Hợp tác công nghệ giáo dục giữa Vương quốc Anh và Việt Nam
Ngày 15/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc tham dự Hội thảo Hợp tác về công nghệ giáo dục giữa Anh Quốc và Việt Nam. Hội thảo do Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam và Bộ Thương mại quốc tế Anh phối hợp tổ chức.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Việt Nam xác định chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực.
Với sự ra đời của Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Luật giáo dục năm 2019 các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được tự chủ cao về hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.
Đã có khoảng hơn 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài, trong đó, có trên 90 chương trình với các trường đại học của Vương quốc Anh.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế như SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC, UNESCO, UNICEF...
Đánh giá cao nền giáo dục phát triển của Vương Quốc Anh cũng như quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tin tưởng Hội thảo sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực công nghệ giáo dục giữa hai nước, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Năm 2019, Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thương mại quốc tế Anh, Hiệp hội công nghệ giáo dục Anh quốc (BESA) tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác công nghệ giáo dục và Triển lãm công nghệ giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Diễn đàn và Triển lãm, nhiều giải pháp về công nghệ giáo dục hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập được giới thiệu và từng bước ứng dụng vào thực tiễn tại các trường học và các trung tâm học tập cộng đồng.
Về phía Việt Nam, trong giai đoạn dịch Covid-19, với tinh thần “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả. Kho học liệu số chia sử dùng chung toàn ngành có gần 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy truyền hình, 200 thí nghiệm ảo... Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý điều hành đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý.
Hiện nay, Bộ Giáo dục Đào tạo đang xây dựng một số chương trình, đề án như: Đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học; Dự án triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học,…
Chia sẻ tại Hội thảo, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Ian Flew khẳng định, Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vương quốc Anh trong việc xây dựng quan hệ đối tác giáo dục.
ông Ian Flew cho biết, Đại sứ quán Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành Giáo dục Việt Nam ứng dụng hiệu quả công nghệ trong dạy và học.
Hội thảo đã nghe báo cáo của các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục đến từ các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức giáo dục Việt Nam và Vương quốc Anh. Với chủ đề về “Công nghệ giáo dục”, các diễn giả đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh việc chuyển đổi số trong giáo dục tại Việt Nam và Vương quốc Anh; khó khăn, thách thức; cách thức Vương quốc Anh hỗ trợ chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam…
Tại Hội thảo, Triển lãm Công nghệ Giáo dục (BESS) tại Việt Nam năm 2023 với chủ đề chuyển đổi số thúc đẩy giáo dục 4.0 gắn liền Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Education 4.0 to Industry 4.0) đã chính thức được giới thiệu và khởi động chuẩn bị.
Triển lãm do Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và Hiệp hội các nhà cung cấp giáo dục Anh quốc (BESA) tổ chức, nhằm giới thiệu các sản phẩm giải pháp công nghệ giáo dục, thiết bị, đồ chơi, đồ dùng học tập; các dịch vụ giáo dục tiên tiến của Vương quốc Anh, đối tác quốc tế và Việt Nam.