nội có khoảng 14.000  xe taxi đang hoạt động. Tiền sơn lại cho một chiếc xe mất khoảng 10 triệu đồng/mỗi xe. Nếu cứ tính mỗi hãng có trung bình hai màu sơn thì hơn 7.000 xe phải đi sơn lại và chi phí cho việc đổi màu đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Dù chưa biết chính xác thông tin phải thống nhất một màu xe của hãng, nhưng đại diện của Hãng taxi Mỹ Đình cho rằng, doanh nghiệp nhỏ thì không sao. Nhưng nhiều hãng, số lượng xe lên đến hàng trăm chiếc, xe mới nhập khẩu theo từng thời gian, mỗi đợt một khác, do đó muốn thống nhất màu xe cũng khó khăn. Vì thế, việc quy định màu sơn được các doanh nghiệp vận tải đánh giá là quá khắt khe và không phù hợp với thực tế.

Đại diện Hãng taxi Vạn Xuân cho biết: quy định các hãng chỉ được một màu xe thì chỉ tiện quản lý, còn doanh nghiệp chắc chắn sẽ khốn khó. Chưa kể một lượng tiền lớn để sơn lại các xe, việc hãng muốn tăng số lượng xe cũng sẽ gặp không ít rắc rối khi tìm mua xe đồng màu. Bên cạnh đó, việc thay đổi màu sơn nguyên bản của xe cũng khá rắc rối về thủ tục hành chính hiện nay.

Để xe được lưu hành, chủ xe phải làm thủ tục đăng ký đổi màu xe với cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, hồ sơ đăng ký màu xe gửi đến sở giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Sở giao thông vận tải chỉ tiếp nhận, xác nhận và có trách nhiệm thông báo công khai việc đăng ký của doanh nghiệp. Điều này sẽ mất thời gian hơn trước rất nhiều và sẽ gây khó cho hàng chục hãng taxi đang kinh doanh hiện nay.

Trái ngược với những khúc mắc của doanh nghiệp , một số ý kiến của các cơ quan trong ngành giao thông cho rằng: Thông tư 14 quy định về màu xe thống nhất cho các hãng taxi là hợp lý. Điều này sẽ giúp việc quản lý và sự cạnh tranh lành mạnh đối với thị trường taxi sẽ được tăng cao. Từ đó, thương hiệu riêng của các hãng sẽ được tạo nên, lại tránh được việc nhập nhèm của các hãng taxi hiện nay.

Một số ý kiến cũng cho rằng: để giúp doanh nghiệp có thể chuẩn bị về tài chính cũng nên giãn lộ trình thực hiện Thông tư trên. Đồng thời, cần có những cơ chế, chính sách thuận lợi hơn trong việc đăng ký, đăng kiểm, thủ tục đổi màu sơn cho các hãng taxi.