Thị trường thời trang bền vững sẽ tập trung vào các vật liệu mới
Trong cuộc đua không ngừng, cơ hội “xanh hóa” thế giới thời trang đang nảy sinh thông qua việc sử dụng những chất liệu bền vững, hứa hẹn sẽ chiếm lĩnh vị thế trong xu hướng chất liệu của ngành công nghiệp may mặc…
Theo một báo cáo gần đây của Coherent Market Insights, thị trường thời trang bền vững toàn cầu đang có giá trị 7,8 tỷ USD vào năm 2023, và phát triển nhanh chóng, dự đoán sẽ tăng vọt lên 33,05 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, xu hướng đáng chú ý của thị trường này chính là thời trang tuần hoàn, ủng hộ việc tái sử dụng và tái chế quần áo để giảm chất thải và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Hầu hết động lực tăng trưởng của thị trường này được thúc đẩy bởi xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng hướng tới các thương hiệu ưu tiên tính bền vững, nhu cầu sử dụng quần áo rõ ràng về truy xuất nguồn gốc, được sản xuất một cách có đạo đức sẽ xuất hiện. Hơn nữa, việc sử dụng vải tái chế và vải hữu cơ ngày càng khiến cho tiềm năng thị trường mở rộng hơn để phục vụ nhóm người tiêu dùng quan tâm đến môi trường vẫn đang tăng nhanh.
Báo cáo Thị trường Thời trang Bền vững Toàn cầu đăng trên tờ The Business of Fashion dự đoán tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 22,9% trong giai đoạn 2023 - 2030 do nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và khác hàng ngày càng ưu tiên việc sử dụng các loại vải thân thiện với môi trường. Quần áo nổi lên như một phân khúc thống trị bởi sở thích của người tiêu dùng đối với những sản phẩm bền vững và vải tái chế cũng đã có sự gia tăng mạnh mẽ trong thị trường này.
Từ đó, ngày càng nhiều các thiết kế sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như bông hữu cơ và polyester tái chế ra đời để đáp ứng nhu cầu mua sắm các loại quần áo bền vững đang tăng cao. Một công ty công nghệ sinh học tại Anh mới đây đã nghiên cứu ra chất liệu bền vững từ quá trình lên men của vi khuẩn, nhằm tạo ra loại vải thay thế ít carbon hơn loại vải truyền thống.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển Nanocellulose, một loại vật liệu có trọng lượng nhẹ do vi khuẩn tạo ra trên khung sợi để cho ra vật liệu sinh học bền vững mới. Theo các nhà nghiên cứu, các sợi Nanocellulose rất nhỏ, bền gấp 8 lần thép, và cứng hơn cả sợi Kevlar, loại sợi có độ bền gấp 5 lần thép. Tiến sĩ Ben Reeve, CEO Công ty công nghệ sinh học Modern Synthesis (Anh), cho biết: “Chúng tôi sử dụng nguyên liệu rác thải tới từ nhiều nguồn khác nhau như chất thải trái cây để tạo ra Nanocellulose. Do cấu trúc và có kích thước nhỏ nên khi chúng dính vào nhau sẽ tạo nên những liên kết bền chặt. Cuối cùng, chất liệu thu được có trọng lượng nhẹ và vô cùng bền chắc”.
So với truyền thống, chất liệu sinh học này tạo ra lượng khí thải rất ít, điều này có thể giúp giảm thiểu khí thải carbon của ngành công nghiệp thời trang. Ngoài ra, với khả năng nhuộm và tạo ra các lớp phủ khác nhau, chất liệu bền vững này có thể trở thành một sự thay thế linh hoạt cho hàng dệt may thông thường. Bà Jen Keane, Công ty công nghệ sinh học Modern Synthesis (Anh) chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ cố gắng để tạo ra một loạt chất liệu bền vững mới. Đây còn là cơ hội cho ngành công nghiệp thời trang, góp phần giảm thiểu tác hại của môi trường”.
Tại Nhật Bản, hãng máy in Seiko Epson có kế hoạch thành lập doanh nghiệp tái chế quần áo dựa trên công nghệ tái chế giấy của hãng vào năm tới, khi lệnh cấm tiêu hủy quần áo tồn kho của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Công nghệ tái chế quần áo thông thường là dùng máy cắt có lưỡi quay tròn để tách sợi và cần lượng lớn bông nguyên liệu tươi để duy trì độ bền. Công nghệ này đạt tỷ lệ thu hồi sợi chỉ khoảng 10%. Phương pháp mới của Seiko Epson được cho là có thể thu hồi hơn 50% sợi, nhưng công ty đặt mục tiêu cuối cùng là sẽ thu hồi 100%.
Máy tái chế khô sẽ phân hủy vải trước khi kết hợp lại bằng cách ép lớp bột vải – giống như bột giấy – thành một loại nỉ mỏng. Quy trình chỉ sử dụng một lượng nước rất nhỏ, đặc biệt là so với các quy trình tái chế truyền thống trước đây tốn nhiều nước. Loại vải tái chế được in với máy in kỹ thuật số của Seiko Epson có hoạt tiết và màu sắc tươi tắn, sắc nét. Seiko Epson sẽ tận dụng mối quan hệ của trung tâm để phát triển kênh bán hàng cho các nhà sản xuất thời trang trên toàn thế giới.
Có thể thấy, từ quần áo cũ, vải vụn, giấy báo, đến nhựa… tất cả đều trở thành nguồn lực chính cho thời trang tái chế, có thể biến đổi thành các sản phẩm đa dạng như túi xách, giày dép, quần áo, mũ… Theo Fashion Magazine, thực tế cho thấy 73% khách hàng thuộc thế hệ Millennials đã chia sẻ rằng họ sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn để sở hữu các sản phẩm từ các thương hiệu thời trang bền vững và thiết kế mang phong cách vintage.
Do đó, sự thân thiện với môi trường kết hợp với duy trì lợi nhuận đang trở thành chiến lược kinh doanh mà nhiều thương hiệu thời trang trên thế giới đang hướng đến. Sử dụng các vật liệu như bông hữu cơ, len organic, vải tái chế từ chất thải nhựa, và lụa tái chế… trở nên phổ biến. Thiết kế thời trang bền vững cũng tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm đơn giản, có thể sử dụng được trong nhiều mùa và tình huống khác nhau, nhằm giảm thiểu lượng rác thải.
Về mặt thương hiệu, Chloé là một trong những thương hiệu xa xỉ tiên phong làm mới hình ảnh bản thân bằng xu hướng bền vững. Trong thời gian gần đây, thương hiệu xa xỉ này đã chuyển đổi hoàn toàn cảm nhận về thiết kế thời trang sang một hình ảnh mới trên trang Instagram của mình, đặc trưng bởi những bức ảnh nghệ thuật tinh tế “nắm bắt” vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên.
Một trong những tên tuổi khác của lĩnh vực thời trang bền vững là Martin Margiela, thương hiệu đã tạo dựng nên một dấu ấn bền vững bằng cách tái sử dụng quần áo và mang lại cho chúng một sức sống mới bằng kỹ thuật phân hủy. Dior và Burberry đã nói không với nạn phá rừng nhằm giảm lượng khí thải, trong khi Prada cung cấp chiếc túi Hobo mang tính biểu tượng của mình bằng nylon tái chế và Versace nghiêm cấm sử dụng lông thú.
Mặc kệ chiến lược về giá, tính bền vững cũng đã chạm tới các thương hiệu thời trang nhanh. Ví dụ, Zara đã hứa cam kết sử dụng các vật liệu tái chế hoặc bền vững hơn như cotton, lanh và polyester, nhằm mục đích 100% hàng may mặc đều được làm từ các loại vải này vào năm 2025.
Primark cũng đã thực hiện một cách tiếp cận tương tự trong chiến dịch mới nhất của họ với tên gọi “Time for Change. A Better Future”. Họ giới thiệu nhiều loại sản phẩm được làm từ vật liệu bền vững. Mặt khác, Uniqlo đã quyết định tạo ra bộ sưu tập capsule có tên “Dry-Ex”, được thực hiện bằng cách tái chế chai nhựa và cho phép sử dụng các kỹ thuật giặt cải tiến giúp giảm 99% lượng nước sử dụng.
Bên cạnh đó, thị trường secondhand cũng báo hiệu vòng tuần hoàn mới của các sản phẩm thời trang. Trên toàn cầu, theo dữ liệu từ Statista, thị trường quần áo cũ dự kiến sẽ đạt giá trị 351 tỷ USD vào năm 2027, gần gấp đôi so với mức 177 tỷ USD vào năm ngoái.