Thời trang đã qua sử dụng tại Nhật Bản: Do lạm phát hay để bền vững?
Cách đây chỉ vài năm, tại Nhật Bản - thị trường trang phục lớn thứ ba thế giới - những tác động to lớn của ngành thời trang đối với môi trường vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng thực sự quan tâm...
Hai năm trở lại đây thái độ của người tiêu dùng đang thay đổi. Việc phản đối quần áo cũ đã dần biến mất trong tư tưởng của người Nhật Bản, đặc biệt là ở giới trẻ. Sự thay đổi này một phần nhờ vào các ứng dụng bán hàng trưc tuyến cho phép khách hàng có thể tiếp cận các mặt hàng mà không cần phải đến các cửa hàng quần áo cũ.
Tuy nhiên, chuyện tái chế quần áo cũ tại thị trường này vẫn cần một chặng đường dài. Theo Bộ Môi trường, chỉ 34% quần áo bỏ đi tại Nhật Bản được tái chế hoặc tái sử dụng. Con số này còn bao gồm cả việc xuất khẩu sang các nước đang phát triển.
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu Thị trường JapanConsuming, mặc dù có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, ước tính phân khúc đồ cũ của Nhật Bản chỉ chiếm chưa đến 6% trong thị trường quần áo trị giá 75 tỷ USD này. Michael Causton, người đồng sáng lập JapanConsuming, cho biết trong một thời gian dài người Nhật Bản rất coi trọng đến vấn đề vệ sinh, đó là một yếu tố đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản, và đây chính là một rào cản đối với việc sử dụng lại quần áo cũ.
Tuy nhiên mới đây, hãng thời trang Uniqlo đến từ Nhật Bản sẽ bắt đầu bán những món đồ đã qua sử dụng tại một số cửa hàng nhất định từ cuối tháng 3, sau khi chạy thử vào cuối năm 2023. Trước mắt, Uniqlo sẽ bán các món đồ cho mùa xuân hè, chẳng hạn áo thun hoặc áo sơ mi, được nhuộm lại với màu hồng nhạt hoặc kaki nhạt. Sau đó dựa trên doanh số, Uniqlo mới quyết định về việc mở rộng số lượng cửa hàng tham gia dự án hoặc biến việc này thành mô hình kinh doanh chính thức.
Trước đó vào tháng 10, Uniqlo đã dựng một cửa hàng tạm thời tại quận Harajuku (Tokyo) nhằm bán các mặt hàng đã qua sử dụng. Cửa hàng tồn tại trong 12 ngày, thu hút nhiều người dùng, từ sinh viên cho đến du khách quốc tế, cung cấp từ 400 đến 500 sản phẩm đã được nhuộm lại hoặc gia công lại. Giá cả cũng khá đa dạng, chẳng hạn áo len giá 1.500 yên (10USD), áo khoác lông cừu giá 1.000 yên, quần chinos giá 3.990 yên, hoặc áo len cashmere giá 3.000 yên, bằng khoảng 1/3 số tiền phải bỏ ra nếu muốn sở hữu chiếc áo mới hoàn toàn.
Đánh giá về đợt thử nghiệm, Giám đốc Koji Yanai của đơn vị Bán lẻ nhanh cho biết rất nhiều du khách cho biết chất lượng và giá cả các món đồ rất tương xứng. Trước khi quyết định bước chân vào mảng kinh doanh đồ đã qua sử dụng, từ năm 2006, Uniqlo đã thu gom quần áo và các mặt hàng tương tự để quyên góp cho các trại tị nạn hoặc khu vực thiên tai. Tính đến tháng 8/2022, họ ủng hộ được 50,5 triệu món hàng cho 80 quốc gia và khu vực.
Uniqlo cũng là thương hiệu dành nguồn lực để nghiên cứu vấn đề tái chế. Chẳng hạn năm 2020, họ cho ra đời đơn vị Re.Uniqlo với nhiệm vụ phối hợp cùng tập đoàn Fast Retailing thu gom quần áo từ khách hàng và biến chúng thành sản phẩm mới. Để tái chế áo phao lông vũ, Uniqlo kết hợp với Toray. Sau khi thu gom từ các cửa hàng, nhân viên Uniqlo sẽ phân loại áo phao theo chất liệu, rồi sau đó làm sạch phần lông.
Uniqlo cho biết lượng CO2 thải ra từ quá trình tái chế sẽ ít hơn 20% so với sản xuất một chiếc áo phao lông vũ thông thường. Bên cạnh đó, Uniqlo cũng ra mắt dịch vụ sửa đồ Re.Uniqlo Studio, bắt đầu vào tháng 9/2022 tại một cửa hàng ở London. Tính đến tháng 10/2023, dịch vụ này đã có mặt tại 35 cửa hàng thuộc 16 thị trường. Theo kế hoạch, Uniqlo sẽ mở rộng dịch vụ này tại hơn 50 cửa hàng trong năm 2024.
Mercari, nền tảng trực tuyến nổi tiếng của Nhật Bản, cũng là yếu tố kích thích sự tăng trưởng của thị trường quần áo cũ, với 1/3 giao dịch là các mặt hàng thời trang. Giá cả tăng cao sau nhiều năm giảm phát đã ảnh hưởng đến ví tiền của người Nhật kể từ năm 2022, và cũng khiến cho một số người không còn ngần ngại khi phải mua lại đồ đã qua sử dụng. Người phát ngôn của Mercari cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát người dùng vào năm ngoái và kết quả cho thấy quần áo là danh mục được lựa chọn hàng đầu trên Mercari như một biện pháp nhằm đối phó với tình trạng giá cả tăng cao.”
Bookoff Corp là một công ty khá có tiếng tại Nhật Bản, nhất là trong giới đồ cũ khi đã thành lập đến 832 cửa hàng đồ cũ trên toàn quốc. Thậm chí, công ty này còn mở rộng sang các thị trường Châu Á khác như chuỗi cửa hàng “Jalan Jalan Japan” tại Malaysia. Số liệu của JRBJ cho thấy hơn 20 công ty của nước này đã mở ít nhất 62 cửa hàng mỗi doanh nghiệp tại 8 nước Đông Nam Á trong những năm gần đây để kinh doanh đồ cũ. Những cửa hàng này nhập khẩu gần 1 tỷ USD đồ cũ từ Nhật Bản để kinh doanh tại các nước khác. Đây là chưa kể một lượng lớn hàng secondhand vận chuyển theo đường tiểu ngạch.
Rõ ràng, dù không bao giờ có thể thay thế được những ngành kinh doanh sản phẩm mới nhưng chất lượng Nhật Bản đã khiến ngành đồ cũ tại các thị trường Châu Á tăng trưởng mạnh trở thành một thị trường hàng tỷ USD. Hiện nay, ngành kinh doanh đồ cũ chiếm khoảng 4,36% tổng doanh số thị trường bán lẻ toàn quốc. Riêng trong mảng hàng xa xỉ, những món đồ cũ chiếm khoảng 10% tổng doanh số.
Khác với Nhật Bản, nơi quần áo cũ thường được coi là phong cách thời trang hoài cổ, hoặc giải pháp mua sắm tiết kiệm, giới trẻ tại các nước Âu, Mỹ coi thị trường thời trang đã qua sử dụng là cách tiêu dùng bền vững. Số liệu của hãng PrivCo cho thấy ngành kinh doanh quần áo cũ hiện có tổng giá trị 18 tỷ USD trên toàn thế giới và có thể tăng trưởng 11% mỗi năm, qua đó đạt 33 tỷ USD vào năm 2021. Nếu tính riêng trong mảng bán quần áo cũ trực tuyến, tốc độ tăng trưởng thậm chí đạt 35%.
Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này là do các sản phẩm đồ cũ chất lượng khá ổn có mức giá rẻ hơn những mặt hàng mới. Báo cáo của hãng tư vấn Millward Brown cho thấy top 10 thương hiệu hàng xa xỉ như Prada, Gucci… đã mất 6% giá trị thương hiệu, tương đương 7 tỷ USD năm 2015 do ảnh hưởng một phần từ thị trường quần áo cũ.
Thị trường nhập khẩu chính những bộ quần áo cũ hiện nay là Châu Phi và Nam Á. Trong khoảng 1991-2004, doanh số của các mặt hàng second hand tại Châu Phi đã tăng 100%. Hiện các nước Châu Phi cận sa mạc Sahara là những quốc gia nhập khẩu nhiều quần áo cũ nhất với 25% tổng số trên toàn cầu. Những nước xuất khẩu nhiều đồ cũ nhất hiện nay là Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản.