Các nhà sản xuất chip toàn cầu đối mặt hai lựa chọn: Mỹ hoặc Trung Quốc
Chính quyền Tống thống Biden tuần trước đã đề xuất các quy định mới trong đó buộc các công ty nhận hỗ trợ từ Đạo luật chip của Mỹ phải hạn chế mở rộng hoạt động ở Trung Quốc...
Ngày 9/8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật Đạo luật Khoa học và CHIPS với tổng số tiền được phân bổ là 280 tỷ USD, trong đó dành riêng 52 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động sản xuất chip tại Mỹ.
Giờ đây, các công ty chip muốn nhận được ưu đãi từ đạo luật này có thể đối mặt với lựa chọn khó khăn: Một là nhận hỗ trợ từ Washington để mở rộng ở Mỹ và hạn chế ở Trung Quốc, hai là tiếp tục mở rộng ở Trung Quốc và gặp khó ở Mỹ.
Chính quyền Tống thống Biden tuần trước đã đề xuất các quy định mới trong đó nêu rõ những hạn chế mà các công ty chip sẽ phải đối mặt với hoạt động của họ ở Trung Quốc cũng như các quốc gia gây quan ngại nếu như họ nhận ưu đãi tài chính từ đạo luật trên.
ĐỨNG TRƯỚC QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN
Theo Wall Street Journal, một số hạn chế được đề xuất trên, còn được gọi là “rào cản” với Trung Quốc, được đánh giá là hà khắc hơn so với những gì mà các lãnh đạo ngành, giới luật sư và giới phân tích về an ninh quốc gia dự báo trước đó. Những hạn chế này áp dụng với cả các nhà máy sản xuất chip dùng cho hệ thống vũ khí quân sự tiên tiến và các nhà máy sản xuất chip dùng trong thiết bị điện tử tiêu dùng.
“Điều này sẽ khiến nhiều công ty tự vấn rằng liệu họ có muốn nhận hỗ trợ tài chính từ đạo luật chip hay không”, bà Angela Styles, luật sư chuyên tư vấn các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn của Akin Gump, nói.
Các hạn chế sẽ đặc biệt gây khó khăn với các công ty ở Đông Á hiện có hoạt động lớn ở Trung Quốc, nơi họ đã đầu tư hàng tỷ USD. Những công ty này bao gồm Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc - hai nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
Trước khi Washington đề xuất các hạn chế liên quan đạo luật chip nói trên, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun, nói rằng những hạn chế mà Mỹ đang áp đặt với hoạt động xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc sẽ khiến các công ty Hàn Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.
“Các công ty sẽ phải đưa ra quyết định”, ông Ahn nói.
Trong khi đó, về phía Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo khẳng định rằng chính quyền Biden không có ý định phân ly kinh tế với Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục làm ăn tại Trung Quốc và với Trung Quốc. Và ngược lại”, bà Raimondo nói trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal. “Nhưng chúng tôi phải mở rộng mắt để quan sát những rủi ro đối với Mỹ”.
Bà Raimondo nói thêm rằng Trung Quốc rõ ràng muốn tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ để sử dụng trong phát triển năng lực quân sự. “Chúng tôi tuyệt đối không thể để điều này xảy ra”, bà nói.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết bà có thể sẽ thăm Trung Quốc vào mùa thu này để duy trì trao đổi mở với Bắc Kinh và đảm bảo các doanh nghiệp Mỹ có thể hoạt động trên một sân chơi công bằng.
Về phía các doanh nghiệp, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty lớn được xem là ứng viên tiềm năng để nhận hỗ trợ tài chính từ đạo luật chip đang hạn chế bình luận công khai về vấn đề này.
Samsung cho biết “đã thảo luận chặt chẽ với các cơ quan chính phủ liên quan của Mỹ và Hàn Quốc”, và sẽ xác định các bước đi tiếp theo sau khi xem xét các chi tiết về hỗ trợ tài chính từ đạo luật trên.
Samsung hiện đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến với tổng mức đầu tư 17 tỷ USD tại Taylor, bang Texas Mỹ. Năm ngoái, công ty này cũng công bố kế hoạch trong đó có thể đầu tư tới 200 tỷ USD vào các nhà máy chip ở Texas.
Trong khi đó, TSMC, hiện có kế hoạch xây dựng một khu tổ hợp sản xuất chip tiên tiến 40 tỷ USD tại bang Arizona, từ chối bình luận. Còn SK Hynix, với kế hoạch xây dựng nhà máy đóng gói chip tiên tiến tại Mỹ, cho biết những bất ổn xung quanh hoạt động của các cơ sở của công ty tại Trung Quốc đã được giải quyết thông qua thảo luận giữa Chính phủ Hàn Quốc và Mỹ.
MẮC KẸT GIỮA CẠNH TRANH MỸ-TRUNG
Đạo luật chip được đưa ra nhằm gia tăng vai trò đi đầu của Mỹ trong công nghệ chip tiên tiến và chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc. Đạo luật này nghiêm cấm thực hiện những giao dịch quan trọng liên quan tới việc mở rộng năng lực sản xuất chip tiên tiến tại những quốc gia gây quan ngại.
Các quy định mới mà Washington mới đề xuất định nghĩa “các giao dịch quan trọng” là những giao dịch trị giá ít nhất 100.000 USD, còn “mở rộng” được định nghĩa là việc tăng năng lực sản xuất của một cơ sở thêm 5%. Các quy định này thời hạn 10 năm, theo đó cho phép các công ty điều chỉnh chiến lược dài hạn ở Trung Quốc.
“Về cơ bản, Mỹ đang dùng chính sách công nghiệp của mình để điều khiến chuỗi cung ứng chất bán dẫn theo hướng mà họ muốn, và rõ ràng không hướng về Trung Quốc”, bà Reva Goujo, giám đốc tư vấn doanh nghiệp Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Rhodium Group, nhận xét.
Theo bà, chính sách này gửi đến các doanh nghiệp liên quan “một tín hiệu họ ràng rằng việc sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc là không bền vững”.
Bộ Thương Mại Mỹ tỏ ra khá thẳng thắn khi giải thích lý do những hạn chế như vậy là cần thiết.
“Các ngưỡng (trong quy định mới) được đưa ra nhằm hạn chế thậm chí cả những giao dịch khiêm tốn nhất nhằm cố gắng mở rộng năng lực sản xuất (tại các quốc gia gây quan ngại)”, Bộ Thương mại Mỹ viết trong văn bản đề xuất các quy định mới. Văn bản này được công khai để lấy ý kiến từ công chúng trong vòng 60 ngày trước khi được hoàn thiện vào mùa hè tới.
Quy định mới cũng đề xuất áp đặt hạn chế các công ty nhận hỗ trợ tài chính từ Mỹ tham gia hoạt động nghiên cứu và cấp phép công nghệ với các thực thể gây quan ngại của nước ngoài.
Với các nhà sản xuất chip, các cơ sở sản xuất đặt tại Trung Quốc là kết quả của nhiều năm đầu tư và hiện chiếm một phần lớn năng lực sản xuất chip của thế giới.
Samsung hiện có một nhà máy sản xuất chip nhớ NAND flash ở thành phố Tây An, miền Trung Trung Quốc và một nhà máy đóng gói chip ở thành phố Tô Châu, miền Đông Trung Quốc. Còn SK Hynix có các nhà máy sản xuất chip nhớ DRAM tại thành phố Vô Tích và sở hữu nhà máy chip NAND flash của Intel Corp. ở Đại Liên thông qua một thỏa thuận được ký kết vào năm 2020. Trong khi đó, TSMC hiện có nhà máy sản xuất chip tại thành phố Nam Kinh và Thượng Hải.
Tính tới cuối năm ngoái, nhà máy ở Tây An của Samsung chiếm gần 16% sản lượng chip nhớ NAND flash toàn cầu. Trong khi đó, nhà máy ở Vô Tích của SK Hynix chiếm khoảng 12% sản lượng chip nhớ DRAM toàn cầu, còn nhà máy ở Đại Liên của công ty chiếm khoảng 6% sản lượng chip nhớ NAND flash toàn cầu, theo công ty nghiên cứu thị trường công nghệ TrendForce.
Các nhà máy ở Nam Kinh và Thượng Hải của TSMC đóng góp tổng cộng khoảng 6% tổng năng lực sản xuất chip theo hợp đồng của công ty này.