Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp để thoát khỏi tình trạng mất cân đối cung cầu

Chu Khôi
Chia sẻ

Thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi để thoát khỏi tình trạng sản xuất mất cân đối so với nhu cầu thị trường...

Chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi
Chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi

Khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi, trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp để điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi.                                       

Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới”, ngày 26/4/2021, ông Nguyễn Xuân Dương -Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong quý I/2021, đàn lợn cả nước giảm khoảng 2% so với cuối năm 2020.

XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CHĂN NUÔI ĐẠT TRÊN 1,2 TỶ USD

Nguyên nhân đàn lợn giảm là do cung cấp thực phẩm cho Tết nguyên đán tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong cả quý 1/2021 đạt 1.018,8 ngàn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý I/2021, sản lượng thịt trâu hơi đạt khoảng 32,2 ngàn tấn, tăng 0,7%, sản lượng thịt bò hơi đạt khoảng 120,7 ngàn tấn, tăng 4,8%, sản lượng sữa bò tươi đạt khoảng 270,1 ngàn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính quý I/2021, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 420 nghìn tấn, tăng 5,2%; trứng ước đạt 4,3 tỷ quả, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Suốt thời gian dài vừa qua, giá bán các sản phẩm gia cầm quá thấp, khiến chăn nuôi gia cầm lao đao. Tuy nhiên, ông Dương đưa ra dự báo giá các sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng và sẽ tăng cao vào thời điểm từ tháng 7/2021, do nguồn cung thiếu, vì lượng con giống đưa vào chăn nuôi thương phẩm trong quý I/2021 giảm tới gần 50% so với Quý IV/2020.

Đối với thị trường thịt lợn, ông Dương cho hay, giá lợn thịt hiện tại xuất bán tại cửa chuồng đã giảm so với thời điểm trước tết Nguyên đán, dao động từ 74-78 nghìn đồng/kg; giá lợn hơi xuất chuồng của Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam bán dao động từ 74-78 nghìn đồng/kg.

Theo ông Dương, năm 2020, khi được Chính phủ cho phép, một số doanh nghiệp đã nhập 447,6 ngàn con lợn sống để giết thịt (bình quân 100 kg/con). Tổng số lượng thịt lợn và phụ phẩm nhập khẩu khoảng 148 ngàn tấn (tương đương 4,3% tổng sản lượng thịt lợn hơi sản xuất năm 2020).

Ngoài ra, trong năm 2020 cả nước đã nhập khẩu 554,9 ngàn con trâu, bò sống, tương đương 194,2 ngàn tấn thịt và khoảng 161,8 ngàn tấn thịt mát gia súc/thịt gia súc đông lạnh. Năm 2020, tổng số lượng thịt gà nhập khẩu khoảng 215 ngàn tấn, tương đương 20,4% sản lượng thịt gà sản xuất trong nước.

Năm 2020 là năm đầu tiên giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vượt mức 1 tỷ USD, tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,23 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chủ yếu ở sản phẩm sữa, ngoài ra còn có mật ong, trứng và một số ít từ xuất khẩu thịt.

CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ ĐIỀU TIẾT SẢN XUẤT

Ngành chăn nuôi đang ở vào bối cảnh mới, với rất nhiều thách thức. Đó là, diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, nhất là Dịch tả lợn Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại và các bệnh mới nổi, như viêm da nổi cục trâu, bò... gây phát sinh tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, các nguồn lực tự nhiên đang ngày một thu hẹp hoặc bị khai thác quá mức (đất đai, nguồn nước, đồng cỏ ...) sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến không gian phát triển của ngành chăn nuôi.

Theo ông Dương, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua nhiều hiệp định thương mại tư do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (EVFTA) đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi.

Do đó, ông Dương đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài Chính cần có chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương và lúa mỳ trong thời gian ngắn hạn, tạo điều kiện cho nhập khẩu đủ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phàn nàn: "Ngành chăn nuôi đã bao nhiêu năm rồi, cơ bản vẫn thế, nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết được. Tình trạng sản xuất mất cân đối so với nhu cầu thị trường, giá bán sản phẩm luôn mất ổn định".

Hiện nay, giá thịt lợn cao, giá thịt gia cầm quá thấp vẫn đang là vấn đề loay hoay trong điều tiết sản xuất. Phát triển trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi trâu bò, trồng các loại cây lương thực phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi đã bao nhiêu năm nay vẫn chưa tiến triển.

Do vậy, Thứ trưởng Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi phải rà soát, điều chỉnh quy mô đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.

Đối với chuyển đổi số và tăng cường dự báo chăn nuôi, Thứ trưởng Tiến cho rằng cần thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; áp dụng các phần mềm để đảm bảo cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước.

"Trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp có thể đưa ra đánh giá sát thực tế, dự báo năng lực sản xuất và cung cầu thị trường chăn nuôi giúp điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao nhiệm vụ cho Cục Chăn nuôi phải tiếp tục hoàn thiện nội dung Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi phù hợp với thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập, trong đó có vấn đề kiểm soát môi trường và xử lý chất thải chăn nuôi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư sửa đổi.

Thời gian hoàn thành trình Chính phủ ban hành nghị định này là trong quý IV/2021. Cùng với đó, phải hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật giống, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ngành chăn nuôi, mã định danh quốc gia cho các cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi.

 

Mục tiêu kế hoạch ngành chăn nuôi trong năm 2021: Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 3,87 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 1,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 14,7 tỷ quả; sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt khoảng 565,5 nghìn tấn, sản lượng sữa tươi đạt trên 1,2 triệu tấn.

 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con