Nghiên cứu thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Với việc hình thành các hành lang và cực tăng trưởng dựa trên lợi thế sẵn có của địa phương, tăng trưởng GRDP của “vùng lõi nghèo” Trung du và miền núi phía Bắc sẽ được “vực dậy” và lọt nhóm phát triển khá…
Chia sẻ tại buổi họp báo về Hội nghị Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết Chương trình hành động của Chính phủ đặt mục tiêu, giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 8,0 - 9,0%/năm, với 50% số tỉnh thuộc vùng nằm trong nhóm phát triển khá.
“Mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của hệ thống các cấp chính quyền tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, một số địa phương đã có sự bứt phá về kinh tế xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước.
“Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình và các yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết bằng một tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và hợp tác phát triển mới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW với mục tiêu phát triển vùng trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khả trong cả nước; an ninh quốc phòng được bảo đảm vững chắc…
Bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 96 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11 nhằm xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể các dự án có quy mô lớn, liên vùng… Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng thể chế nhằm nâng cao nhận thức liên kết vùng.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Chương trình hành động cũng tập trung xây dựng quy hoạch vùng với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong việc phân bổ không gian và tài nguyên phát triển hợp lý; hình thành hành lang kinh tế kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ với Thủ đô Hà Nội trong các lĩnh vực thế mạnh như điện – điện tử, cơ khí chế tạo… nhằm tận dụng lợi thế từ các dự án FDI lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các cực tăng trưởng nông nghiệp chất lượng cao ở Sơn La hay chế biến gỗ ở Tuyên Quang…
“Trên cơ sở này, các bộ ngành và địa phương sẽ cùng tập trung xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển với việc đề xuất các cơ chế đặc thù liên quan tới ngân sách, thuế…”, ông Đông nói.
Đặc biệt, để các kế hoạch hành động của các địa phương diễn ra nhịp nhàng, Thứ trưởng cho rằng cần sớm nghiên cứu thành lập Hội đồng điều phối vùng. Hội đồng này sẽ giúp Thủ tướng điều phối hoạt động liên kết vùng, nhất là việc xử lý những vấn đề mang tính chất liên vùng. Trong đó, một Phó Thủ tướng sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng vùng.
Những vấn đề trên dự kiến sẽ được làm rõ tại Hội nghị Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 27/8 tại TP.Lào Cai dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Hội nghị có sự tham gia đóng góp ý kiến từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, các địa phương, tổ chức nước ngoài như ADB, WB và hơn 600 đại biểu đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Đây là hội nghị “3 trong 1” được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.