11:19 15/02/2023

Doanh nghiệp chip Trung Quốc lao đao vì bị Mỹ cấm vận

Đức Anh

Mùa thu năm ngoái, Mỹ ban hành lệnh cấm xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip cho doanh nghiệp Trung Quốc. Động thái này gây trở ngại nghiêm trọng cho kế hoạch mở rộng hoạt động của các nhà sản xuất chip lớn của Trung Quốc cũng như tham vọng của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc về con chip...

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng - Ảnh: Getty Images
Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng - Ảnh: Getty Images

Bất ổn là tâm trạng chung của những người tham gia chuyến thăm địa điểm sản xuất hàng đầu của nhà sản xuất chip Trung Quốc Yangtze Memory Technologies (YMTC), cách trung tâm Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc khoảng 40 km về phía Đông. Cả kỹ sư và kỹ thuật viên của YMTC ở đây đều không biết khi nào nhà máy thứ hai của công ty, ban đầu dự kiến bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2022, sẽ thực sự đi vào hoạt động.

“Các hạng mục như thiết bị điện đã được lắp đặt, nhưng việc lắp đặt thiết bị sản xuất chip vẫn chưa bắt đầu”, một nhân viên của TMTC cho biết.

Theo Nikkei Asia, YMTC được thành lập vào năm 2016 bởi Tsinghua Unigroup với sự hợp tác của quỹ đầu tư công National Integrated Circuit Industry Investment Fund - thường được biết đến là "Big Fund”. Công ty này bắt đầu sản xuất hàng loạt chip nhớ NAND vào năm 2019.

Sau khi Unigroup phá sản, YMTC được quản lý bởi Big Fund và các chính quyền địa phương. Công ty này tập trung vào tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường chip NAND toàn cầu. Thậm chí có thời điểm Apple được cho là chuẩn bị sử dụng chip của YMTC cho iPhone.

Năm 2020, YMTC khởi công xây dựng nhà máy thứ hai với vốn đầu tư ước tính khoảng 100 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 15 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) nhằm tăng năng lực sản xuất gấp ba lần. Tuy nhiên, dự án này đã bị đình trệ từ khi Mỹ ban hành các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất chip tiên tiến, cũng như hạn chế công dân Mỹ tham gia hoạt động sản xuất chip của doanh nghiệp Trung Quốc.

Tháng 9/2022, không lâu sau khi lệnh cấm trên được ban hành, Simon Yang - người được cho là có quốc tịch Mỹ - đã từ chức CEO của YMTC. Tháng sau đó, nhiều kỹ sư người Mỹ cũng nghỉ việc tại các công ty thiết bị sản xuất chip đặt trụ sở tại Mỹ có liên quan tới kế hoạch mở rộng hoạt động của YMTC.

Việc xây dựng nhà máy thứ hai ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc của YMTC bị đình trệ do cấm vận của Mỹ - Ảnh: Nikkei Asia
Việc xây dựng nhà máy thứ hai ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc của YMTC bị đình trệ do cấm vận của Mỹ - Ảnh: Nikkei Asia

Sự trì trệ này buộc YMTC phải cắt giảm một loạt nhân sự.

“Bộ phận của chúng tôi đã bắt đầu sa thải khoảng 10% nhân sự vào tháng 1 năm nay”, một kỹ sư đã làm việc tại YMTC trong khoảng 3 năm cho biết. “Công ty cũng ngừng việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Bầu không khí trong công ty vô cùng ảm đạm với tương lai bất định”,

ChangXin Memory Technologies (CXMT), công ty Trung Quốc chuyên sản xuất chip DRAM bằng công nghệ tiên tiến nằm trong phạm vi lệnh cấm của Mỹ, cũng đang gặp khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch mở rộng hoạt động của mình.

CXMT đã xây xong tòa nhà văn phòng mới cho nhà máy thứ hai được lên kế hoạch xây dựng nằm gần trụ sở của công ty tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng đang bị đình trệ kéo dài và chưa biết khi nào có thể tiếp tục.

"Chúng tôi đã dự kiến bắt đầu hoạt động tại đây vào năm 2023, nhưng tình hình này thì sớm nhất cũng phải tới năm 2024 hoặc 2025”, một kỹ sư của CXMT chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển mới của CXMT có vẻ cũng không có nhiều tiến triển.

“Chúng tôi đã tạm thời ngừng tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp”, kỹ sư trên cho biết. “Công ty sẽ cắt giảm khoảng 5-7% nhân sự, tùy từng bộ phận”.

Trước đó, năm 2015, Chính phủ Trung Quốc công bố sáng kiến "Made in China 2025", trong đó xác định chất bán dẫn là ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng. Big Fund được thành lập theo sáng kiến này và đã hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển của ngành. Mức đầu tư trong giai đoạn đầu đã đạt khoảng 140 tỷ Nhân dân tệ.

Nhờ nguồn đầu tư này, ngành công nghiệp chip Trung Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh, dẫn đầu là ba công ty chip nhớ được Chính phủ hậu thuẫn là YMTC, CXMT và Fujian Jinhua Integrated Circuit Co.

Tuy nhiên, khi căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng leo thang, Washington liên tục siết hạn chế xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến cho Trung Quốc - công nghệ mà Trung Quốc vẫn kém xa so với Mỹ.

Trước đó, vào năm 2019, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc là tâm điểm của các biện pháp cấm vận của Mỹ. Không lâu sau đó, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp. cũng rơi vào tầm ngắm.

Theo công ty nghiên cứu International Business Strategies (IBS) của Mỹ, tỷ lệ con chip tự cung ứng của Trung Quốc đã tăng từ 10% vào năm 2015 lên 24% vào năm 2021. Báo cáo vào tháng 6/2022 của IBS dự báo tỷ lệ này sẽ vượt 50% vào năm 2030. Nhưng sau khi Mỹ siết chặt các hạn chế thương mại, giám đốc điều hành của IBS, ông Handel Jones, cảnh báo rằng tỷ lệ này có thể sẽ chỉ đạt khoảng 30% vào năm 2030.

Trong bối cảnh thị trường con chip ảm đạm, sự trì trệ trong kế hoạch mở rộng sản xuất của các công ty sản xuất chip hàng đầu được cho là sẽ không giáng đòn mạnh vào tham vọng duy trì khả năng tự cung ứng con chip của Chính phủ Trung Quốc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những áp lực từ phía Mỹ rõ ràng đang gây tác động lớn tới ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, đẩy nước này vào tình thế khó khăn trên con đường hiện thức hóa giấc mơ chip của mình.