Thanh Hóa đẩy mạnh chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho lao động mất việc vì Covid-19
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất, dẫn đến cắt giảm lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đảm bảo “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”…
Để hỗ trợ người lao động trong mùa dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động trong việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn kết nối việc làm, từ đó giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và sớm ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết 9/2021, đơn vị này đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 17.000 người. Tất cả người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được hỗ trợ tư vấn tìm kiếm việc làm mới miễn phí.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, thống kê đến ngày 26/10, trên địa bàn tỉnh có 6.103 đơn vị, doanh nghiệp với 286.339 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tổng số tiền được giảm mức đóng là 12,804 tỷ đồng.
Số người lao động được duyệt hỗ trợ bằng tiền từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là trên 142.000 người, với tổng số tiền là 323,212 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa cho biết, đa phần người lao động sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, buộc phải cắt giảm lao động.
Với tình hình lao động bị mất việc làm tăng mạnh, đơn vị này đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. “Việc tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn đảm bảo theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, ông Vinh nói.
Theo ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Dự báo thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, ngoài việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm cũng triển khai tư vấn về việc làm, học nghề cho người lao động thông qua nhiều hình thức như: qua hệ thống phát thanh, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi; lồng ghép các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động tại các địa phương…
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, thị xã trên địa bàn tổ chức các buổi tư vấn việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau thời gian cách ly.
Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho thấy, hiện tỉnh có gần 200.000 người trở về từ các địa phương, dự báo trong thời gian tới số lượng lao động trở về sẽ tiếp tục tăng.
Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung hỗ trợ cho lao động từ tỉnh ngoài trở về địa phương, trong đó chú trọng kết nối cung cầu giữa người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm; đào tạo nghề cho lao động… để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm tại địa phương.
Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cũng phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện Ngọc Lặc, huyện Cẩm Thủy tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và thông tin thị trường, tuyển dụng lao động tại 4 xã: Kiên Thọ, Quang Trung ( Huyện Ngọc Lặc) ; Cẩm Thành, Cẩm Phú ( Huyện Cẩm Thủy).
Thông qua hoạt động tư vấn góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống cho người lao động tại địa phương, đặc biệt là số lượng lớn người lao động trở về từ vùng dịch sau thời gian cách ly.